Tăng cường dạy học trực tuyến

.

Trước tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) chỉ đạo ngành giáo dục các địa phương triển khai dạy học trên internet, truyền hình theo chương trình tinh giản bộ đã hướng dẫn.

Trước tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp, học sinh học tập trực tuyến trên internet. Ảnh: an nhiên
Trước tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp, học sinh học tập trực tuyến trên internet. Ảnh: AN NHIÊN

Những ngày qua, Trường tiểu học Điện Biên Phủ (quận Thanh Khê) khảo sát điều kiện cơ sở vật chất (điện thoại thông minh, máy tính, ti-vi kết nối internet) của từng phụ huynh để tổ chức phương pháp dạy trên internet.

Cô Cao Thị Liêm, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường đã tổ chức họp trực tuyến toàn thể giáo viên, hướng dẫn việc dạy học trực tuyến theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT. “Căn cứ theo chương trình tinh giản của Bộ GD-ĐT và của sở, nhà trường chỉ đạo các tổ biên soạn nội dung, bài giảng PowerPoint, sau đó, đưa lên mạng interenet để học sinh học tập. Bên cạnh đó, nhà trường chọn lọc các bài giảng online trên mạng phù hợp với chương trình gửi về cho học sinh học, có thêm kiến thức”, cô Cao Thị Liêm cho hay.

Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt, Hiệu trưởng Trường tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu) cho biết, hơn 2 tuần qua, nhà trường đã sử dụng phần mềm giáo dục của Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel (ViettelStudy) tích hợp phần mềm tăng tương tác trực tuyến Zoom Cloud Meeting để ôn tập kiến thức cho học sinh, nhận được nhiều phản hồi tích cực nên việc tổ chức dạy bài mới theo chỉ đạo của Sở GD-ĐT khá thuận lợi. Theo cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt, các tổ chuyên môn của trường sẽ phối hợp soạn bài bằng PowerPoint, mỗi buổi học có thời lượng 90 phút. “Trong 2 tuần ôn tập trên ứng dụng, giáo viên và học sinh tương tác rất tốt. Giáo viên chủ nhiệm nắm được số lượng học sinh tham gia, nhà trường cũng quản lý được nội dung giáo viên dạy”, cô Nguyệt cho hay.

Trong khi đó, thầy Nguyễn Đức Tú Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Tây Sơn (quận Hải Châu) - trường THCS dùng ứng dụng Zoom Cloud Meeting đầu tiên trên địa bàn quận cho biết, thời gian đầu trường yêu cầu giáo viên soạn bài ôn tập đăng lên website. Đến giữa tháng 3, Sở GD-ĐT khuyến khích các trường tổ chức dạy học trực tuyến, nhà trường tiến hành tìm hiểu, liên hệ với phần mềm Zoom Cloud Meeting mua được 500 cổng cho một lần dạy.

Đến nay, khi sở có văn bản hướng dẫn dạy và đánh giá kết quả học tập trên internet, nhà trường tiến hành dạy tất cả các môn trong tuần, thời lượng 2 giờ/buổi/môn/khối. “Để tất cả học sinh của trường được học trực tuyến, nhà trường tiếp tục liên hệ phần mềm Zoom để mua thêm cổng. Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, nhà trường tiến hành tập huấn đội ngũ kỹ thuật. Trong mỗi tiết dạy sẽ có một giáo viên và một kỹ thuật viên; trong đó kỹ thuật viên phụ trách xử lý các sự cố, giám sát học sinh”, thầy Tú Anh cho hay.

Theo ghi nhận, những ngày qua, các trường THPT cũng tích cực chuẩn bị các điều kiện kỹ thuật để dạy học trực tuyến. Thầy Phạm Tấn Ngọc Thụy, Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Hoa Thám (đóng trên địa bàn quận Sơn Trà) cho biết, trường đã phân công giáo viên các khối, giáo viên bộ môn phối hợp soạn bài giảng bằng PowerPoint sau đó đưa lên ứng dụng vnEdu Teacher (ứng dụng tiện ích dành cho giáo viên trên hệ sinh thái mạng giáo dục Việt Nam) và vnEdu Connect (ứng dụng tiện ích dành cho phụ huynh học sinh trên hệ sinh thái mạng giáo dục Việt Nam) của Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) để các em học tập. “Trong học kỳ 2, dự kiến chương trình giảm tải còn khoảng 10-12 tuần, nhà trường sẽ phân phối hợp lý giữa các môn học để có kế hoạch dạy học phù hợp”, thầy Thụy chia sẻ.

Giám đốc Sở GD-ĐT thành phố Lê Thị Bích Thuận cho biết, việc dạy học trên internet, truyền hình đối với học sinh tiểu học, sở đề nghị nhà trường chỉ đạo các tổ chuyên môn xây dựng các bài học, học liệu để tổ chức dạy học theo kế hoạch của nhà trường. Đối với khối trung học, trường tổ chức dạy học bài mới, kiến thức mới chương trình học kỳ 2, chú trọng khắc sâu kiến thức, rèn luyện thêm kỹ năng học tập cho học sinh; không dạy nội dung đã được giảm tải theo hướng dẫn của Bộ và của Sở GD-ĐT. “Trong quá trình tổ chức dạy học qua internet, qua truyền hình, giáo viên phụ trách môn học trực tiếp kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập của học sinh thông qua các bài kiểm tra trên hệ thống dạy học qua internet. Kết quả kiểm tra, đánh giá thường xuyên trong quá trình dạy học qua internet, trên truyền hình được sử dụng thay cho các bài kiểm tra thường xuyên theo quy định của Bộ GD-ĐT”, bà Thuận cho hay.     

Học sinh Đà Nẵng tiếp tục nghỉ học để phòng, chống Covid-19

Ngày 10-4, UBND thành phố có Công văn số 2353/UBND-SGDĐN gửi Sở GD-ĐT, UBND các quận, huyện về thời gian nghỉ học, đi học lại của học sinh, học viên. Theo đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31-3 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống Covid-19, đồng thời xét Báo cáo số 854/BC-SGDĐT ngày 6-4 của Sở GD-ĐT về tình hình học sinh, học viên nghỉ học phòng, chống Covid-19, Chủ tịch UBND thành phố cho phép tất cả trẻ mầm non, học sinh, học viên các trường, trung tâm từ lớp 1 đến lớp 12; học viên các cơ sở đào tạo ngoại ngữ, tin học, năng khiếu, dạy thêm-học thêm… tiếp tục nghỉ học cho đến khi có thông báo về việc đi học lại.   

                 AN NHIÊN

;
;
.
.
.
.
.