Thách thức từ môi trường mạng

.

Tình cờ đọc tin nhắn trên điện thoại của con gái, chị L.T.C.B, giáo viên một trường tiểu học trên địa bàn quận Hải Châu thực sự sốc. Ngay lập tức, chị gọi điện thoại cho Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em (111) nhờ tư vấn. Chị tâm sự: “Làm mẹ, vừa là cô giáo nên lâu nay tôi tin mình giáo dục, giám sát con gái rất tốt. Vậy mà không ngờ con gái mới lớp 9 của tôi có các mối quan hệ khá phức tạp, lâu nay những buổi học thêm con gái tôi vẫn tranh thủ bỏ học để đi chơi bên ngoài mà tôi hoàn toàn không hay biết”.

Cần nhiều sân chơi bổ ích để trẻ em tránh xa việc sử dụng quá nhiều mạng xã hội. Trong ảnh: Ngày hội tôn giáo quận Thanh Khê năm 2019 thu hút nhiều trẻ em tham gia. Ảnh: THANH SƠN
Cần nhiều sân chơi bổ ích để trẻ em tránh xa việc sử dụng quá nhiều mạng xã hội. Trong ảnh: Ngày hội tôn giáo quận Thanh Khê năm 2019 thu hút nhiều trẻ em tham gia. Ảnh: THANH SƠN

Tháng 7-2019, T. (12 tuổi), ở huyện Hòa Vang quen H.Q (32 tuổi, trú phường An Hải Đông, quận Sơn Trà) qua mạng xã hội. Không lâu sau đó, T. và Q. có quan hệ tình dục. Cái kết là ngày 30-11-2019, Công an quận Sơn Trà đã khởi tố, bắt tạm giam H.Q với tội hiếp dâm trẻ vị thành niên, vì lúc đó T. mới ... 12 tuổi.
Trao đổi với chúng tôi, Thạc sĩ Mai Đức Vũ, chuyên viên tư vấn phát triển cộng đồng của Trung tâm cung cấp Dịch vụ Công tác xã hội thành phố cho rằng, chuyện con gái chị B., bé T. kể trên không cá biệt trong xã hội hiện nay.

Thực tế, thanh, thiếu niên ngày nay không chỉ sử dụng mạng xã hội khá nhiều mà còn rất phức tạp. Đáng lo ngại nhất, không nhiều phụ huynh nắm bắt được thực tế này để có sự can thiệp kịp thời. Trên môi trường mạng, những thanh, thiếu niên mới lớn có thể tìm thấy tất cả. Từ những việc khá tích cực là trao đổi thông tin học tập, giúp đỡ nhau trong cuộc sống đến việc rủ rê chơi bời, thậm chí “khủng bố” tinh thần lẫn nhau... Thế nhưng, số trường hợp mà phụ huynh biết, cơ quan chuyên môn nắm bắt được để can thiệp, tư vấn, giúp đỡ vẫn còn khá khiêm tốn.

Ngày 16-10-2018, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố và tổ chức Tầm nhìn thế giới đã ký kết thỏa thuận triển khai dự án “Bảo vệ trẻ em và thanh, thiếu niên khỏi nguy cơ xâm hại tình dục qua môi trường mạng”. Đúng một năm sau, theo báo cáo của Ban quản lý dự án tại 3 địa phương được triển khai thí điểm ở 3 quận: Sơn Trà, Cẩm Lệ và Hải Châu đã phác họa một bức tranh không mấy sáng sủa: chỉ có 10,4% trẻ em và 8,6% phụ huynh biết được môi trường mạng có tác động tiêu cực đến thanh, thiếu niên nếu không biết sử dụng, khai thác một cách lành mạnh.

Ngược lại, có đến 68% trẻ em tự tìm hiểu về việc sử dụng, khai thác thông tin trên môi trường mạng, trên 50% phụ huynh chưa có đủ kỷ năng sử dụng và hướng dẫn trẻ sử dụng thông tin trên môi trường mạng một cách hữu ích. Tương tự một khảo sát gần đây của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về “Những trải nghiệm không mong muốn khi sử dụng internet” cũng đã cho thấy tình hình khá lo ngại, khi có gần 36,5% trẻ em trải nghiệm các thông tin, hình ảnh liên quan đến bạo lực; hơn 13% buộc phải tiếp xúc không mong muốn với hình ảnh, tài liệu mang tính chất khiêu dâm. Ngoài ra, còn có gần 16% trẻ em cho biết bị dụ dỗ tình dục qua môi trường mạng, 2% trẻ nhận được đề nghị tiết lộ thông tin, hình ảnh cá nhân không mong muốn...

Thành phố Đà Nẵng hiện có trên 235.000 trẻ em dưới 16 tuổi, trong đó có 2.700 em có hoàn cảnh đặc biệt và trên 16.000 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Những năm qua, các cấp chính quyền thành phố, các ban, ngành, đoàn thể có rất nhiều nỗ lực trong công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Thực tế thì số vụ, số trẻ em vi phạm pháp luật qua từng năm cũng đã giảm dần. Đặc biệt, năm 2019, 100% xã, phường của thành phố đạt tiêu chuẩn xã, phường phù hợp với trẻ em. Tuy nhiên, theo các chuyên gia trên lĩnh vực trẻ em, Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung chưa thể yên tâm với những gì đạt được. Công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, nhất là trên môi trường mạng vẫn còn rất nhiều thách thức, trong đó có nhiều mảng tối tiềm ẩn nguy cơ nhưng cả gia đình và cơ quan chức năng chưa thể tiếp cận và can thiệp một cách đầy đủ.

T.S

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.