Luật Giáo dục 2019 được Quốc hội ban hành ngày 14-6-2019 có hiệu lực từ ngày 1-7-2020 với nhiều điểm mới so với Luật Giáo dục hiện hành, trong đó nhiều điểm có liên quan đến việc nâng chuẩn trình độ chuyên môn, chính sách đãi ngộ giáo viên.
Theo Luật Giáo dục năm 2019, giáo viên tiểu học phải có bằng cử nhân trở lên. Ảnh: NGỌC PHÚ |
Nâng chuẩn giáo viên
Trong Luật Giáo dục 2019, yêu cầu giáo viên tiểu học, THCS, THPT đều phải có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên; riêng mầm non có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên. Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.
Theo nhận định của các cán bộ quản lý lãnh đạo và trường học, điều này phù hợp với xu thế tất yếu của sự phát triển giáo dục. Bà Lê Thị Kim Ánh, Phó Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT thành phố) cho rằng, riêng vấn đề giáo dục tiểu học hiện nay của thành phố Đà Nẵng, giáo viên các trường đều đạt chuẩn 100%, nhiều trường trên chuẩn. “Xu thế phát triển của giáo dục đòi hỏi mỗi giáo viên phải tự đổi mới. Do đó, việc nâng chuẩn giáo viên là phù hợp”, bà Lê Thị Kim Ánh nhấn mạnh.
Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt, Hiệu trưởng Trường tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu) cho rằng, giáo viên cũng đã chuẩn bị tâm thế tự nâng chuẩn từ năm 2015 bằng cách tự học, tự nâng cao trình độ nhằm đáp ứng yêu cầu dạy và học.
“Hiện nay, nhiều học sinh lớp 12 không chọn nghề sư phạm vì học 4 năm đại học, ra trường các em còn gian nan chuyện thi viên chức, nâng hạng nghề nghiệp giáo viên mà lương không đáp ứng được nhu cầu cuộc sống. Do đó, nhiều học sinh không mặn mà với nghề giáo viên. Tuy nhiên, dù khó khăn như vậy nhưng đã đào tạo giáo viên thì phải đào tạo đại học, chú trọng chất lượng đầu ra thì mục tiêu của giáo dục theo Luật Giáo dục 2019 mới được đáp ứng”, cô Nguyệt chia sẻ.
Cô Lê Thị Phúc, giáo viên lớp Lớn 1, Trường mầm non 19-5 (quận Hải Châu) cho rằng, giáo viên đạt chuẩn khi đứng lớp, chăm sóc, giảng dạy học sinh sẽ có cái nhìn, khả năng tư duy tốt hơn trong các hoạt động giáo dục. Với mức chuẩn được nâng lên đòi hỏi giáo viên chưa đạt chuẩn cần trao dồi thêm kiến thức phù hợp với xu thế xã hội, giúp giáo viên có ý chí cầu tiến, đồng thời tự tin hơn trong quan hệ giao tiếp với học sinh, đồng nghiệp và cha mẹ học sinh.
Trao đổi với chúng tôi, bà Đặng Thị Cẩm Tú, Trưởng phòng Giáo dục mầm non (Sở GD-ĐT thành phố) cho biết, nâng chuẩn trình độ giáo viên mầm non là mục tiêu chính nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực sư phạm của đội ngũ giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới, căn bản toàn diện giáo dục, góp phần hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới. Hiện Sở GD-ĐT đang trình dự thảo kế hoạch đào tạo bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục giai đoạn 2021-2025 của thành phố Đà Nẵng, trong đó có lộ trình cụ thể về nâng chuẩn đào tạo cho giáo viên mầm non.
Bỏ phụ cấp thâm niên, nhiều giáo viên trăn trở
Cô N.T.B.K, giáo viên một trường mầm non trên địa bàn huyện Hòa Vang có thâm niên 18 năm chia sẻ, cô đang giữ chức vụ tổ trưởng tổ chuyên môn, có thâm niên, nếu bỏ phụ cấp sẽ rất thiệt thòi. Đội ngũ giáo viên như cô hiện chưa biết lương sẽ được tính lại theo căn cứ nào nhưng qua nắm thông tin thì có khả năng tính lương theo chất lượng công việc. Điều này cũng tác động ít nhiều đối với những người đã từng có cống hiến lâu năm.
“Bao nhiêu năm cống hiến, tận tụy với nghề mà không được hưởng thâm niên thì không công bằng lắm so với lớp trẻ mới vào. Do đó, khi sắp xếp lại lương cần phải xét đến quá trình cống hiến của từng giáo viên”, cô B.T.B.K tâm tư.
Trong khi đó, cô Trần Thị Tường Vy, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Lai (quận Hải Châu) cho biết, nếu điều chỉnh mức lương giáo viên phù hợp thì việc bỏ phụ cấp thâm niên không vấn đề gì, nhưng nếu chưa điều chỉnh mức lương cho giáo viên mà lại bỏ phụ cấp thâm niên thì đồng nghĩa với việc thu nhập của giáo viên sẽ đi xuống, điều này đi ngược với sự phát triển của xã hội, không đáp ứng được đời sống, khiến giáo viên không thể chuyên tâm dạy, chất lượng giáo dục sẽ bị ảnh hưởng.
“Nghề giáo viên khá vất vả, nhất là giáo viên mầm non, tiểu học. Hằng ngày, họ vừa dạy, vừa dỗ học sinh, vừa tác động, phối hợp với phụ huynh, vừa học tập, bồi dưỡng. Nếu thu nhập thấp, họ chỉ sẽ đến trường dạy, hết giờ thì về, tìm các công việc làm thêm để có thêm thu nhập, theo đó, chất lượng giáo dục sẽ không cao”, cô Vy trăn trở.
Tuy nhiên, một số cán bộ quản lý ủng hộ việc bỏ phụ cấp thâm niên ra khỏi cơ cấu tiền lương của giáo viên. Thầy Trần Minh Nghĩa, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hòa Phú (huyện Hòa Vang) cho rằng, vì cách tính lương mới chưa ban hành nên khi bỏ phụ cấp thâm niên, chưa biết lương của giáo viên lâu năm sẽ tăng hay giảm. Tuy nhiên, nhìn chung người làm giáo dục ủng hộ quan điểm rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa giáo viên mới và giáo viên lâu năm…
Một số điểm mới Luật Giáo dục năm 2019 so với Luật Giáo dục hiện hành Giáo viên cấp tiểu học, THCS, THPT đều phải có bằng cử nhân trở lên, riêng mầm non có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên; không bắt buộc tất cả giáo viên tiểu học có bằng sư phạm; bỏ phụ cấp thâm niên ra khỏi cơ cấu tiền lương của giáo viên; bổ sung nhiều quy định về chính sách khuyến khích, ưu đãi với giáo viên; quy định trường hợp cử nhân sư phạm phải hoàn trả học phí. Luật Giáo dục năm 2019 nêu rõ sẽ có lộ trình miễn học phí cho trẻ mầm non và học sinh THCS; học sinh trượt tốt nghiệp THPT được xác nhận hoàn thành chương trình; mỗi môn học phổ thông sẽ có một hoặc một số sách giáo khoa. Luật cũng cấm giáo viên, giảng viên hút thuốc trong trường học... |
AN NHIÊN