Gieo mầm nghệ thuật từ trường học

.

Thực hiện chương trình “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, từ năm 2009, Phòng Văn hóa và Thông tin (VH-TT) huyện Hòa Vang phối hợp Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) huyện triển khai chương trình đưa dân ca vào trường học tại 3 trường thí điểm ban đầu. Đến nay, chương trình đã được triển khai tại 45 trường mầm non, tiểu học, THCS cùng 30 CLB Em hát dân ca được thành lập tại các trường tiểu học và THCS.

Học sinh Trường THCS Trần Quang Khải biểu diễn tại Liên hoan Chúng em hát dân ca và hô hát bài chòi do Sở Văn hóa - Thể thao và Sở Giáo dục - Đào tạo phối hợp tổ chức vào năm 2019.  (Ảnh do Trường THCS Trần Quang Khải cung cấp)
Học sinh Trường THCS Trần Quang Khải biểu diễn tại Liên hoan Chúng em hát dân ca và hô hát bài chòi do Sở Văn hóa - Thể thao và Sở Giáo dục - Đào tạo phối hợp tổ chức vào năm 2019. (Ảnh do Trường THCS Trần Quang Khải cung cấp)

Thêm yêu dân ca

Từ năm học 2018-2019 đến trước đợt bùng phát Covid-19 lần hai, trừ những tháng hè, đều đặn 2 tuần/buổi, học sinh tham gia CLB Em hát dân ca của Trường THCS Trần Quang Khải lại tập trung về Phòng Âm nhạc của trường để lắng nghe cô Nguyễn Thị Phương Mai, giáo viên bộ môn Âm nhạc, Chủ nhiệm CLB, giới thiệu và hướng dẫn hát các làn điệu dân ca Khu 5. Mỗi buổi sinh hoạt của CLB thường diễn ra trong 2 giờ.

Em Trần Thị Anh Thi, lớp 8/1, Trường THCS Trần Quang Khải tuy vừa tham gia CLB Em hát dân ca vào học kỳ 1, năm học 2019-2020, nhưng nay tự tin có thể phân biệt và nắm cơ bản kỹ thuật hát một số làn điệu như: hò Quảng, Xuân Nữ, hò ba lý. Anh Thi chia sẻ: “Ban đầu, em chưa thật sự thích dân ca nhưng khi tiếp xúc gần hơn với dân ca, em càng thêm yêu loại hình văn nghệ dân gian này”. Anh Thi không chỉ tham gia đầy đủ các buổi sinh hoạt của CLB mà còn tranh thủ giờ ra chơi, những lúc chuyển tiết để nhờ cô Mai hướng dẫn lại cách hát một làn điệu nào đó.

Cũng là thành viên CLB Em hát dân ca của Trường THCS Trần Quang Khải, tham gia CLB từ năm lớp 8, sau 2 năm sinh hoạt, em Phan Anh Thư, lớp 9/2 từ chỗ chỉ biết một số bài dân ca cơ bản của 3 miền như: Lý cây bông, Lý cây đa, Hò ba lý, nay biết thêm nhiều làn điệu hơn như: Lý Đồng Nai, Du Xuân, hò Quảng… Anh Thư chia sẻ: “Lúc bắt đầu học, em không thích vì rất khó hát. Nhưng khi tập được rồi thì em rất thích. Mỗi khi có đề tài gì hay, em thường tự sáng tác lời dựa trên làn điệu dân ca được học rồi nhờ cô Mai xem”.

Với em Đặng Kim Ngân, lớp 5/1, Trường tiểu học Lâm Quang Thự, xuất phát từ việc thích các bài hát dân ca được nghe qua truyền hình nên khi cô giáo chủ nhiệm thông báo về CLB Em hát dân ca, Ngân liền đăng ký. Kim Ngân chia sẻ: “Sáng thứ Bảy, tuần thứ 2 của tháng, em và các bạn trong CLB Em hát dân ca được cô giáo Âm nhạc dạy hát các làn điệu dân ca. Được tìm hiểu, học hát các làn điệu dân ca giúp em thêm yêu dân ca”.

Phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bà Phạm Thị Hoa, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Quang Khải cho biết: “Năm học 2019-2020, nhà trường tiếp tục duy trì CLB Em hát dân ca với tổng cộng 104 học sinh tham gia, chia đều ở các lớp với 4 em/lớp. Lúc đầu, CLB hoạt động còn đơn điệu trên nền lời có sẵn. Sau đó, nhờ làn điệu mượt mà, thực tế dễ đi vào lòng người, do giáo viên giảng dạy bộ môn Âm nhạc sáng tác lời và tập luyện cho các em nên đã tạo sự lan tỏa, ngày càng nhiều học sinh đăng ký tham gia”.

Theo ông Lê Đinh Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao (VH,TT-TT) huyện Hòa Vang, trong hai năm 2009 và 2010, Phòng VH-TT huyện phối hợp với Phòng GD-ĐT huyện triển khai thực hiện chương trình đưa dân ca vào trường học tại 6 trường THCS. Năm 2011, với mục tiêu mở rộng việc đưa dân ca vào tất cả các trường học trên địa bàn huyện, tiến tới thành lập CLB Em hát dân ca ở tất cả các trường, Phòng VH-TT huyện phối hợp với Phòng GD-ĐT huyện tổ chức lớp bồi dưỡng hát dân ca cho đội ngũ giáo viên phụ trách môn Âm nhạc của từng trường.

Năm 2019, Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện (nay là Trung tâm VH, TT-TT huyện) phối hợp với Phòng GD-ĐT huyện, Hội Nghệ sĩ sân khấu thành phố mở lớp bồi dưỡng nghệ thuật sân khấu học đường cho giáo viên Âm nhạc 45 trường mầm non (kể cả mầm non tư thục), tiểu học, THCS với gần 70 giáo viên tham gia”. Năm 2011 đến nay, Trung tâm tổ chức Liên hoan CLB Em hát dân ca hoặc Liên hoan Sân khấu học đường nhằm đánh giá hiệu quả, chất lượng hoạt động các CLB.

Ông Phan Hữu Dũng, Phó phòng GD-ĐT huyện cho hay: “Việc đưa chương trình dân ca, loại hình văn nghệ dân gian đến tất cả các trường trên địa bàn huyện là rất quan trọng nhằm phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, tạo điều kiện để các em nắm bắt các làn điệu dân ca xứ Quảng, thông qua đó từng bước đẩy mạnh phong trào hát dân ca.

Chương trình là một trong những hoạt động xây dựng phong trào văn hóa - văn nghệ của nhà trường ngày càng đa dạng, phong phú; lành mạnh hóa hoạt động giải trí cho học sinh; góp phần vào việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong đời sống thường nhật của các em. Trong thời gian đến, Phòng GD-ĐT huyện sẽ tiếp tục phối hợp với Trung tâm VH,TT-TT huyện bồi dưỡng cho giáo viên phụ trách tại các trường”.

Tuy nhiên, việc đưa dân ca vào trường học còn gặp khó khăn. Bà Phạm Thị Hoa cho biết: “Trong quá trình triển khai chương trình, nhà trường gặp khó khăn về kinh phí, cơ sở vật chất chưa đáp ứng và chưa có văn bản quy định chung đến các trường về thời gian, thời lượng cho việc đưa các làn điệu dân ca vào trường học”. Bà Lê Thị Bích Liên, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lâm Quang Thự cũng cho hay, CLB Em hát dân ca là hoạt động ngoại khóa nên ít có thời gian tổ chức sinh hoạt cho học sinh.

MAI HIỀN
 

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích