Dạy và học tích cực

.

Không còn thụ động “thầy đọc, trò chép”, giờ đây đa phần giáo viên các trường trên địa bàn thành phố thực hiện phương pháp đặt câu hỏi, đưa ra tình huống. Học sinh sẽ trao đổi, thảo luận, sau đó trình bày quan điểm và đưa ra các lập luận để bảo vệ quan điểm đó. Với cách học chủ động này, học sinh hứng thú, tích cực tham gia trong giờ học, sự sáng tạo nhờ vậy cũng tốt hơn.

Một tiết học ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học tại Trường THCS Trần Hưng Đạo, quận Hải Châu. Ảnh: NGỌC PHÚ
Một tiết học ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học tại Trường THCS Trần Hưng Đạo, quận Hải Châu. Ảnh: NGỌC PHÚ

Lấy học trò làm trung tâm

Tiết học môn Giáo dục công dân lớp 9/6 Trường THCS Lương Thế Vinh (quận Liên Chiểu) tuần rồi sôi nổi hơn khi học sinh và giáo viên ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học. Theo đó, học sinh được tự tìm hiểu và chuẩn bị trên phần mềm powerpoint cho nội dung “Tìm hiểu các tổ chức quốc tế”. Đến lớp, các học sinh thảo luận, lựa chọn tổ chức quốc tế phổ biến, quan trọng nhất (theo ý kiến cá nhân, nhóm), sau đó cử đại diện nhóm trình bày trước lớp.

Kết thúc tiết học, Uyên Nhi, lớp trưởng lớp 9/6 cho biết, cách gợi mở vấn đề của thầy cô giúp các em hứng thú với việc học, kiến thức vì thế cũng dễ tiếp thu, dễ nhớ và lâu quên hơn. “Không còn việc “đọc suông” để học trò ghi chép mà thầy, cô giáo đưa ra tình huống, học sinh phát biểu. Ví dụ ở môn học Giáo dục công dân, học sinh chính là trung tâm của lớp học - bày tỏ quan điểm, chính kiến với các ý kiến mà cô giáo đã gợi mở. Cuối cùng, giáo viên tổng kết từng ý kiến, đưa ra nhận định đúng. Cách dạy này giúp học sinh mạnh dạn, tự tin và rất dễ hiểu bài, không nhàm chán”, Uyên Nhi nói.

Thầy Đỗ Ba, giáo viên Vật lý và Công nghệ Trường THCS Lương Thế Vinh (quận Liên Chiểu) cho biết, với phương pháp dạy học “lấy học sinh làm trung tâm”, giáo viên tạo điều kiện để học sinh tự nghiên cứu, tìm hiểu vấn đề, đặt vấn đề để các em tự giải quyết, sau đó giáo viên sẽ tổng hợp tất cả nội dung do các em trình bày, qua đó thống nhất phương án phù hợp để các em nắm những kiến thức cần thiết. “Trong điều kiện học tập hiện nay, phương tiện dạy học hiện đại, môi trường kiến thức trên thế giới mạng nhiều vô biên, sinh động, học sinh có điều kiện tiếp thu, phân tích nhiều khía cạnh của một vấn đề, từ đó đáp ứng yêu cầu người dạy đề ra”, thầy Đỗ Ba chia sẻ.

Với cô giáo Nguyễn Thị Mỹ Hiệp (tổ trưởng tổ chuyên môn khối 3, Trường tiểu học Nguyễn Thái Học, quận Sơn Trà), khối lớp 3 là lớp quan trọng của học sinh tiểu học bởi các em chuyển từ mức độ bài học cơ bản, đơn giản (lớp 1, 2) đến bắt đầu những bài học phức tạp hơn (lớp 3). Vì vậy, người giáo viên luôn phải đổi mới phương pháp giảng dạy, áp dụng công nghệ thông tin, trực quan làm sao giúp các em dễ hiểu, dễ tiếp thu, đặc biệt với hai môn Toán và Tiếng Việt.

Đơn cử, ở môn Tập làm văn, ngoài đọc, hiểu, các em phải viết đoạn văn ngắn. Theo cô Hiệp, ở lớp 2, học sinh làm tập làm văn đơn giản nhưng khi lên lớp 3 phải viết đoạn văn từ 7-10 câu. “Sau khi các em trả lời câu hỏi trong sách giáo khoa, từ câu hỏi, giáo viên giúp học sinh chuyển ý, thêm từ, biết viết những câu hay, giàu hình ảnh, biết sử dụng phương pháp so sánh, nhân hóa. Từ đó, các em sẽ hình thành được đoạn văn theo yêu cầu”, cô Hiệp nói. Không chỉ vậy, theo cô Mỹ Hiệp, việc đổi mới phương pháp không chỉ áp dụng phù hợp với từng môn học mà còn phải thích ứng với các đối tượng học sinh khác nhau. Cần có cách dạy, kiểm tra, phân hóa để phát triển năng lực của tất cả các học sinh tùy theo khả năng tiếp thu và sở trường của từng em.

Đổi mới căn bản, toàn diện

Thầy Bùi Duy Quốc, Hiệu trưởng Trường THCS Lương Thế Vinh cho biết, việc dạy học hiện nay đã khác rất nhiều so với trước đây, học sinh phải là trung tâm, tiến tới lấy hoạt động học làm trung tâm. Theo thầy Bùi Duy Quốc, để việc dạy và học ngày càng có hiệu quả, bên cạnh việc giáo viên phải không ngừng cập nhật kiến thức, đổi mới phương pháp giảng dạy thì phương tiện, đồ dùng dạy học luôn phải được đầu tư, trang bị phù hợp. Ví dụ học môn Vật lý, Hóa học phải có thực hành, phải có dụng cụ thí nghiệm. Thời gian qua, nhà trường đã tiến hành đầu tư thiết bị, đồ dùng học tập để tổ chức dạy và học được tốt hơn.

Cô Võ Thị Minh Phương, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Hưng Đạo (quận Hải Châu) cho rằng, trong lộ trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, có thể nói rằng, giáo viên là yếu tố quyết định hàng đầu trong việc thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy. “Giáo viên của bất kỳ bậc học nào cũng đều phải hội đủ các điều kiện về kiến thức, kỹ năng giảng dạy, năng lực sáng tạo, sự tâm huyết và nỗ lực hết mình. Với năng lực sáng tạo, ứng dụng tốt công nghệ thông tin trong giảng dạy, giáo viên sẽ dễ dàng tiếp cận các phương pháp dạy học thích hợp, tạo môi trường lớp học thú vị, giúp học sinh hình thành ý tưởng, khám phá và thực hiện việc học tập một cách tốt nhất. Có như vậy, chất lượng giáo dục mới có sự thay đổi”, cô Võ Thị Minh Phương khẳng định.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Mai Tấn Linh cho biết, thời gian qua, toàn ngành đã chú trọng đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục. Các trường đã triển khai nhiều mô hình học tập hay. Đặc biệt, sự chủ động, sáng tạo trong mỗi thầy giáo, cô giáo tăng lên, việc đổi mới phương pháp ngày càng bài bản, đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả tích cực trong nâng cao chất lượng dạy học. Các phương pháp cũ, lạc hậu đã được bổ sung, cập nhật và hình thức tổ chức hoạt động học cho học sinh ngày càng đa dạng, phong phú. “Những nỗ lực đổi mới của giáo viên đã giúp chất lượng giáo dục toàn diện, chất lượng giáo dục đại trà của học sinh các cấp tương đối đồng đều, tỷ lệ học sinh xếp học lực khá, giỏi của thành phố hằng năm đều tăng; thành tích các kỳ thi, cuộc thi duy trì, ổn định”, ông Mai Tấn Linh nhấn mạnh.

NGỌC PHÚ

;
;
.
.
.
.
.