Phát động chương trình Hult Prize on Campus tại các trường đại học

.

Đầu tháng 11, các trường đại học trên địa bàn thành phố đã khởi động chương trình “Hult Prize on Campus” thuộc khuôn khổ cuộc thi Hult Prize 2021 toàn cầu với chủ đề “Biến thực phẩm thành động lực thay đổi mới”.

Hội thảo khởi nghiệp trong khuôn khổ chương trình Hult Prize on Campus tại Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng. 				           Ảnh: P.LAN
Hội thảo khởi nghiệp trong khuôn khổ chương trình Hult Prize on Campus tại Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng. Ảnh: P.LAN

Hult Prize là cuộc thi thường niên về khởi nghiệp tạo tác động xã hội dành cho sinh viên toàn thế giới, được Liên Hợp Quốc và cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton bảo trợ. Cuộc thi năm nay hướng tới mục tiêu tạo việc làm, kích thích nền kinh tế, tái cấu trúc chuỗi cung ứng thực phẩm và cải thiện thu nhập cho 10 triệu người trên thế giới vào năm 2030. Chương trình “Hult Prize on Campus” là bước đi đầu tiên, bắt đầu từ việc thành lập Hội đồng thi cơ sở tại các trường đại học để tìm ra được 1 đội thi xuất sắc đại diện cho trường tham gia tiếp vào vòng thi Đông Nam Á, giao lưu và thi đấu với các đội đến từ những nước khác trong khu vực. Dự án xuất sắc nhất sẽ được chọn tham dự chương trình tăng tốc của Hult Prize, tiến đến tham dự chung kết Hult Prize 2021 toàn cầu và có cơ hội nhận giải thưởng cao nhất với giá trị 1 triệu USD.

Chương trình “Hult Prize on Campus” gồm 4 vòng: vòng đăng ký (kéo dài đến giữa hoặc cuối tháng 11 tùy từng trường), vòng sơ tuyển, vòng huấn luyện và vòng chung kết. Việc đưa cuộc thi về các trường là cơ sở để tổ chức những chuỗi hoạt động, sự kiện, thúc đẩy hình thành ý tưởng và phát triển khởi nghiệp trong nhà trường.

Đà Nẵng từng có 4 dự án khởi nghiệp lọt vào vòng chung kết Hult Prize Đông Nam Á 2020, gồm: “Biochar” của sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật- Y dược (biến rác hữu cơ thành phân bón); “Rebo” của sinh viên Trường Đại học FPT và Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng (giải pháp lớp học “ảo”); “Inno - 2ur” của sinh viên Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng (giải pháp hỗ trợ người có vấn đề tâm lý) và “Micway” của sinh viên Trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng (biến chất thải gia cầm thành chế phẩm sinh học).

PHONG LAN

;
;
.
.
.
.
.