MỖI NGÀY ĐẾN TRƯỜNG LÀ MỘT NGÀY VUI

Chất lượng bếp ăn bán trú: Trách nhiệm của các trường học

.

Nhiều trường tiểu học hiện nay phải thực hiện dịch vụ bán trú để đáp ứng nhu cầu học 2 buổi/ngày. Nhằm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) cho học sinh của trường mình, các thầy cô luôn xem đây là công tác trọng tâm của nhà trường và chất lượng bữa ăn chính là mục tiêu hàng đầu của các bếp ăn bán trú.

Các quản sinh Trường tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu) sơ chế thức ăn bảo đảm đúng các quy định an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: Đ.H.L
Các quản sinh Trường tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu) sơ chế thức ăn bảo đảm đúng các quy định an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: Đ.H.L

Thực phẩm phải tươi, sạch

Trường tiểu học (TH) Núi Thành (quận Hải Châu) là một trong những trường có học sinh học bán trú đông nhất trên địa bàn Đà Nẵng. Do đó, việc bảo đảm ATVSTP luôn được nhà trường kiểm tra chặt chẽ từ khâu nhập thực phẩm sống đến khâu chế biến thức ăn.

Chia sẻ về vấn đề này, cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt, Hiệu trưởng Trường TH Núi Thành cho biết, hiện nhà trường có 1.462 học sinh, trong đó có 1.040 học sinh học bán trú. Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy và Quận ủy, nhà trường tổ chức dịch vụ bán trú nhằm bảo đảm cho học sinh học 2 buổi/ngày. “Ngay từ tháng 8 hằng năm, căn cứ vào số lượng học sinh đầu năm học mới và số tiền chi năm ngoái, nhà trường lấy tổng số tiền chia đều cho mỗi học sinh để tính ra số tiền phải nộp của mỗi em; trong đó có các khoản phụ phí gián tiếp và trực tiếp cho giáo viên và quản sinh như: dọn dẹp vệ sinh, bảo vệ an ninh trật tự, cấp dưỡng và chăm sóc học sinh... Sau khi thông qua Hội Cha mẹ học sinh, nhà trường có tờ trình gửi Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quận, từ đó mới đưa ra mức quy định chung cho một học sinh không quá 27.000 đồng/ngày”, cô Nguyệt giải thích.

Để bảo đảm chất lượng từng bữa ăn và cân đối định lượng khẩu phần ăn hằng ngày, nhà trường sử dụng phần mềm Arimoto theo tiêu chuẩn Nhật Bản; ký hợp đồng với một công ty cung cấp thực phẩm chất lượng, được cấp giấy phép thực phẩm an toàn. Thực phẩm được nhập lúc 6 giờ sáng hằng ngày với sự tham gia giám sát về chất lượng và số lượng của Trưởng ban Thanh tra nhân dân (TTND), Chủ tịch Công đoàn, nhân viên y tế trường học. Thực phẩm phải tươi mới, sạch và ngon. Trường không nhận gà đông lạnh, tôm đứt đầu. Tất cả rau, củ phải chưa qua sơ chế để tránh trường hợp sử dụng những loại rau củ bị hỏng rồi gọt vỏ. Bên cạnh đó, nhà trường luôn đặt thực phẩm trước một tuần cho công ty có thời gian chuẩn bị. Trong khâu chế biến, thực hiện bếp ăn một chiều, tức là sau khi nhận thực phẩm sống sẽ sơ chế trước khi nấu chín, rồi chia thực phẩm chuyển cho quản sinh mang đi phân phát cho các lớp. Tất cả thực phẩm sống và chín đều được lưu mẫu trong 24 giờ để phục vụ công tác kiểm tra nếu xảy ra ngộ độc thực phẩm.

Cùng với sự giám sát của Ban TTND, nhà trường khuyến khích Ban Cha mẹ học sinh tham gia kiểm tra bất kỳ thời gian nào. Trung bình từ 1-2 tuần, đại diện Ban Cha mẹ học sinh đến ăn trưa cùng các em để xem định lượng bữa ăn có đủ chất dinh dưỡng hay không và đóng góp ý kiến cho nhà trường. Phụ huynh cũng có thể đến xem con mình ăn vào giờ trưa để kiểm tra, giám sát.

Không chỉ ở trung tâm thành phố mà các trường TH ở huyện Hòa Vang cũng được chính quyền quan tâm công tác bảo đảm ATVSTP cho học sinh miền núi. Đặc biệt, năm nay, Trường TH Hòa Phú đã được Tổng Lãnh sự quán Đức tại Thành phố Hồ Chí Minh tài trợ dự án nâng cấp điểm Trường bán trú Phú Túc với tổng kinh phí hơn 500 triệu đồng. Dự án do Trung tâm Xây dựng Năng lực Thích ứng (CAB) phối hợp với UBND huyện Hòa Vang thực hiện trong hai tháng cuối năm 2019 và đưa vào sử dụng trong năm học 2020-2021. Dự án đã nâng cấp nhà vệ sinh, chống thấm cho 6 phòng học, mua mới 80 bộ bàn ghế học sinh, 60 sạp ngủ và 4 bộ đồ chơi sân trường. Thông qua dự án, 62 học sinh ở điểm trường này đã có nơi để rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, có khu vui chơi và được ăn uống, học tập trong những căn phòng thoáng mát, sạch sẽ.

Tăng cường kiểm tra định kỳ, đột xuất

Cô Phan Thị Tuyết Lan, Hiệu trưởng Trường TH Lý Tự Trọng (quận Hải Châu) cho biết, trường hiện có 760 học sinh. Việc thực hiện ATVSTP luôn là khâu quan tâm số một của nhà trường. Hầu hết các em đều học bán trú nên thuận tiện trong việc ổn định sinh hoạt. Đặc biệt, nhà trường đầu tư xây dựng bếp mới 100%, tất cả nồi niêu bằng inox và không dùng đồ nhựa nên rất sạch sẽ. Thực đơn bữa ăn được nhà trường thông báo công khai hằng ngày ở bảng tin để phụ huynh tiện theo dõi và kiểm tra. Đầu năm, nhà trường tổ chức khám sức khỏe cho cấp dưỡng và yêu cầu các cấp dưỡng phải thực hiện đúng quy định nội quy trong nhà bếp như đeo bao tay khi chế biến thức ăn, chén bát rửa xong phải được sấy khô.

Cô Trương Thị Hồng Thanh, Hiệu trưởng Trường TH Tây Hồ (quận Hải Châu) cũng cho rằng, với khoảng 800 học sinh ở lại bán trú trong tổng số gần 1.000 học sinh của trường thì vấn đề ATVSTP rất quan trọng. Trong các tiết dạy, nhà trường thường xuyên tuyên truyền về công tác phòng, chống Covid-19 như đeo khẩu trang, rửa tay sạch sẽ trước và sau khi ăn hoặc vệ sinh răng miệng...

Trong thời gian qua, đặc biệt là sau khi đại dịch Covid-19 xảy ra trên địa bàn Đà Nẵng, lãnh đạo Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các trường TH tổ chức bán trú cho học sinh phải bảo đảm các quy định về phòng, chống dịch; bảo đảm ATVSTP và dinh dưỡng hợp lý để tăng sức đề kháng cho học sinh. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay mà nhiều trường gặp phải là việc định lượng học sinh. Một số phụ huynh cho con học bán trú không thường xuyên, tháng này học nhưng tháng sau lại nghỉ. Nhiều phụ huynh đóng tiền ăn trưa không đều, lúc thì 1 tháng/lần, lúc thì 2 tháng/lần. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến việc chi trả lương cho nhân viên mà còn ảnh hưởng đến chất lượng bữa ăn của học sinh. 

Về vấn đề này, bà Lê Thúy Hằng, Phó Chánh Thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra quận Hải Châu cũng khẳng định: Trung bình mỗi năm, Thanh tra quận đi kiểm tra 4 trường trên địa bàn. “Chúng tôi thực hiện thanh tra tài chính ngân sách nhà trường có liên quan bữa ăn của học sinh cho đến việc mua đồ dùng bán trú, thực phẩm. Qua kiểm tra, chúng tôi nhắc nhở các trường chú trọng quy trình nhận thực phẩm cho đến khi chế biến và cho học sinh ăn. Nhìn chung, chất lượng bữa ăn của các trường khá tốt. Tuy nhiên, thành phố cũng nên có chủ trương thay đổi các nhà cung cấp thực phẩm để các trường có nhiều sự lựa chọn nhằm giảm giá thành và bảo đảm chất lượng”, bà Hằng đề nghị.

"Phương châm của nhà trường là làm hết sức mình để học sinh bảo đảm tốt dịch vụ cung ứng. Nếu phụ huynh góp ý thì nhà trường tiếp thu với tinh thần cầu thị để điều chỉnh. Nhà trường cũng thường xuyên thay đổi các món ăn nhằm đáp ứng sở thích của nhiều em”

Huỳnh Thị Thu Nguyệt, Hiệu trưởng Trường tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu)

ĐOÀN HẠO LƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích