Chẳng biết từ khi nào, mỗi khi nghe đến địa danh xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang), người ta lại mường tượng về một vùng miền núi xa xôi, khó khăn bậc nhất của thành phố. Và hiển nhiên, chuyện dạy và học ở vùng đất này cũng khó khăn, trắc trở không kém, nhất là với học sinh người đồng bào Cơ tu tại hai thôn Giàn Bí và Tà Lang. Thế nhưng, vượt qua những trở ngại về đường sá gập ghềnh, cơ sở vật chất thiếu thốn, điều kiện học tập khó khăn, vài năm trở lại đây, chuyện học ở nơi này dần có những đổi thay tích cực. Bộ ba nhà trường, gia đình và học sinh đã nỗ lực vượt khó vì con chữ để theo đuổi những ước mơ tươi sáng.
Cô giáo Lê Thị Thanh Mai đang dạy tiếng Anh cho các em học sinh Cơ tu tại điểm trường Tà Lang. |
1. Vừa kết thúc hai tiết dạy tại Trường tiểu học Hòa Bắc (trường chính) ở thôn Phò Nam, xã Hòa Bắc, cô giáo trẻ Lê Thị Thanh Mai (SN 1994, quê xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang) tất tả thu dọn giáo án, tranh thủ giờ giải lao chạy xe máy đến điểm trường Tà Lang (tại thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc) cách đó chừng 10km để kịp hai tiết dạy tiếp theo. Mai là cựu sinh viên chuyên ngành Tiếng Anh, Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Đà Nẵng). Sau khi tốt nghiệp, Mai đi dạy hợp đồng hai năm, sau đó thi tuyển và đậu biên chế về Trường tiểu học xã Hòa Bắc, phụ trách dạy môn Tiếng Anh. Vì là giáo viên bộ môn nên cô giáo Mai thường xuyên di chuyển qua lại giữa các điểm trường để dạy.
Mỗi ngày, Mai phải vượt quãng đường gần 40km từ nhà đến trường chính, rồi từ trường chính di chuyển đến các điểm trường thôn cách nhau 5-10km để dạy, sau đó tiếp tục vòng về. Ngày nào cũng vậy, Mai chạy đi chạy lại như con thoi, ít thì 2 điểm trường, nhiều thì 3 điểm trường để dạy các em học sinh tại địa phương. Trong khi đó, các điểm trường tiểu học ở Hòa Bắc không gần nhau, chưa kể đường xá lắm gập ghềnh, trắc trở. Nhất là con đường đến hai điểm trường thôn Giàn Bí và Tà Lang vốn đã khó khăn, mùa mưa lại càng khó khăn gấp bội. Theo như lời Mai nói, “trên này, đi dạy phải mang dép chứ không thể mang giày. Những ngày mưa gió, quần xoắn lên quá gối, đường xá bùn lầy, trơn trượt, ngã xe là chuyện bình thường…”. Tôi cũng là phụ nữ, chỉ nghĩ đến đoạn đường đi về trên dưới 100km/ngày thôi đã quá sức với một cô giáo. Huống hồ, Mai đã đi đoạn đường ấy suốt ba năm nay.
Giờ giải lao vốn là thời gian nghỉ ngơi của giáo viên giữa các tiết dạy, với Mai lại là thời gian di chuyển giữa các điểm trường. Có lần, chồng Mai lên thăm trường, chứng kiến con đường đi dạy vất vả, xa xôi của vợ, anh nhiều lần khuyên can Mai nghỉ. Nhưng với bản năng của một người mẹ và lòng yêu nghề của người cầm phấn, Mai tự nhủ, các em học sinh miền núi vốn đã rất thiệt thòi, nếu ai cũng thấy khó mà lùi thì lấy ai dìu dắt các em. Nghĩ vậy nên nhiều năm nay, Mai luôn vượt khó, nỗ lực bám trường, bám lớp để dạy con chữ cho học sinh Cơ tu.
Học sinh đồng bào Cơ tu tại xã Hòa Bắc được hỗ trợ kinh phí để học bán trú, nội trú. Ảnh: ÁNH DƯƠNG |
2. Năm 2019, em Đinh Thị Thu Thanh (SN 2001, trú thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc) là thí sinh người đồng bào Cơ tu duy nhất của thôn Tà Lang thi đậu đại học. Thời điểm cầm trên tay giấy báo nhập học, Thanh hạnh phúc vỡ òa. Xưa nay ở làng, thanh niên Cơ tu mặc định cứ học hết cấp 3 là đã giỏi, chứ nói gì đến đại học. Cái vòng lẩn quẩn: con gái lớn lên lấy chồng, sinh con; trai tráng thì vào rừng phát rẫy, làm nương cứ bám víu lấy những cô cậu thanh niên Cơ tu. Vậy nên, chuyện Thanh đậu đại học được xem “sự kiện” lớn, là niềm vinh dự của cả làng - vì đại diện cho thanh niên trai tráng trong làng rời quê ra phố, trở thành tân sinh viên đại học. Đậu đại học, Thanh vừa mừng, vừa lo khi nghĩ về hoàn cảnh gia đình. Năm Thanh học lớp 6, chị gái học lớp 12 thì bố đột ngột qua đời. Sau đám tang bố, cả gia đình gần như khánh kiệt. Căn nhà tềnh toàng, xiêu vẹo từ đó vắng bóng đôi vai đỡ đần của người đàn ông. Ba người phụ nữ chân yếu tay mềm tựa vào nhau, sống qua ngày. Mẹ Thanh hễ ai thuê gì là làm nấy. Khi thì lột keo, phát rẫy; lúc lại phụ hồ, khuân vác với mục đích duy nhất là kiếm tiền lo cho các con đi học. Không phụ lòng mẹ, suốt 7 năm trung học, Thanh luôn đạt học lực khá, giỏi.
Hiểu rõ hoàn cảnh khó khăn của gia đình, ngay từ năm đầu đại học, tranh thủ thời gian rảnh cuối tuần, Thanh đi phụ việc ở các nhà hàng, quán ăn. Tiền công nhận được giúp em trả tiền thuê trọ, chi phí ăn uống. Sang năm 2, lịch học dày hơn, Thanh chuyển sang bán hàng online (qua mạng) để vừa bảo đảm thời gian học tập, vừa có tiền trang trải chi phí. Hôm nói chuyện với tôi, em khoe vừa nhận được giấy chứng nhận do CLB Nobel của Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế trao tặng cho những thành viên tham gia tích cực hoạt động của CLB trong năm học 2019-2020. Tôi mừng cho em, càng mừng hơn khi thấy một đại diện thế hệ thanh niên trẻ người Cơ tu có những đổi thay trong tư duy, mơ ước và hành động. Nhìn Thanh mạnh dạn, tự tin và năng nổ trong học tập trên lớp và các hoạt động ngoại khóa của trường, chúng ta có quyền hy vọng vào một tương lai tươi sáng đang chờ em phía trước.
3. Hỏi thăm đường đến nhà chị Đinh Thị Bé (SN 1976, trú thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc), không đợi tôi nói hết thông tin người cần tìm, người đàn ông (tôi hỏi) đã tặc lưỡi: “Tưởng nhà ai chứ nhà cô Bé thì tôi xa lạ gì. Gia đình đấy là hộ nghèo nổi tiếng của thôn này mà…”. Đi theo sự chỉ dẫn của người đàn ông, tôi tìm được đến nhà của “hộ nghèo nổi tiếng” ấy. Thấy tôi tần ngần trước sân, chị Bé vội phân trần: “Căn nhà này được mạnh thường quân hỗ trợ tiền sửa chữa, cải tạo đến 2 lần mới được như thế này đấy. Chứ như trước kia, cô đến vào mùa mưa này là ngồi đâu cũng thấy ướt”. Trong nhà tuy nhỏ nhưng được bài trí gọn gàng, có cả góc học tập cho các con. Chị Bé cùng chồng là anh Trần Văn Hùng (SN 1968) có 4 đứa con trai, tất cả đều đang tuổi đến trường. Đứa lớn nhất học lớp 12, đứa kề là lớp 8, đứa tiếp theo lớp 6 và đứa nhỏ nhất học lớp 1. Cuối năm 2019, gia đình chị được chính quyền thôn, xã xét duyệt, đưa vào diện hộ nghèo đặc biệt khó khăn. Bởi, hơn một năm nay, anh Hùng - chồng chị thất nghiệp. Mọi chi phí của cả gia đình đều trông chờ vào quán tạp hóa “bé như hộp diêm” mà chị dựng lên trước nhà. Hằng ngày, chị túc tắc với quán tạp hóa, bán dăm ba món đồ tiêu dùng, hàng hóa thông thường. Hôm nào khỏe, chị đúc bánh xèo, chiên bánh bán thêm. Hai năm trước, vợ chồng chị gom góp vốn liếng mua cây giống, thuê nhân công, trồng được hơn hecta keo, những mong mấy năm nữa có thể lo cho các con chu đáo. Nhưng rồi, mấy trận gió bão vừa qua quật ngã hết rừng keo, kéo đổ luôn hy vọng về cuộc sống khá hơn của vợ chồng chị. “Cô yên tâm. Thua keo này thì ta bày keo khác. Dù có thế nào đi nữa, vợ chồng tôi cũng sẽ cố gắng lo cho các con. Ông bà nói rồi, “còn da lông mọc, còn chồi nảy cây” mà”, chị Bé nói chắc như đinh đóng cột.
Như để thay đổi không khí đang chùng xuống, chị Bé đứng lên, mở cánh tủ, lôi ra một xấp giấy khen của các con được bọc kỹ trong túi bóng. Từng tờ giấy khen lấy ra, chị đọc vanh vách họ tên, lớp, học sinh trường, đạt thành tích… như thể khoe với tôi. Trên gương mặt khắc khổ của chị lúc ấy, tôi nhìn thấy được nụ cười mãn nguyện, hạnh phúc của người đàn bà miền núi. Chị kể, em Trần Đinh Triệu Vương (học sinh lớp 6/1, Trường THCS Nguyễn Tri Phương, xã Hòa Bắc) là con trai thứ 3 của vợ chồng chị.
Năm học 2020-2021 này, em Vương là học sinh người đồng bào Cơ tu gây ấn tượng mạnh với thầy cô giáo Trường THCS Nguyễn Tri Phương bởi cuốn học bạ 5 năm liền là học sinh giỏi. Em cũng là học sinh Cơ tu duy nhất trong số những học sinh lớp 5 lên lớp 6 có học lực giỏi. Có lẽ, với người đàn bà quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” ấy, không có gì tự hào bằng chuyện con cái ngoan ngoãn, học giỏi. Nhìn cách chị Bé vuốt ve xấp giấy khen trong tay cùng câu nói quả quyết: “Dù vợ chồng tôi nghèo khổ thế nào cũng nhất định không để các con thất học. Chừng nào chúng tôi còn sống, còn sức khỏe thì chừng ấy còn lo cho các con ăn học đến nơi đến chốn”, tôi tin chắc rằng, bốn đứa con trai của vợ chồng chị sẽ hiểu được lòng bố mẹ, ra sức học tập vì tương lai.
Bà Phạm Hồ Quỳnh Trang, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hòa Vang cho biết, trong năm học 2020-2021, toàn huyện Hòa Vang có 329 học sinh người đồng bào Cơ tu. Trong đó, cấp THCS có 95 em (THCS Ông Ích Đường (xã Hòa Phú) có 30 em, THCS Nguyễn Tri Phương (xã Hòa Bắc) có 65 em); cấp tiểu học có 153 em (Tiểu học Hòa Phú có 66 em, Tiểu học Hòa Bắc có 87 em) và mầm non có 81 em (Mầm non Hòa Phú có 27 em, Mầm non Hòa Bắc có 54 em). Những năm qua, với sự nỗ lực của nhà trường, gia đình và bản thân các em học sinh, chất lượng giáo dục trong học sinh người đồng bào Cơ tu ngày càng được nâng lên rõ rệt. Học sinh từ chỗ nghỉ học, vắng học nhiều, khả năng tiếng Việt kém, nhút nhát, nay đã mạnh dạn, tự tin hơn, thích đến trường và ham học hơn. Các em đã giao tiếp thông thạo tiếng Việt, tham gia sôi nổi, nhiệt tình tất cả các phong trào hoạt động thể dục - thể thao, văn hóa, văn nghệ của nhà trường. |
ÁNH DƯƠNG