Khơi dậy niềm đam mê đọc sách của học sinh

.

Việc xây dựng thư viện trong trường học được ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thành phố triển khai từ nhiều năm nay nhằm phục vụ nhu cầu đọc sách cho học sinh, giáo viên sau giờ học.

Học sinh Trường Tiểu học Phù Đổng say mê đọc sách tại thư viện trong giờ giải lao. (Ảnh chụp giữa tháng 1-2021)Ảnh: NGỌC PHÚ
Học sinh Trường Tiểu học Phù Đổng say mê đọc sách tại thư viện trong giờ giải lao. (Ảnh chụp giữa tháng 1-2021). Ảnh: NGỌC PHÚ

Ra chơi giữa giờ, nhiều học sinh Trường Tiểu học Phù Đổng (quận Hải Châu) đến phòng thư viện nhà trường đọc sách. Chọn cho mình cuốn sách Lịch sử Triều Nguyễn, Linh Chi (lớp 5/4) chia sẻ: “Sách ở thư viện rất phong phú, dễ lựa chọn nên vào giờ ra chơi, em thường tranh thủ đến thư viện nhà trường để đọc. Những câu chuyện lịch sử trong sách rất thu hút, hấp dẫn. Nhờ đó, em hiểu và ghi nhớ tốt hơn những bài học lịch sử trong sách giáo khoa”.

Thư viện Trường Tiểu học Phù Đổng có diện tích 210m2, với 4 phòng chức năng gồm: phòng đọc học sinh, phòng đọc giáo viên, kho sách, kho thiết bị. Vốn tài liệu của thư viện lên đến 20.222 bản sách; trong đó, sách giáo khoa: 2.984 bản, sách giáo viên: 2.052 bản, sách tham khảo: 9.189 bản, sách thiếu nhi: 5.997 bản.

“Thư viện không chỉ là nơi phục vụ nhu cầu tìm thông tin của học sinh với nguồn tài liệu phong phú, mà còn là nơi giải trí lành mạnh cho các em sau những giờ học căng thẳng. Thói quen đọc sách của học sinh dần được hình thành và phát triển một cách tự nhiên, đầy hứng thú”, cô Trương Thị Nhã Trúc, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

Bà Trần Thị Thúy Hà, Trưởng phòng GD&ĐT quận Hải Châu cho biết, 100% trường học trên địa bàn quận có thư viện. Trong đó, nhiều trường đạt “Thư viện tiên tiến” và phấn đấu xây dựng “Thư viện xuất sắc”.

Theo bà Hà, việc xây dựng thư viện trường học nhằm phát huy văn hóa đọc trong giáo viên và học sinh, xây dựng môi trường văn hóa học đường; đồng thời là nơi sinh hoạt văn hóa của nhà trường; từ đó hình thành nếp đọc sách, nghiên cứu trong giáo viên và học sinh, góp phần hình thành ý thức tự học trong mỗi người.

Nhiều trường học trên địa bàn quận Liên Chiểu cũng đang phát huy hiệu quả thư viện trường học. Thư viện của Trường Tiểu học Nguyễn Đức Cảnh xây dựng năm 2003, diện tích 100m2, được công nhận “Thư viện tiên tiến” năm 2006. Thư viện có 9.622 đầu sách.

Thầy Nguyễn Văn Dũng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, với sự hỗ trợ của các cấp cũng như ngành giáo dục quận, nhà trường đầu tư cơ sở vật chất để xây dựng thư viện khang trang, sạch đẹp, tạo cảm hứng cho người đọc. Theo thầy Dũng, việc đến thư viện để đọc sách đối với học sinh hiện nay như một thói quen. Vì vậy, giờ ra chơi, nhiều em tìm đến thư viện để thỏa niềm đam mê đọc sách.

Bà Lữ Thị Kim Hoa, Trưởng phòng GD&ĐT quận Liên Chiểu cho biết, thời gian qua, nhờ sự quan tâm đầu tư của UBND quận, việc xây dựng thư viện trường học, “Thư viện tiên tiến” của các trường THCS, tiểu học trên địa bàn thực hiện hiệu quả.

Các thư viện trang bị đầu sách đa dạng, phù hợp với từng đối tượng học sinh. Thời gian đến, các trường phấn đấu xây dựng “Thư viện tiên tiến” và “Thư viên xuất sắc”; đồng thời chú trọng hơn việc tổ chức các tiết học trong thư viện, giúp tương tác giữa giáo viên và học sinh ngày càng tốt hơn.

Các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn quận Sơn Trà, Cẩm Lệ, Hòa Vang, Thanh Khê, Ngũ Hành Sơn và các trường THPT những năm qua cũng chú trọng xây dựng thư viện trong trường học. Thầy Phạm Tấn Ngọc Thụy, Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Hoa Thám cho biết, thư viện nhà trường hiện có 12.400 đầu sách.

“Thời gian qua, nhà trường đã quan tâm đầu tư xây dựng thư viện, luôn đổi mới, chủ động tổ chức nhiều hoạt động phong phú gắn với thư viện và hoạt động đọc của học sinh, góp phần khơi dậy đam mê đọc sách, thói quen đọc sách, giúp các em tích lũy kiến thức, kỹ năng sống”, thầy Thụy chia sẻ.

Theo thống kê của Sở GD&ĐT thành phố, hiện 100% cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn thành phố có thư viện trường học, trong đó hơn 75% thư viện trường học đạt chuẩn “Thư viện tiên tiến”.

“Có thể khẳng định, thư viện của các trường học đã tạo được thói quen đọc sách, hình thành văn hóa đọc cho học sinh, góp phần tích cực trong việc nâng cao chất lượng dạy và học”, ông Ngô Ngọc Hoàng Vương, Trưởng phòng Chính trị - Tư tưởng, Sở GD&ĐT nói.

NGỌC PHÚ

;
;
.
.
.
.
.