Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành Quyết định số 712/QĐ-BGDĐT về chương trình giáo dục phổ thông tiếng Hàn và tiếng Đức - ngoại ngữ 1, hệ 10 năm thí điểm (lớp 3 đến lớp 12). Thế nhưng, khi đưa vào thí điểm ở các cơ sở giáo dục, liệu có mang lại hiệu quả?
Bài 1: Nhìn từ đề án dạy tiếng Đức, tiếng Hàn tại quận Cẩm Lệ
Cẩm Lệ là địa phương duy nhất của thành phố được triển khai thí điểm dạy tiếng Đức, tiếng Hàn - ngoại ngữ thứ 2 trong trường học, song song với môn tiếng Anh, từ năm học 2015-2016. Tuy nhiên, sau hơn 5 năm, việc triển khai đề án không mang lại hiệu quả.
Sau 5 năm triển khai dự án dạy tiếng Hàn tại Trường THCS Nguyễn Văn Linh, đến nay số học sinh ngày càng giảm. TRONG ẢNH: Các học sinh lớp 9, Trường THCS Nguyễn Văn Linh học tiếng Hàn trò chuyện, trao đổi với nhau. Ảnh: NGỌC PHÚ |
Học sinh “hụt hơi” với tiếng Đức
Năm học 2015-2016, UBND thành phố cho phép UBND quận Cẩm Lệ triển khai dự án giảng dạy tiếng Đức của Ủy ban giáo dục phổ thông Cộng hòa Liên bang Đức tại nước ngoài (ZfA) tại Trường THCS Nguyễn Thiện Thuật (phường Hòa Xuân) và Trường THCS Trần Quý Cáp (phường Khuê Trung). Đây là môn học tự chọn, mỗi trường một lớp (30 học sinh), thời lượng giảng dạy 4 tiết/tuần.
Ghi nhận từ 2 trường dạy tiếng Đức cho thấy, những năm đầu, phụ huynh, học sinh khá hào hứng vì đây là chương trình mới, có nhiều lợi ích khác biệt cho học sinh khi tham gia. Tuy nhiên, những năm sau đó, số lượng học sinh đăng ký học ngày càng ít. Cô Lê Thị Vân Thanh, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Thiện Thuật nêu lên thực tế, năm học 2015-2016, khi trường được chọn vào dạy đề án, với nhiều lợi ích nên nhiều phụ huynh mong muốn con theo học và trải nghiệm ngôn ngữ hoàn toàn mới. Mỗi năm, trường chỉ được phép tuyển một lớp tiếng Đức nhưng có hàng trăm hồ sơ đăng ký xét chọn. Thế nhưng, theo thời gian, số học sinh chọn tiếng Đức giảm dần.
Về con người, Phòng GD&ĐT quận Cẩm Lệ tiếp nhận tình nguyện viên và chuyên gia người Đức đến giảng dạy tại các trường trong dự án. Chương trình các lớp tiếng Đức đều được kiểm định theo chuẩn quốc tế nên yêu cầu về kiến thức, kỹ năng rất cao. Đề kiểm tra học kỳ phải chuyển từ Đức sang. Sau khi kiểm tra, bài tiếp tục được chuyển sang Đức để chấm rồi gửi kết quả về Việt Nam. Kỳ kiểm tra có giám sát viên. Vì vậy, những em nào thực sự có năng lực mới học nổi, còn các em không theo kịp phải thuê người dạy thêm nhưng vẫn không đạt hiệu quả. Qua 5 năm triển khai thực hiện, chỉ có... 1 học sinh đạt được yêu cầu đề ra của dự án. Nhiều em không theo kịp nên phụ huynh xin nghỉ. Hiện nay, lớp 8 chỉ còn 16 học sinh, lớp 9 còn 13 học sinh theo học tiếng Đức.
Đây cũng là thực trạng tại Trường THCS Trần Quý Cáp. Thầy Ngô Xe, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Quý Cáp cho rằng, chương trình quá khó và khắt khe nên học sinh không còn mặn mà. “Năm đầu trường tuyển 30 học sinh nhưng có cả trăm hồ sơ muốn vào học. Về sau thì không còn mấy học sinh theo học. Hiện lớp 6, 7 không còn duy trì học, lớp 9 còn 12 em, lớp 8 còn 17 em nhưng kết quả thi chứng chỉ tiếng Đức dành cho học sinh phổ thông nâng cao (DSD1) học kỳ 1 vừa rồi rất thấp”, thầy Xe nhìn nhận.
Trong khi đó, theo ghi nhận, năm học 2019-2020, Trường THPT Hòa Vang (phường Khuê Trung) lần đầu tiên có 31 học sinh chọn tiếng Đức được tuyển thẳng vào học. Cô Hồ Thị Thu Thanh, Hiệu trưởng Trường THPT Hòa Vang cho biết, thực tế, ZfA không lường trước được lực học của học sinh trên địa bàn quận Cẩm Lệ. Vì vậy, trong 31 em chỉ có một số em theo được. Đến cuối học kỳ 2 của năm học, khi thi chứng chỉ tiếng Đức dành cho học sinh phổ thông nâng cao (DSD1) thì không em nào đạt nên hiện nay các em không còn học chương trình tiếng Đức và trở thành học sinh bình thường của trường.
“Từ năm học 2020-2021, Sở GD&ĐT không còn xét tuyển thẳng những học sinh học tiếng Đức tại Trường THCS Nguyễn Thiện Thuật và Trần Quý Cáp và thay vào đó là thi tuyển, số lượng tuyển sinh mỗi năm học là 10 học sinh. Tuy nhiên, tôi vẫn lo ngại các em không thể duy trì đến cùng để lấy chứng chỉ theo đề án”, cô Thu Thanh nhìn nhận. Em D., học tiếng Đức từ năm lớp 6, hiện là học sinh lớp 11 Trường THPT Hòa Vang cho biết, chương trình tiếng Đức so với tiếng Anh rất nặng, từ vựng khó học. Trong khi đó, đề án ZfA yêu cầu quá khắt khe, môi trường để thực hành 4 kỹ năng ngôn ngữ không có nên em không thể theo kịp.
Học chỉ để tuyển thẳng vào lớp 10!?
Cô Vân Thanh chia sẻ: “Ban đầu, nhiều phụ huynh đăng ký cho con học tiếng Đức với mong muốn con sẽ được xét tuyển thẳng vào lớp 10 Trường THPT Hòa Vang. Về lâu dài, phụ huynh chưa hướng đến mục tiêu, ý nghĩa mà đề án đặt ra”. Theo tìm hiểu, sau này không còn phương thức tuyển thẳng vào Trường THPT Hòa Vang khi học chương trình tiếng Đức nên đa phần phụ huynh rút hồ sơ để chuyển con em mình về học tiếng Anh. Chính bởi những lý do đó nên mục tiêu của dự án không đạt được.
Môn tiếng Hàn cũng rơi vào tình trạng tương tự. Cô Ngô Thị Thanh Thoa, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Linh (phường Hòa Thọ Đông) cho biết, năm học 2015-2016, nhà trường cùng Trường Tiểu học Hoàng Dư Khương (phường Hòa Thọ Đông) được UBND quận Cẩm Lệ chọn thực hiện dự án dạy tiếng Hàn của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA). Mỗi năm, trường tuyển một lớp (30 học sinh) học tiếng Hàn (trong đó năm đầu là tuyển 30 em học sinh giỏi của trường, những năm sau tuyển học sinh học tiếng Hàn từ lớp 5 của Trường Tiểu học Hoàng Dư Khương).
Cũng như tiếng Đức, sau một khóa tuyển thẳng lớp tiếng Hàn vào Trường THPT Hòa Vang thì Sở GD&ĐT thành phố thay đổi phương thức từ tuyển thẳng sang xét tuyển nên phụ huynh bắt đầu rút hồ sơ và không cho con học tiếng Hàn tại Trường THCS Nguyễn Văn Linh. Sau khi có thông tin tuyển sinh năm học 2021-2022 và chỉ tiêu tiếng Hàn vào Trường THPT Hòa Vang chỉ có 10 học sinh thì số lượng học tiếng Hàn lớp 9 của nhà trường từ 25 em rút xuống còn 10 em. Giảng viên là người Hàn Quốc về nước và chưa thể sang lại do Covid-19, việc học tiếng Hàn tại trường đành gác lại. Chị L., phụ huynh có con từng học tiếng Hàn tại Trường THCS Nguyễn Văn Linh tâm sự: “Con mình học lực vừa phải nhưng gia đình mong muốn con học tại Trường THPT Hòa Vang để được học gần nhà nên đăng ký cho con học tiếng Hàn. Tuy nhiên, Trường THPT Hòa Vang không còn ưu tiên tuyển thẳng học sinh học tiếng Hàn nên mình không cho con học, bởi lẽ con mình không đủ khả năng để cạnh tranh với các bạn”.
Theo nhìn nhận của Phòng GD&ĐT quận Cẩm Lệ, sau 5 năm thực hiện đề án, nhu cầu học tập tiếng Hàn của học sinh rất hạn chế. Một số học sinh xin ra khỏi lớp do áp lực, khó khăn trong quá trình học tập và đầu ra không bảo đảm chất lượng. Trong khi đó, năm học 2020-2021, theo biên bản ghi nhận, học sinh lớp 5 học lớp tiếng Hàn tại trường Tiểu học Hoàng Dư Khương tiếp tục đăng ký học tiếng Hàn lớp 6 tại Trường THCS Nguyễn Văn Linh chỉ có 8/40 em. Thế nhưng, thực tế vào đầu năm học không có học sinh nào tham gia. Vì vậy, Trường Tiểu học Hoàng Dư Khương và THCS Nguyễn Văn Linh đã ngừng tuyển sinh lớp 5 và lớp 6.
Trong khi đó, đối với tiếng Đức, ông Phạm Hồng Thái, Trưởng phòng GD&ĐT quận Cẩm Lệ cho biết, tại kỳ thi chứng chỉ tiếng Đức dành cho học sinh phổ thông (DSD) năm 2019, không có học sinh nào đạt kết quả. Điều đó dẫn đến việc Ủy ban ZfA sẽ ngừng dự án đơn phương vào năm học 2021-2022 theo nội dung cam kết; đồng thời không tiếp tục tuyển sinh trong năm học 2020-2021 và dừng việc giảng dạy đối với học sinh lớp 7 năm học 2020-2021. Theo ông Phạm Hồng Thái, chương trình các lớp tiếng Đức đều được kiểm định theo chuẩn quốc tế nên yêu cầu về kiến thức, kỹ năng rất cao, học sinh đa số không đáp ứng được (lớp 8, 9) nên các em xin ra khỏi lớp tiếng Đức ngày càng nhiều.
NGỌC PHÚ