Dự báo đến năm 2025, toàn thành phố có khoảng 1,4 triệu dân, chưa kể số người đến tạm trú làm việc. Vì vậy, cần đầu tư, nâng cấp và xây mới trường học để đáp ứng yêu cầu dạy và học trong giai đoạn đến.
Việc đầu tư, nâng cấp và xây mới các trường học trên địa bàn được kỳ vọng sẽ đáp ứng yêu cầu dạy và học trong tình hình mới. TRONG ẢNH: Học sinh Trường Tiểu học Lê Lai trong một giờ học thể dục. Ảnh: NGỌC PHÚ |
Đầu tư còn mang tính dàn trải
Bà Cao Thị Huyền Trân, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố cho biết, trong thời gian qua, thành phố ưu tiên nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo, kể cả chi thường xuyên và chi đầu tư.
Trong đó, tỷ lệ chi đầu tư giai đoạn 2015-2020 là 6,2% trong tổng vốn xây dựng cơ bản, tỷ lệ chi thường xuyên khoảng 25% tổng ngân sách chi thường xuyên trên toàn địa bàn thành phố. Ngoài ra, hằng năm, thành phố tập trung đầu tư nâng cấp, sửa chữa, mở rộng, xây mới các trường học nhằm đáp ứng nhu cầu dạy và học, nâng cao chất lượng đào tạo.
Đặc biệt, trong thời gian gần đây, việc đầu tư cho giáo dục được chú trọng, nhiều công trình được xây mới với quy mô, mức đầu tư lớn, chất lượng, hiện đại, nhiều công trình đưa vào sử dụng như: Trường Tiểu học Lý Tự Trọng, Trường THPT Nguyễn Văn Thoại... Nhiều công trình đang triển khai như: Trường THCS Trưng Vương, Trường THPT Hòa Vang cơ sở 2, Trường THPT Phan Châu Trinh, Trường Tiểu học An Phước….
Bà Huyền Trân cho biết, tại kỳ họp thứ 17, HĐND thành phố khóa IX, HĐND thành phố đã thông qua chủ trương đầu tư Trường Mầm non Hòa Khương. Đây là công trình mầm non đầu tiên thuộc nhóm B với quy mô 20 phòng học, tổng kinh phí dự kiến gần 50 tỷ đồng.
“Mặc dù chú trọng đầu tư cho giáo dục, song có thể thấy việc đầu tư vẫn chưa theo kịp sự phát triển của thành phố, chưa đáp ứng yêu cầu dạy và học trong tình hình mới. Nhiều trường học trên địa bàn thành phố, nhất là ở bậc tiểu học đang quá tải về số học sinh/lớp, số lớp/trường, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đạt thấp, nhất là bậc tiểu học. Việc đầu tư trường học trong thời gian qua còn mang tính dàn trải, chắp vá, chưa đồng bộ và chưa có tầm nhìn”, bà Huyền Trân nhìn nhận.
Trong khi đó, theo Sở GD&ĐT thành phố, định mức đất sử dụng trong trường học do Bộ GD&ĐT ban hành với ngành bậc mầm non là 8m2/học sinh (nội thành) và 12m2/học sinh (ngoại thành); đối với các bậc học còn lại là 6m2/học sinh (nội thành) và 10m2/học sinh (ngoại thành). Đối chiếu với quy định này, tại địa bàn thành phố Đà Nẵng chưa đáp ứng được. Cụ thể, năm học 2019-2020 toàn thành phố có 267.767 học sinh, quỹ đất giành cho giáo dục gần 2,1 triệu m2, bình quân toàn thành phố đạt 7,7m2/học sinh.
Tuy nhiên, quỹ đất phân bổ không đồng đều giữa các quận, huyện và giữa các ngành học, bậc học. Cụ thể, tại quận Hải Châu, diện tích bình quân chỉ đạt 3,8-4,8m2/học sinh đối với tất cả các bậc học. Quận Thanh Khê, bậc tiểu học và THCS diện tích bình quân đạt 4,2-4,6m2/học sinh. Quận Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn và Hòa Vang có diện tích bình quân 10m2/học sinh trở lên đối với các bậc học…
Theo Sở GD&ĐT, cơ sở vật chất kỹ thuật tuy đã được thành phố ưu tiên đầu tư nhưng mới chỉ đáp ứng được yêu cầu dạy - học tối thiểu, định mức học sinh/lớp tại một số trường học vẫn còn cao so với quy định của Bộ GD&ĐT.
Đặc biệt, do ảnh hưởng của việc quy hoạch chỉnh trang đô thị nên việc lập kế hoạch phát triển hằng năm cho một số trường tiểu học còn bị động. Số lượng học sinh của các địa bàn xã, phường tăng, giảm không bình thường.
Vì vậy, so với yêu cầu của chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017-2025, cần đầu tư xây dựng phòng học, phòng chức năng, phòng học bộ môn và các công trình phụ trợ khác cho hệ thống trường học mầm non, phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên đủ về số lượng và cơ sở.
Chuẩn hóa, đồng bộ hóa
Bà Cao Thị Huyền Trân cho rằng, trong thời gian qua, số lượng học sinh bình quân mỗi năm tăng khoảng gần 9.000 học sinh. Dự báo đến năm học 2025-2026 tiếp tục tăng gần 73.000 học sinh so với năm học 2019-2020. Để bảo đảm thực hiện mục tiêu 100% học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày, bảo đảm số học sinh/lớp theo quy định, cần bổ sung thêm nhiều trường học, phòng học.
Trước thực trạng đó, bà Huyền Trân cho rằng, trên cơ sở Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với mục tiêu xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á thì phải rà soát, bổ sung quỹ đất cho giáo dục trong quá trình thực hiện quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết. Đồng thời cương quyết giữ đất cho giáo dục, không chuyển mục đích sử dụng đối với những khu đất đã quy hoạch.
Tập trung nguồn lực đầu tư từ ngân sách để tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất trường học theo hướng “chuẩn hóa, hiện đại hóa, đồng bộ hóa”, bảo đảm tối đa về cơ sở vật chất, trang thiết bị ở các trường mầm non và phổ thông nhằm thực hiện đổi mới chương trình giáo dục đào tạo.
Đồng thời, nghiên cứu ban hành chính sách khuyến khích xã hội hóa và danh mục dự án xã hội hóa để kêu gọi, thu hút đầu tư các trường học chất lượng cao nhằm đa dạng hóa các loại hình giáo dục, đào tạo, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh thành phố.
Trong khi đó, dưới sự tham mưu của Sở GD&ĐT, UBND thành phố ban hành quyết định về phê duyệt Đề án xây dựng, nâng cấp, mở rộng trường học giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn thành phố với tổng mức đầu tư 4.192 tỷ đồng, thực hiện theo phân kỳ.
Trong đó, xây dựng cơ bản và thiết bị xây dựng 3.767 tỷ đồng, thiết bị dạy học 425 tỷ đồng. Bình quân mỗi năm đầu tư 838 tỷ đồng. Trong đó, xây dựng mới 43 trường (22 trường công lập và 21 trường ngoài công lập); nâng cấp 246 trường (236 trường công lập, 10 trường ngoài công lập); mở rộng diện tích 69 trường công lập.
Đầu tư xây mới nhiều trường học
Tại các địa phương, trên cơ sở Đề án xây dựng, nâng cấp, mở rộng trường học của thành phố, các địa phương cũng tích cực tham mưu UBND quận, huyện nhằm đầu tư xây dựng trường học phục vụ giáo dục.
Bà Phạm Hồ Quỳnh Trang, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hòa Vang cho biết, nhằm phát triển mạng lưới trường học trên địa bàn huyện, Phòng GD&ĐT đã tham mưu UBND huyện ban hành Đề án phát triển GD&ĐT trên địa bàn giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2035.
Trong giai đoạn 2020-2025, toàn huyện phấn đấu tăng 5 trường (2 trường mầm non công lập tại xã Hòa Nhơn, Hòa Sơn; 1 Trường THPT tại xã Hòa Liên và 2 trường mầm non tư thục tại xã Hòa Tiến và Hòa Sơn); nâng tổng số trường học toàn huyện lên 57 trường, gần 1.300 lớp và gần 42.000 học sinh.
Ngoài ra, phấn đấu đến năm 2025, huyện Hòa Vang duy trì tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 100%; xây dựng mới, thay thế 403 phòng học, 152 phòng bộ môn, 42 phòng phục vụ học tập, 61 phòng phụ trợ, 9 khu giáo dục thể chất, 14 nhà đa năng, 11 sân chơi thể thao, 17 phòng hội đồng sư phạm, 67 phòng hành chính và 44 bếp ăn. Đồng thời sẽ dồn ghép 30 điểm trường lẻ trên địa bàn huyện.
Bà Trần Thị Thúy Hà, Trưởng phòng GD&ĐT quận Hải Châu cho biết, trong kế hoạch trung hạn từ 2020-2025, đối với trường THCS sẽ tăng 1 trường tại địa bàn phường Hòa Thuận Đông; đồng thời tiếp tục tham mưu đưa Trường Mầm non Cẩm Vân (phường Bình Thuận) ra đường lớn.
“Nhu cầu trường lớp về lâu về dài cần rất nhiều nhưng hiện nay hết quỹ đất. Vì vậy, số trường tuy không tăng nhưng quy mô lớp tăng và thực hiện theo hướng tầng hóa”, bà Hà cho biết.
Trong khi đó, Nghị quyết HĐND quận Thanh Khê ngày 17-12-2019 phê duyệt danh mục đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025 với tổng số vốn hơn 1.200 tỷ đồng. Trong đó, nhóm các công trình giáo dục - đào tạo có 24 công trình, tổng vốn đầu tư 243 tỷ đồng.
Ông Lại Tiến Hương, Trưởng phòng GD&ĐT quận Thanh Khê cho biết, trước mắt, UBND quận tiến hành xây dựng mới một số trường học nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của con em địa phương, như xây dựng Trường THCS An Khê, Trường Mầm non Mẫu Đơn nhằm dồn ghép một số cơ sở nhỏ lẻ; xây dựng Trường mầm non Hải Đường; di dời, xây dựng mới Trường THCS Lê Thị Hồng Gấm.
Đặc biệt, trong năm 2020, dù gặp khó khăn về Covid-19, song UBND quận Thanh Khê cũng đã ban hành kế hoạch đầu tư xây dựng 6 công trình trường học trong năm 2021, với tổng vốn 20,5 tỷ đồng.
Trong đó, xây khối nhà 3 tầng Trường Tiểu học Bế Văn Đàn tổng vốn đầu tư 9 tỷ đồng; xây mới nhà bếp Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, vốn 2 tỷ đồng; xây mới tường rào và thay mái tôn chống thấm Trường Tiểu học Hà Huy Tập, 3 tỷ đồng; xây khối nhà 3 tầng Trường Tiểu học Điện Biên Phủ, 5 tỷ đồng; nâng cấp, cải tạo Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, 700 triệu đồng và xây mới tường rào, cổng ngõ Trường THCS Nguyễn Trãi, 800 triệu đồng.
NGỌC PHÚ