Nhiều học sinh chọn ngành sư phạm

.

Từ năm học 2021-2022, Nghị định 116/2020/NĐ-CP ngày 25-9-2020 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm chính thức có hiệu lực. Với nghị định này, sinh viên học sư phạm được hỗ trợ học phí, chi phí 3,6 triệu đồng/tháng, thời gian không quá 10 tháng/năm.

Việc hỗ trợ đóng học phí sẽ giúp học sinh có thêm động lực đăng ký thi vào ngành sư phạm.  Trong ảnh: Học sinh lớp 12 Trường THPT Phạm Phú Thứ (huyện Hòa Vang) trong giờ học. Ảnh: NGỌC PHÚ
Việc hỗ trợ đóng học phí sẽ giúp học sinh có thêm động lực đăng ký thi vào ngành sư phạm. TRONG ẢNH: Học sinh lớp 12 Trường THPT Phạm Phú Thứ (huyện Hòa Vang) trong giờ học. Ảnh: NGỌC PHÚ

Từ cuối tháng 9-2020, khi Chính phủ ban hành Nghị định 116/2020/NĐ-CP, nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn đã định hướng cho con thi vào ngành sư phạm thay vì vào các ngành kỹ thuật, kinh tế, y dược để được hỗ trợ về chi phí học tập. Ghi nhận trên các diễn đàn học sinh, sinh viên, website của các trường đại học và học sinh các trường THPT cho thấy, học sinh khối 12 rất quan tâm đến nghị định này.

Em Lưu Lê Thùy Dương (thôn Phú Thượng, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, học sinh lớp 12 Trường THPT Phạm Phú Thứ) được gia đình định hướng theo ngành sư phạm và em quyết định đăng ký nguyện vọng 1 vào Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng, chuyên ngành Giáo dục Tiểu học. Thùy Dương cho biết, bố mẹ không có công việc ổn định, không thể cho con học các khối ngành có học phí cao nên định hướng em theo ngành sư phạm.

Còn em Ngô Mĩ Duyên (thôn Quan Nam 1, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, học sinh lớp 12 Trường THPT Phạm Phú Thứ) có hoàn cảnh đáng thương. Bố bị tai nạn lao động, liệt nửa người từ khi em còn học mẫu giáo. Mẹ là lao động phổ thông, phải gánh vác cho cả gia đình. Để đỡ đần phần nào cho mẹ, sau giờ học, Mĩ Duyên tranh thủ đi phục vụ các tiệc đám cưới để có thêm thu nhập.

Do đó, chọn ngành sư phạm Giáo dục Tiểu học thuộc Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) là con đường mà em nghĩ đến khi mới bước vào lớp 10. “Nhiều năm nay, học sư phạm được miễn học phí nên để tiếp tục con đường học tập, em quyết tâm chọn ngành này. Em còn vui mừng hơn vì từ năm học 2021-2022, người học sư phạm được hỗ trợ 3,6 triệu đồng/ tháng. Em nghĩ đây là cơ hội cho em tiếp tục theo đuổi việc học khi hoàn cảnh gia đình không cho phép”, Mĩ Duyên tâm sự.

Tại các Trường THPT Phan Thành Tài (xã Hòa Châu), Ông Ích Khiêm (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang), nhiều học sinh lớp 12 cho biết sẽ chọn nguyện vọng 1 vào Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng. Đam mê nghề giáo từ nhỏ nên kỳ tuyển sinh sắp đến, em Nguyễn Thị Khánh Hòa (học sinh lớp 12, Trường THPT Phan Thành Tài) đăng ký nguyện vọng 1 ngành Sư phạm Lý thuộc Trường Đại học Sư phạm. Khánh Hòa bộc bạch: “Bố mẹ là lao động phổ thông nên sẽ khó khăn khi trang trải mỗi tháng vài triệu đồng để con học đại học. Vì vậy, việc hỗ trợ người học sư phạm 3,6 triệu đồng là niềm vui của những gia đình có hoàn cảnh khó khăn như em. Em sẽ nỗ lực ôn tập thật tốt để đạt điểm cao trong kỳ thi, lĩnh hội đầy đủ kiến thức và kỹ năng để có thể vững vàng, tự tin với nghề nghiệp của mình sau này”.

Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thành phố cho biết, đơn vị đã triển khai Nghị định 116/2020/NĐ-CP đến các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên để học sinh, phụ huynh biết và xác định nhu cầu theo học. Đồng thời, sở sẽ phối hợp Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng nâng cao chất lượng sinh viên để sau khi ra trường, các em có đầy đủ năng lực, sẵn sàng tham gia giảng dạy tại các trường học khi được tuyển dụng.

Giải đáp thắc mắc cho sinh viên trong chương trình tư vấn tuyển sinh, tiến sĩ Bùi Bích Hạnh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng cho biết, Nghị định 116/2020/NĐ-CP là chính sách hứa hẹn thu hút sinh viên thi vào trường sư phạm trong năm 2021. Tuy nhiên, đi kèm với đó là điều kiện sinh viên nhận hỗ trợ này phải cam kết công tác trong ngành giáo dục sau khi tốt nghiệp. Điều này khiến sinh viên băn khoăn về cơ hội việc làm. Theo tiến sĩ Bùi Bích Hạnh, Nghị định 116/2020/NĐ-CP quy định rõ cách xác định chỉ tiêu của các ngành sư phạm trong mùa tuyển sinh của các trường đại học sư phạm. Cụ thể, địa phương xác định nhu cầu về đội ngũ giáo viên 4 năm sau. Căn cứ vào đó, các trường sư phạm sẽ xác định năng lực đào tạo của mình.

Được biết, năm 2021 Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng được Bộ GD&ĐT tăng chỉ tiêu tuyển sinh đối với khối ngành đào tạo giáo viên lên gần 2.000 chỉ tiêu, trong tổng hơn 3.100 chỉ tiêu của nhà trường. Đây là cơ hội cho các thí sinh mong muốn bước vào sự nghiệp “trồng người”. “Đối với ngành đào tạo giáo viên, nhu cầu của xã hội còn khá cao. Hơn nữa, hiện nay các cơ sở giáo dục - đào tạo phát triển mạnh, hệ thống giáo dục ngoài công lập ngày càng mở rộng. Đây là cơ hội lớn cho sinh viên khi mới ra trường”, tiến sĩ Bùi Bích Hạnh giải tỏa nỗi âu lo cho sinh viên.

NGỌC PHÚ

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích