Hiện tại, các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố đang tích cực triển khai ôn tập cho học sinh, sinh viên qua hình thức gián tiếp. Đây là cơ sở để học sinh, sinh viên hoàn tất việc kiểm tra, đánh giá học kỳ trong thời gian tới.
Giáo viên Trường Tiểu học - THCS Đức Trí dạy trực tuyến cho học sinh. Ảnh: NGỌC HÀ |
Tích cực hỗ trợ học sinh cuối cấp
Theo ghi nhận, với bậc tiểu học, các trường triển khai ôn tập cho học sinh chủ yếu bằng hình thức gửi đề ôn thi đến từng học sinh, số ít trường ôn tập trực tuyến. Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu) cho biết, sau khi tổng hợp đề thi cho từng khối lớp, nhà trường đưa lên trang website và Zalo toàn trường để giáo viên các khối lớp cung cấp, hỗ trợ học sinh qua zalo từng lớp.
“Nhà trường cũng lên kế hoạch kiểm tra cuối năm khi tình hình dịch được khống chế, trong đó ưu tiên học sinh khối 5 được kiểm tra trước để xét hoàn thành chương trình tiểu học, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tuyển sinh vào lớp 6”, cô Nguyệt cho hay.
Tương tự, các trường THCS tích cực ôn tập cho học sinh, đặc biệt là học sinh lớp 9. Theo thời khóa biểu được xây dựng trước đó, mỗi buổi sáng, các trường THCS trên địa bàn thành phố tổ chức cho học sinh lớp 9 ôn tập 4 tiết tại trường với 3 môn Toán, Văn và Ngoại ngữ. Do tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp, học sinh tạm dừng đến trường nên các trường chuyển sang hình thức ôn tập gián tiếp từ ngày 10-5. Nhiều trường triển khai ôn tập trực tuyến trên phần mềm Zoom, Skype, TranS hay công cụ học trực tuyến Google Classroom...
Cô Lê Thị Nga, Hiệu trưởng Trường Tiểu học - THCS Đức Trí cho biết, từ lớp 1 đến lớp 8, nhà trường gửi nội dung ôn tập hằng ngày cho học sinh qua group Zalo của mỗi lớp. Riêng lớp 9 đang ở thời điểm tăng tốc ôn tập để học sinh thi vào lớp 10 nên nhà trường tổ chức ôn tập trực tuyến theo thời khóa biểu qua phần mềm TranS. Qua đó, học sinh và giáo viên có thể tương tác trực tiếp. Giáo viên giải đáp thắc mắc, hướng dẫn học sinh làm bài tập nhằm bảo đảm chất lượng kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 sắp tới.
Trong khi đó, Trường THPT Hoàng Hoa Thám (quận Sơn Trà) họp các tổ chuyên môn của 9 môn thi, xây dựng các chuyên đề ôn tập cùng với hệ thống bài tập kèm theo để dạy học trực tuyến qua ứng dụng LMS. “Để bảo đảm hiệu quả ôn tập, thay vì soạn giảng bằng powerpoint rồi đăng tải trên youtube, gửi link cho học sinh tự tải về học, nhà trường yêu cầu giáo viên tương tác trực tiếp với học sinh thông qua ứng dụng dạy học trực tuyến LMS.
Ngoài ra, nhà trường rà soát lại danh sách các học sinh có kết quả học tập chưa tốt với 3 môn bắt buộc Toán, Ngữ Văn và Anh Văn để tổ chức phụ đạo thêm qua hình thức trực tuyến”, thầy Phạm Tấn Ngọc Thụy, Hiệu trưởng nhà trường cho biết.
Sinh viên học trực tuyến
Thực hiện yêu cầu phòng, chống Covid-19 của thành phố, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Đại học (ĐH) Đà Nẵng, từ ngày 4-5, các trường đại học thành viên của ĐH Đà Nẵng triển khai dạy học trực tuyến. Thực tế, việc học trực tuyến được các trường thực hiện khi Covid-19 bùng phát lần đầu tiên. Do đó, trong đợt dịch này, các trường chỉ cần kích hoạt lại nên không gặp bất cứ trở ngại nào.
PGS.TS Huỳnh Công Pháp, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt - Hàn (VKU), ĐH Đà Nẵng cho biết, ngay từ đợt bùng phát dịch đầu tiên, nhà trường đã triển khai dạy học trực tuyến. Nhờ vậy, trường luôn chủ động trong việc chuyển đổi hình thức dạy học, bảo đảm đúng tiến độ kế hoạch đào tạo của năm học, bảo đảm yêu cầu chất lượng lớp học theo quy định của Bộ GD&ĐT và của ĐH Đà Nẵng.
Theo PGS.TS Lê Văn Huy, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng, sinh viên nhà trường hiện học gần hết chương trình (chỉ còn 3 tuần dự trữ, ôn thi). Do đó, việc học trực tuyến lúc này là để giáo viên củng cố lại kiến thức cho sinh viên.
“Khác với năm trước, dịch bệnh xảy ra ngay thời điểm đầu và giữa học kỳ, năm nay rơi vào cuối học kỳ nên việc triển khai giảng dạy, học tập trực tuyến gặp nhiều thuận lợi”, PGS.TS Lê Văn Huy nói.
Việc đánh giá kết quả học tập của sinh viên cũng không gặp nhiều khó khăn do phần lớn các học phần được tổ chức giảng dạy theo phương pháp học theo dự án, học trải nghiệm… Do vậy, các trường có nhiều giải pháp đánh giá kết quả học tập của sinh viên ngay cả trong trường hợp tổ chức dạy học trực tuyến.
“Đánh giá dự án hay kết quả nghiên cứu mà sinh viên đã thực hiện thông qua hình thức trực tuyến hoàn toàn phù hợp. Với cách tổ chức này, sinh viên báo cáo kết quả bằng hình thức trực tuyến, giảng viên có thể trao đổi thêm với sinh viên để có thể đánh giá chính xác nhất kết quả sinh viên thực hiện được. Tương tự, phương pháp đánh giá theo hình thức vấn đáp cũng có thể thực hiện bằng hình thức trực tuyến…”, PGS.TS Huỳnh Công Pháp chia sẻ.
Tính đến phương án kiểm tra trực tuyến Phó Giám đốc Sở GD&ĐT thành phố Mai Tấn Linh chia sẻ, hiện sở vẫn cho các đơn vị nghiên cứu Thông tư 09/2021/TT-BGDĐT ngày 30-3 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên. Hiện nay, học sinh khối 9 và khối 12 đã hoàn thành xong bài kiểm tra học kỳ 2 ở tất cả các môn, chỉ còn khâu hoàn thiện hồ sơ. Đối với các khối lớp còn lại, sở đang xây dựng văn bản hướng dẫn các trường tổ chức kiểm tra trực tuyến. Về kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập, tùy tình hình diễn biến dịch trên địa bàn, sở sẽ có điều chỉnh thời gian hợp lý. |
NGỌC HÀ