Đề thi Ngữ Văn hay, bám sát thực tiễn

.

ĐNO -  Đúng 10 giờ ngày 15-6, thí sinh kết thúc môn thi Ngữ văn sau 120 phút làm bài. Theo ghi nhận, đề thi năm nay bám sát thực tiễn, phù hợp chương trình học nên đa số thí sinh làm bài tốt.

Thí sinh trao đổi sau khi thi tại điểm thi THPT Trần Phú. Ảnh: NGỌC HÀ
Thí sinh trao đổi bài sau khi thi tại điểm thi Trường THPT Trần Phú (quận Hải Châu) sáng 15-6. Ảnh: NGỌC HÀ

Đề thi Ngữ văn năm nay gồm 3 câu; trong đó, câu 1 đọc văn bản và trả lời câu hỏi (2 điểm); câu 2 viết đoạn văn ngắn trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của sự tế nhị khi giúp đỡ người khác (3 điểm); câu 3 chọn phân tích một trong 3 bài thơ Đoàn thuyền đánh cá - Huy Cận, Tiểu đội xe không kính - Phạm Tiến Duật và Nói với con - Y Phương để thấy được vẻ đẹp của người Việt Nam (5 điểm).

Theo nhiều thí sinh, đề thi năm nay vừa sức, chỉ cần ôn tập kỹ sẽ làm bài tốt. Em Huỳnh Ngọc Anh Thư (học sinh Trường THCS Lê Lợi, tại điểm thi THCS Cao Thắng quận Sơn Trà) hớn hở cho biết: “Đề thi năm nay không quá khó. Đặc biệt, câu 5 điểm, thí sinh có 3 lựa chọn để làm nên khá thuận lợi. Khi đọc đề thi, em cảm thấy tự tin mình làm bài tốt. Hy vọng em sẽ đạt điểm cao”.

Trong khi đó, thí sinh Nguyễn Viết Minh Khang (học sinh Trường THCS Lê Thánh Tôn, tại điểm thi Trần Phú) hào hứng chia sẻ: "Đề thi Ngữ Văn năm nay vừa sức, em làm bài khá tốt, các bạn em cũng đều làm bài tốt. Với sức học khá môn Văn, em tự tin làm được tầm 7 điểm. Còn 2 môn thi nữa em sẽ nỗ lực để đạt được mục tiêu vào Trường THPT Trần Phú".

Thí sinh cho biết đề thi hay, vừa sức. Ảnh NGỌC HÀ.
Nhiều thí sinh cho rằng đề thi hay, vừa sức. Ảnh NGỌC HÀ

Nhận định đề thi, cô Nguyễn Thị Bích Vân (giáo viên Ngữ văn Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng) cho biết, năm nay, trong tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp và tháng cuối cùng học sinh hoàn toàn học trực tuyến, tự ôn tập nên có những khó khăn nhất định. Nhìn chung, đề thi bám sát chương trình nằm trong nội dung ôn tập cả ở học kỳ 1 và học kỳ 2, thuận lợi cho thí sinh.

Đối với câu 3, đây là năm đầu tiên Sở Giáo dục và Đào tạo ra đề theo hình thức này, tạo điều kiện cho học sinh. Mỗi đoạn thơ này có dung lượng kiến thức đồng đều nên với những học sinh trung bình và khá có thể nắm ý chính và viết tốt. Măt khác, đề thi có những khoảng riêng dành cho tư duy, sáng tạo, cảm nhận sâu sắc đối với học sinh giỏi.

Cũng theo cô Vân, đề thi có sự phân hóa ở câu 2, thí sinh xác định trọng tâm vấn đề đó là sự tế nhị khi giúp đỡ người khác thì mới đạt điểm cao. Nếu thí sinh dàn trải ở lòng nhân ái khi giúp đỡ người khác sẽ lệch vấn đề.

Đồng quan điểm, cô Nguyễn Hồ Thanh Thủy (giáo viên dạy Văn Trường THCS Tây Sơn) cho rằng, câu 1 và 2 vừa sức học sinh. Các câu lệnh rõ, phần kiến thức trọng tâm, học sinh dễ lấy điểm. Vấn đề nghị luận xã hội khá hay, có ý nghĩa giáo dục nhưng cũng để các em thể hiện được quan điểm cá nhân của mình.

Đối với câu số 3, đề bảo đảm vừa sức, học sinh có nhiều lựa chọn. Cách ra đề như vậy là phù hợp trong bối cảnh học sinh không thể đến trường ôn tập tập trung vì thực hiện công tác phòng, chống Covid 19....

NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích