Tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều trường mầm non đóng cửa dài hạn khiến không ít giáo viên rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Họ đành xoay xở đủ nghề để duy trì cuộc sống.
Phiên chợ 0 đồng của Trường mầm non Nốt nhạc xanh (quận Liên Chiểu) hỗ trợ giáo viên trong mùa dịch. Ảnh: NGỌC HÀ |
Xoay xở kiếm thu nhập
Hai năm qua, nhiều đợt dịch bùng phát, các cơ sở giáo dục mầm non tạm dừng đóng cửa, giáo viên không được đi dạy thường xuyên, chồng hay người thân cũng rơi vào tình cảnh thất nghiệp… dẫn đến đời sống kinh tế khó khăn. Để bảo đảm cuộc sống, nhiều người xoay sở mưu sinh trong khi chờ đợi đi dạy trở lại.
Chị N.T.L, giáo viên trường mầm non công lập trên địa bàn quận Hải Châu chia sẻ, so với các giáo viên cơ sở tư thục, chị không gặp khó khăn nhiều do vẫn nhận được lương cơ bản (chỉ không có lương bán trú). Tuy nhiên, để cải thiện cuộc sống, chị L. kiếm thêm thu nhập tạm thời bằng bán hàng gia dụng và sách giáo khoa. “Thu nhập không nhiều nhưng trong bối cảnh dịch bệnh, có việc làm là điều may mắn. Chúng tôi động viên nhau vượt qua thời điểm khó khăn này”, chị L. nói.
Trong khi đó, chị B.T.T, giáo viên trường mầm non công lập trên địa bàn quận Cẩm Lệ cho biết, do làm hợp đồng nên trong thời gian nhà trường tạm thời đóng cửa, chị không có lương. Chồng chị T. làm mảng dịch vụ, khách hàng ít, công ty cũng cho nghỉ nhiều ngày. “Tôi cũng thử làm cộng tác viên bán hàng nhưng doanh số không có nên đành nghỉ. Thời gian qua, tôi tranh thủ tìm việc để kiếm tiền nuôi con nhỏ, đến bây giờ vẫn chưa được. Tôi có nghe thông tin sẽ được thành phố hỗ trợ, hy vọng tôi sớm được nhận khoản tiền này để trang trải phần nào cuộc sống”, chị T. nói.
Với chị V.B.V, giáo viên một trường mầm non tư thục trên địa bàn quận Liên Chiểu, thời gian đầu, nhà trường cũng hỗ trợ một phần lương nhưng sau đó khó khăn quá đành cắt giảm hết. Chị V. nhận trông những trẻ mình đứng lớp nên cũng có đồng ra, đồng vào. Song phụ huynh không gửi nguyên tháng, mà ngày nào không có người trông mới nhờ và trả tiền theo ngày, thu nhập bấp bênh. “Dịch dã ai cũng khó khăn. Đến bây giờ, nhiều phụ huynh nhờ được ông bà vào chăm để đỡ kinh phí nên thành ra tôi thất nghiệp. Nghĩ đi nghĩ lại, tôi sắp xếp về quê một thời gian, vừa thăm gia đình vừa đỡ khoản nào hay khoản đó”, V. chia sẻ.
San sẻ, động viên
Cô Nguyễn Quốc Thư Trâm, Hiệu trưởng Trường mầm non Bình Minh tâm sự, mấy tháng thất nghiệp, các cô giáo có thể cầm cự qua ngày, nhưng bộ phận nhân viên, trong đó đối tượng chính là bộ phận cấp dưỡng lương quá thấp, cả vợ chồng đều mất việc nên hoàn cảnh rất khó khăn. Trước tình hình đó, nhà trường và công đoàn luôn động viên các cô, quan tâm chia sẻ cả vật chất lẫn tinh thần. “Khó khăn nhưng mọi người không bi quan vì nhận thấy nhiều người còn khổ hơn mình. Tôi mong dịch qua mau để các cô được chăm sóc các con, ba mẹ yên tâm làm việc và các cô cũng có thu nhập ổn định”, cô Trâm chia sẻ.
Bà Võ Thị Hiền, điều phối viên tổ chức Half the Sky Foundation, Giám đốc Trung tâm One Sky (quận Liên Chiểu) cho hay, trung tâm vẫn trả 100% lương cho giáo viên, cán bộ nhân viên bình thường, chỉ không có các khoản thưởng như chuyên cần, ăn trưa hay chăm sóc tốt cho học sinh… “Trung tâm OneSky nỗ lực bảo đảm quyền lợi của giáo viên, nhân viên nhằm động viên tất cả vượt qua khó khăn giai đoạn này”, bà Hiền nói. Các trường mầm non tư thục cũng nỗ lực hỗ trợ giáo viên.
Bà Lê Phạm Hồng Điệp, Giám đốc điều hành Trường Mầm non Nốt Nhạc Xanh cho biết, để chia sẻ khó khăn với giáo viên, nhà trường hiện đang cố gắng duy trì nguồn lương cơ bản cho giáo viên, nhân viên. Ngoài ra, từ tháng 7 trở đi, mỗi tháng nhà trường tổ chức 2 “Phiên chợ 0 đồng”. Tại phiên chợ, nhà trường bố trí nhiều gian hàng như gạo, thịt heo, cá tươi, trứng, rau, củ, quả, dầu ăn, nước mắm, mì tôm, trái cây... Giáo viên, nhân viên nhà trường theo nhu cầu được nhận các mặt hàng mà không tốn tiền mua. “Chúng tôi cố gắng chia sẻ phần nào với giáo viên, nhân viên nhà trường. Những trường hợp thực sự khó khăn, nhà trường tiến hành hỗ trợ đột xuất”, bà Điệp cho biết.
Thường trực HĐND thành phố vừa có văn bản thống nhất đối tượng và mức hỗ trợ đột xuất cho đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng Covid-19. Trong đó, giáo viên, nhân viên trường mầm non tư thục, nhân viên, bảo mẫu nhóm trẻ… thuộc nhóm người lao động không có giao kết hợp đồng lao động sẽ được nhận mức hỗ trợ 1.500.000 đồng/người/lần. Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, tùy thuộc vào thời gian nhận giấy đề nghị hỗ trợ của nhóm đối tượng này, các cơ quan tiếp nhận thực hiện các thủ tục nhanh và chi trả kịp thời. |
NGỌC HÀ