Đưa giáo viên mầm non vào gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng

.

Ước tính 30.000 giáo viên mầm non tư thục sẽ được hỗ trợ 5,4 triệu đồng trong ba tháng từ gói an sinh xã hội do tác động của Covid-19.

Giáo viên mầm non ở Hà Nội tổng vệ sinh ngày 8/5 để đón trẻ trở lại trường. Ảnh:Giang Huy.
Giáo viên mầm non ở Hà Nội tổng vệ sinh ngày 8/5 để đón trẻ trở lại trường. Ảnh:Giang Huy.

Sáng 16-7, Thứ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Lê Quân cho biết Bộ đã hoàn thiện tờ trình Chính phủ đề nghị đưa nhóm giáo viên mầm non tư thục vào diện thụ hưởng gói 62.000 tỷ đồng. Đây là nhóm bị ảnh hưởng nặng nề khi các trường tư không có nguồn thu trong mấy tháng nghỉ dịch. Các bậc học cao hơn vẫn có nguồn thu học phí, dạy học online. Bộ đã đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cung cấp số liệu và đánh giá tác động của Covid-19 đến nhóm này.

Hiện một số địa phương đã chủ động hỗ trợ nhóm giáo viên tư thục bị ảnh hưởng bởi dịch. Huyện Sóc Sơn, Hà Nội đã trích nguồn quỹ chống dịch hỗ trợ 432 giáo viên, mỗi người 500.000 đồng trong ba tháng liên tiếp, tổng kinh phí 648 triệu đồng.

Trong tờ trình, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng đề xuất kéo dài thời gian cho doanh nghiệp vay trả lương lao động ngừng việc. Theo quy định, doanh nghiệp muốn vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội phải đáp ứng các tiêu chí: Có từ 20% hoặc 30 người lao động trở lên đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ một tháng liên tục trở lên. Ngoài ra, doanh nghiệp đã trả trước tối thiểu 50% tiền lương ngừng việc cho người lao động trong thời gian từ 1-4 đến hết 30-6-2020. Nếu được thông qua, doanh nghiệp có người lao động phải ngừng việc từ 1-1 đến hết 31-12-2020 sẽ được vay vốn để trả lương.

Đề xuất đưa ra trong bối cảnh người lao động đứng trước làn sóng mất việc hàng loạt, doanh nghiệp cắt giảm việc làm do đơn hàng giảm sút. Những doanh nghiệp lớn như PouYuen Việt Nam đã cắt giảm 3.000 lao động; Dệt may Huê Phong, Công ty Gỗ Woodworth Wooden lên kế hoạch cắt giảm hơn 2.000 công nhân. Các điều kiện để được thụ hưởng gói 62.000 tỷ đồng được đánh giá là "quá khắt khe" khiến doanh nghiệp lẫn người lao động khó tiếp cận.

Sau hơn hai tháng thực hiện, gói 62.000 tỷ giải ngân được hơn 11.267 tỷ đồng, tính đến cuối tháng 6. Tỷ lệ giải ngân đạt 17% toàn gói. Các địa phương phê duyệt 15,8 triệu người thuộc các nhóm được thụ hưởng với tổng kinh phí 17.500 tỷ đồng, theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Trong đó 10,8 triệu người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo nhận hỗ trợ gần 11.100 tỷ đồng. Việc chi trả cho các nhóm này đã xong.

Số tiền còn lại hỗ trợ cho các nhóm theo Quyết định 15. Cụ thể, hơn 169.000 lao động nhận hỗ trợ 176 tỷ đồng; 4.300 hộ kinh doanh được hỗ trợ hơn 4,3 tỷ đồng. Chưa có doanh nghiệp nào được vay vốn trả lương cho người lao động.

So với dự kiến, lượng người thụ hưởng chính sách quá thấp, tập trung vào các nhóm lao động tạm ngưng việc, nghỉ việc không lương; chủ vay vốn để trả lương lao động ngừng việc và hộ kinh doanh có doanh thu dưới 100 triệu mỗi năm.

Theo VnExpress

;
;
.
.
.
.
.