Tạm dừng đánh giá giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp

.

Đầu tháng 6-2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) có công văn hướng dẫn tạm thời dừng đánh giá giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông theo Chuẩn nghề nghiệp, chuẩn hiệu trưởng các cấp học mầm non, tiểu học, THCS năm học 2020-2021. Việc tạm dừng này phù hợp tình hình thực tế.

Việc đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông trong những năm gần đây được thực hiện theo Thông tư 20/2018/TT-BGDĐT chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông ban hành năm 2018 với 5 tiêu chuẩn, 15 tiêu chí và thường được thực hiện vào cuối năm học.

Tuy nhiên, tại Điều 72 Luật Giáo dục sửa đổi năm 2019 có hiệu lực từ ngày 1-7-2020, quy định giáo viên phải có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với bậc tiểu học, THCS, THPT. Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.

Nếu chiếu theo quy định này thì năm học 2020-2021, nhiều giáo viên xếp loại “chưa đạt” chuẩn nghề nghiệp. Trước nhiều điểm chưa hợp lý, Bộ GD&ĐT ban hành văn bản số 2440/BGDĐT - NGCBQLGD hướng dẫn tạm dừng đánh giá, báo cáo kết quả đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên, năm học 2020-2021.

Cô Nguyễn Thị An, Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Khê) chia sẻ, khung thời gian năm học 2020-2021 được Bộ GD&ĐT ấn định kết thúc vào ngày 31-5. Do đa phần các trường đã kết thúc đánh giá nên văn bản này không có nhiều ý nghĩa trong năm học vừa qua.

Tuy nhiên, theo cô An, việc tạm dừng đánh giá phù hợp với tình hình thực tế và Bộ GD&ĐT cần tiếp tục hướng dẫn rõ hơn để bảo đảm việc đánh giá giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông theo chuẩn; thực hiện đúng các quy định mới của Luật Giáo dục về trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên và lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS (Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30-6-2020).

“Chúng tôi mới thực hiện đánh giá bước đầu theo chuẩn năm học 2019-2020 và năm nay lại dừng. Việc tạm dừng này nhằm bảo đảm quyền lợi cho đội ngũ giáo viên chưa đạt chuẩn theo quy định tại Luật Giáo dục 2019 là hoàn toàn phù hợp. Chúng tôi kỳ vọng quy định mới được ban hành sắp tới sẽ sát thực tế để việc đánh giá không mang tính hình thức vì cuối năm mỗi giáo viên còn có bản đánh giá, nhận xét viên chức cũng bao hàm những tiêu chuẩn, tiêu chí này”, cô An cho biết.

Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu) thông tin, về lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo tại trường, hiện nay chỉ còn 1/56 giáo viên có trình độ cao đẳng sư phạm (55 giáo viên có trình độ đại học sư phạm, trong đó có 6 thạc sĩ).

Vì vậy, nhà trường đáp ứng tốt lộ trình theo Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30-6-2020. Dù vậy, việc tạm dừng đánh giá chuẩn giáo viên, chuẩn hiệu trưởng và báo cáo kết quả đánh giá giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông là phù hợp với mặt bằng chung, nhất là khu vực miền núi, hải đảo.

Tuy nhiên, cô Thu Nguyệt nhìn nhận, việc đánh giá chuẩn giáo viên theo lộ trình 2 năm học 1 lần là hợp lý, trong đó có 1 năm bản thân giáo viên tự đánh giá. “Khi giáo viên tự đánh giá theo chuẩn quy định sẽ giúp bản thân tự soi rọi lại mình, xem mình đạt chuẩn chưa, để rồi tự xây dựng kế hoạch học tập, bồi dưỡng đáp ứng chuẩn”, cô Thu Nguyệt chia sẻ.

NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.