Nhiệt huyết từ bục giảng đến mặt trận chống dịch

.

Khi Covid-19 xuất hiện trở lại trên địa bàn thành phố, trường học đóng cửa, nhiều thầy cô giáo bước từ bục giảng sang mặt trận phòng, chống dịch. Mỗi người một công việc khác nhau như truy vết, trực chốt kiểm soát, trực khu cách ly, cho đến tham gia công tác hậu cần. Họ chung quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh.

Anh Đồng Chí Hướng (bìa trái) đang kiểm tra giấy tờ người đi đường tại chốt kiểm soát phòng, chống dịch tại cầu Nam Ô. Ảnh: NGỌC PHÚ
Anh Đồng Chí Hướng (bìa trái) đang kiểm tra giấy tờ người đi đường tại chốt kiểm soát phòng, chống dịch tại cầu Nam Ô. Ảnh: NGỌC PHÚ

Những “thợ săn” Covid-19

Tham gia vào lực lượng y tế hỗ trợ công tác phòng, chống dịch từ giữa tháng 5-2021, từ những lóng ngóng ban đầu, đến nay, anh Mai Ngọc Trung, giáo viên Trường THCS Lương Thế Vinh (quận Liên Chiểu) đã trở thành “thợ săn” Covid-19 chuyên nghiệp. Hễ địa phương chỗ nào có ca F0, anh cùng lực lượng y tế phường kịp thời đến để truy vết các F liên quan. “Có những ca F0 họ khai báo không trung thực nên dịch dễ lây lan. Điển hình tại một kiệt của đường Âu Cơ, khi truy vết, các F không khai báo trung thực dẫn đến có 5 F2 đã dương tính”, anh Trung chia sẻ.

Giữa tháng 7, nhận thông tin tại khu chung cư nhà ở xã hội Hòa Khánh có hai vợ chồng F0, anh Trung cùng 4 cán bộ y tế và tình nguyện viên lên đường làm nhiệm vụ. Anh Trung cùng lực lượng làm nhiệm vụ động viên để kịp thời truy vết, đưa hai vợ chồng đến bệnh viện. “Sau 2 giờ, tổ truy vết xác định được 18 F1 tại khu chung cư phải đi cách ly tập trung và 100 F2. Tổ làm nhiệm vụ báo cáo đề xuất cấp trên, sau đó khu chung cư đã được phong tỏa “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Những ngày tiếp theo, khu chung cư liên tục có ca dương tính, nên 4 tòa nhà phải phong tỏa”, anh Trung nhớ lại. Đó là một trong hàng chục lần tham gia truy vết trong những ngày anh Trung tham gia chống dịch.

Gần hai tháng nay, chị Nhâm Thị Phương Mai (Trường Mầm non 1/6, quận Liên Chiểu) cũng đã trở thành “thợ săn” Covid-19. Mỗi lần có ca nhiễm trên địa bàn, nhóm của chị lại lên đường, rà từng ngõ, gõ từng nhà trong tổ dân phố có liên quan đến ca bệnh để nắm lịch trình di chuyển, tiếp xúc, từ đó truy vết các trường hợp có tiếp xúc gần với F0. “Mỗi lần truy vết vài tiếng đồng hồ, bộ đồ bảo hộ nóng bức, trong khi những người mắc Covid-19 tâm lý không ổn định, rất khó để nhớ dịch tễ hằng ngày. Vì vậy, mình phải kiên nhẫn khơi gợi để họ nhớ lại”, chị Mai chia sẻ. Chị cũng cho biết, có nhiều gia đình không chịu hợp tác, nhóm đã phải nhờ tổ trưởng tổ dân phố, thậm chí công an hỗ trợ.

Những lúc không đi truy vết, chị Mai cùng tổ được phân công xét nghiệm cộng đồng nhằm kịp thời sàng lọc Covid-19 cộng đồng. Chỉ tính trong hai ngày 8 và 9-8 vừa qua, chị cùng hai nhân viên y tế trường học khác trong nhóm lấy 11.000 mẫu tại các khu dân cư. “Có những khi thực hiện nhiệm vụ xong là rất mệt, không nuốt nổi cơm, nhưng trước tình hình Covid-19 đang cấp bách, buộc chúng mình phải vượt khó để chiến đấu”, chị Mai tâm sự.

Gác việc gia đình, tích cực chống dịch

Ông Nguyễn Thanh Lịch, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Liên Chiểu cho biết, từ khi Covid-19 bùng phát tại thành phố Đà Nẵng, đơn vị đã 6 lần điều động cán bộ, giáo viên tham gia chống dịch với 138 lượt người. Nhiệm vụ của cán bộ, giáo viên là tham gia trực tại các chốt cách ly, chốt phòng, chống dịch tại các tuyến đường, truy vết và lấy mẫu xét nghiệm. “Lực lượng không chuyên, công việc vất vả, song luôn có sự động viên của lãnh đạo Quận ủy, UBND quận và các ban, ngành đoàn thể nên lực lượng cán bộ, giáo viên tham gia tuyến đầu luôn thể hiện hết trách nhiệm của mình”, ông Nguyễn Thanh Lịch chia sẻ.

Anh Đồng Chí Hướng, giáo viên Trường THCS Nguyễn Thái Bình (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu) được UBND phường Hòa Hiệp Bắc tăng cường phòng, chống dịch tại các chốt thực hiện cách ly y tế. Nhiệm vụ của anh cùng với tổ Covid-19 cộng đồng kiểm soát chặt địa bàn, không để người dân vào ra và vận động quần chúng trong khu vực tích cực thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch.

Khi thành phố thực hiện Chỉ thị số 05/CT-UBND, anh Hướng được UBND phường phân công trực chốt tại cầu Nam Ô. “Đây là chốt quốc lộ, phương tiện qua lại nhiều, nhất là giờ cao điểm nên công việc khá vất vả. Nhiều người bảo chúng tôi bao đồng vì đó không phải nhiệm vụ của giáo viên. Tôi tuyên truyền để họ thấy việc chống dịch là của toàn dân, của mỗi người, mỗi nhà”, anh Hướng chia sẻ.

Trong những ngày khu phố Nguyễn Phước Nguyên (phường An Khê, quận Thanh Khê) bị phong tỏa cứng, hình ảnh cô giáo Đinh Thị Huyền Trang (giáo viên Trường Mầm non Hồng Đào) với loa di động đằng sau xe đạp trở nên quen thuộc với người dân. Hằng ngày, trên chiếc xe đạp nhỏ, chị đi vòng quanh các kiệt, hẻm tuyên truyền chủ trương của thành phố về phòng, chống Covid-19. Ngoài ra, chị tham gia vào việc kiểm kê lương thực, thực phẩm được đưa từ ngoài vào và phân phát cho từng hộ dân. “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh, giờ Covid-19 ở mọi ngõ ngách, phụ nữ như mình gác lại việc gia đình, góp chút công sức để cùng thành phố chống dịch là điều cần thiết”, chị Trang nói.

Hơn 3 tháng qua, anh Lê Công Hiển (giáo viên Trường Tiểu học Ngô Gia Tự, quận Sơn Trà) tham gia công tác quản lý khu cách ly F1 tại điểm trường này. Hằng ngày, anh Hiển túc trực tại trường và xử lý những việc liên quan, nhất là cơ sở vật chất phục vụ người dân đang cách ly như điện, nước. Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Sơn Trà, hiện có 12 điểm trường của 10 trường học được sử dụng làm cơ sở cách ly F1 và các thầy cô giáo hỗ trợ quản lý các khu cách ly F1 theo quyết định của quận. Đến nay có 300 cán bộ, nhân viên, giáo viên của ngành tham gia công tác phòng, chống dịch...

NGỌC PHÚ - NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.