Các trường đại học trên địa bàn thành phố luôn tạo điều kiện thúc đẩy phong trào nghiên cứu khoa học, sáng tạo, khởi nghiệp trong sinh viên. Từ đó, nhiều đề tài, dự án ra đời, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) nghiên cứu tại Không gian sáng chế Maker Space của nhà trường. (Ảnh chụp thời điểm không có Covid-19). Ảnh: NGỌC HÀ |
Nhiều sản phẩm gắn liền thực tiễn
Dưới sự hướng dẫn của giảng viên Trường Đại học (ĐH) Sư phạm, ĐH Đà Nẵng, các nhóm sinh viên nghiên cứu nhiều sản phẩm về tảo và nấm có giá trị. Mới đây nhất, nhóm sinh viên nghiên cứu về nấm cho ra đời sản phẩm mới trà hoa nấm. Đỗ Phú Huy (sinh viên năm 3, ngành Công nghệ sinh học) chia sẻ, trước đó, vào tháng 4-2020, 5 thành viên của nhóm do sinh viên Lê Thị Phương Thu (sinh viên năm 4) làm trưởng nhóm, dưới sự hướng dẫn của ThS. Nguyễn Thị Bích Hằng, giảng viên khoa Sinh - Môi trường có ý tưởng tạo ra sản phẩm trà từ nấm dược liệu.
Qua 6 tháng nghiên cứu, tìm tòi, nhóm tìm ra công thức kết hợp giữa nấm linh chi, nấm vân chi với các loại hoa: cúc chi, atiso, cỏ ngọt trở thành trà túi lọc hoa nấm.
“Hiện nhóm trưởng Lê Thị Phương Thu đã ra trường nhưng vẫn tiếp tục hỗ trợ nghiên cứu. Chúng em không chỉ phát triển sản phẩm trà hoa nấm mà còn tạo ra sản phẩm nước hoa nấm. Cả 2 sản phẩm đều đạt thành tích cao tại các cuộc thi khởi nghiệp. Trong tương lai, nhóm nghiên cứu thêm những dòng sản phẩm mới như: bánh hoa nấm, rượu hoa nấm, mặt nạ sinh học hoa nấm... với mong muốn đưa hệ sinh thái hoa nấm vươn tầm quốc tế”, Huy hào hứng nói.
Tương tự, dự án thiết bị quan trắc không khí cảnh báo cháy nổ (Air Quality Monitor) của nhóm sinh viên khoa Điện - Điện tử, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng đã lọt vào chung kết Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên năm 2020 (SV Startup 2020). Lê Đặng Thái Phong (trưởng nhóm) chia sẻ, ý tưởng chính của dự án bắt nguồn từ thực trạng suy giảm chất lượng không khí trong môi trường sống và nhu cầu cảnh báo sớm các nguy cơ cháy nổ khí. Sản phẩm với bộ thu thập dữ liệu, bộ xử lý và truyền dẫn dữ liệu giúp thu nhận mọi diễn biến của khu vực giám sát. Từ những dữ liệu đó, bộ xử lý đưa ra thông tin cảnh báo (qua web hoặc app), giúp người sử dụng có thể kiểm soát được mức độ nguy hại trong chất lượng không khí hoặc cảnh báo nguy cơ cháy nổ khí.
“Nhóm nghiên cứu thành công và chế tạo sản phẩm thử nghiệm. Đây là sản phẩm có tính cạnh tranh cao so với các sản phẩm có cùng chức năng khi có lợi thế thu thập dữ liệu trên diện rộng nhờ công nghệ mạng”, Phong cho biết.
Chắp cánh hoạt động khởi nghiệp
Để phát triển phong trào nghiên cứu khoa học trong sinh viên cũng như đưa những đề tài, dự án trên giấy thành sản phẩm mang tính ứng dụng cao, các trường ĐH tạo điều kiện cho sinh viên bằng nhiều hình thức. ThS. Ngô Thị Hoàng Vân, Phó Bí thư Đoàn Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng cho biết, thời gian qua, các dự án khởi nghiệp của sinh viên được chuyển giao đến các vùng nông thôn nhằm hỗ trợ xây dựng các mô hình khởi nghiệp cho thanh niên khu vực này. Đồng thời, để các dự án được quảng bá rộng rãi ra thị trường, nhà trường tạo điều kiện cho sinh viên tham gia các chương trình triển lãm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo như: Triển lãm khởi nghiệp Đà Nẵng mở rộng (Surf Đà Nẵng), Giới thiệu sản phẩm OCOP (chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”), triển lãm tuổi trẻ sáng tạo của Trung ương Đoàn...
“Nhà trường cũng tiên phong sử dụng các sản phẩm từ dự án khởi nghiệp của sinh viên. Chẳng hạn, sản phẩm trà hoa nấm được chọn là sản phẩm thương hiệu quà tặng của nhà trường; Trung tâm hỗ trợ sinh viên và quan hệ doanh nghiệp còn dành không gian để trưng bày các sản phẩm khởi nghiệp và hỗ trợ kết nối với các doanh nghiệp có nhu cầu”, ThS. Ngô Thị Hoàng Vân chia sẻ.
Trong khi đó, từ năm 2019, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật cho ra đời Không gian sáng chế Maker Space thuộc khoa Điện - Điện tử để phục vụ học tập, nghiên cứu cho sinh viên, giảng viên nhà trường.
TS. Trần Hoàng Vũ, Trưởng khoa Điện - Điện tử cho hay, Maker Space với các máy móc công nghệ cao nên tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận, trải nghiệm thực tế. Từ đó, khơi dậy sự tìm tòi, khám phá, biến ý tưởng thành sản phẩm. Từ Maker Space này, có nhiều đề tài mang tính ứng dụng thực tế cao ra đời như: thiết bị nâng và hỗ trợ di chuyển dành cho bệnh nhân, người khuyết tật trong bệnh viện; robot điều khiển từ xa phun thuốc khử khuẩn; ứng dụng mạng lora trong quản lý phòng học thông minh; hệ thống thùng rác cho thành phố thông minh...
“Tôi cho rằng, không gian này hữu ích, có thể nhân rộng để thúc đẩy nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp trong sinh viên”, TS. Trần Hoàng Vũ nhận xét.
PGS, TS. Lê Văn Huy, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) cũng cho biết, từ năm 2016, nhà trường kết nối Học viện Công nghệ Cork và Quỹ Irish Aid (do Chính phủ Ai-len tài trợ) triển khai dự án ươm tạo hệ sinh thái khởi nghiệp học đường. Theo đó, hằng năm, trường tổ chức các cuộc thi “Startup Runway” dành cho sinh viên các trường ĐH khu vực miền Trung-Tây Nguyên.
“Môi trường, không gian học tập tại nhà trường góp phần hun đúc tinh thần sáng tạo, khởi nghiệp cho sinh viên ngay trên giảng đường. Tuy nhiên, để các đề tài, dự án hình thành và đi vào thực tiễn cần hình thành cơ chế chính sách, hỗ trợ vốn, phát triển sản phẩm từ nhiều phía”, PGS.TS Lê Văn Huy bày tỏ.
NGỌC HÀ