Sứ mệnh tiên phong đổi mới sáng tạo

.

Trường Đại học (ĐH) Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) là một trong 4 trường ĐH đầu tiên của Việt Nam đạt chuẩn chất lượng quốc tế HCERES (châu Âu). 47 năm qua, nhà trường cung ứng hàng vạn cán bộ, chuyên gia, kỹ sư giữ trọng trách trong các cơ quan, doanh nghiệp, trường học của miền Trung - Tây Nguyên và cả nước. PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc ĐH Đà Nẵng khẳng định, với bề dày truyền thống “Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới” và tiềm lực, kinh nghiệm đào tạo, nghiên cứu khoa học, trường thực sự là “cánh chim đầu đàn” của ĐH Đà Nẵng trong việc tiên phong đổi mới sáng tạo, hội nhập cách mạng Công nghiệp 4.0.

Tòa nhà Smart Campus của Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng - nơi ươm mầm khát vọng đổi mới sáng tạo. (Ảnh do nhà trường cung cấp)
Tòa nhà Smart Campus của Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng - nơi ươm mầm khát vọng đổi mới sáng tạo. (Ảnh do nhà trường cung cấp)

Đào tạo tinh hoa, chất lượng quốc tế

Lấy triết lý giáo dục “Tư duy - Sáng tạo - Nhân ái”, “Đổi mới và Sáng tạo” là một trong ba giá trị cốt lõi, nhà trường sớm đặt nền móng đào tạo tinh hoa từ chương trình Kỹ sư chất lượng cao Việt - Pháp PFIEV (1999), chương trình tiên tiến Việt - Mỹ (2006), chương trình tiên tiến Việt - Nhật (2008). Đến nay, trường có 16 chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế (CTI của châu Âu và AUN - QA của Đông Nam Á).

Từ dấu ấn đăng cai lễ công bố phát triển các chương trình đào tạo kỹ sư (tương đương thạc sĩ, bậc 7 trong khung trình độ quốc gia) với 7 trường ĐH kỹ thuật hàng đầu Việt Nam năm 2020, Trường ĐH Bách khoa mở mới 6 chương trình đào tạo bậc đại học, 1 chương trình đào tạo thạc sĩ, 3 chương trình đào tạo tiến sĩ. Từ đó, phục vụ nhu cầu nhân lực cho các ngành mũi nhọn, công nghệ cao, công nghệ nguồn mà không phải trường ĐH nào cũng có thể đảm nhận như: Cơ khí hàng không, Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo, Kỹ thuật máy tính, Kỹ thuật hệ thống công nghiệp, Kỹ thuật cơ sở hạ tầng…

Dựa trên giáo dục STEM (kết hợp giữa khoa học công nghệ - kỹ thuật và toán học), Trường ĐH Bách khoa liên tục đổi mới, triển khai các phương pháp dạy - học tiên tiến cho sinh viên tương tự các trường ĐH uy tín thế giới như: Tiếp cận CDIO (Conceive - Design - Implement - Operate), học theo dự án (Project Based Learning - PBL), đồ án tốt nghiệp Capstone Project, học từ trải nghiệm thực tế (Learning Express)… Bên cạnh khối kiến thức chuyên môn, thời lượng thực hành - thí nghiệm, đồ án, thực tập và ngoại ngữ cho sinh viên (chuẩn đầu ra 600 điểm TOEIC quốc tế) được trường tăng cường đáng kể.

Xu thế hiện nay, các trường ĐH phát triển theo chiến lược không chỉ để trở thành ĐH nghiên cứu hay ứng dụng mà còn hướng đến trở thành ĐH đổi mới sáng tạo. “Những thay đổi mang tính đột phá của nhà trường giúp sinh viên tự tin, tích luỹ hành trang kiến thức, kỹ năng và phẩm chất nghề nghiệp để chủ động thích nghi, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động trong nước, quốc tế; hướng đến mục tiêu 100% sinh viên có việc làm, khởi nghiệp, trở thành “công dân toàn cầu”, PGS.TS Đoàn Quang Vinh, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa, chia sẻ.

Năng động, sáng tạo và bám sát thực tiễn, các nhà khoa học, giảng viên của trường có nhiều công trình nghiên cứu được công bố quốc tế tại các hội thảo, tạp chí khoa học uy tín, đạt giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam. Nhiều dự án, giải pháp công nghệ hữu ích được triển khai ứng dụng, cấp bằng bảo hộ góp phần giải quyết các vấn đề cấp thiết của các địa phương, doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực vì mục tiêu phát triển bền vững.

Sinh viên liên tục gặt hái thành tích tiêu biểu như: Vô địch Olympic Tin học quốc gia (2020, khối chuyên), vô địch cuộc thi Tự động hóa - Học theo dự án toàn quốc (2020), 3 lần liên tiếp đạt giải Nhất dự án Sáng tạo kỹ thuật phục vụ cộng đồng EPICS (2018, 2019, 2020), giải Nhất cuộc thi Ý tưởng công nghệ quốc tế UAVS Hackatrix (2021), 2 lần Á quân cuộc thi Thiết kế kiến trúc quốc tế (Busan, Hàn Quốc - 2019; Hong Kong (Trung Quốc) - 2020). Mỗi năm có hàng chục sinh viên tốt nghiệp nhận học bổng chuyển tiếp sau đại học tại các nước tiên tiến.

Hiến kế cùng thành phố đổi mới sáng tạo

Các chương trình hành động, đề án của thành phố nhằm thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đưa Đà Nẵng phấn đấu trở thành “trung tâm đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp”, “đô thị thông minh” đã truyền cảm hứng cho các nhà khoa học, giảng viên hiến kế, đồng hành với thành phố.

Theo PGS.TS Nguyễn Tấn Khôi, Trưởng khoa Công nghệ thông tin, với thế mạnh 12 năm liên tiếp dẫn đầu chỉ số sẵn sàng ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin (Vietnam ICT Index), Đà Nẵng cần đẩy nhanh lộ trình kiến tạo hạ tầng công nghệ phục vụ chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử và phát triển kinh tế số, đồng thời chú trọng bảo vệ các giá trị căn bản, bảo đảm dữ liệu cá nhân, an toàn và an ninh mạng.

TS. Nguyễn Lê Hòa, Trưởng khoa Khoa học công nghệ tiên tiến, gợi ý thành phố có thể xây dựng nền tảng chung về công nghệ, công bố cho các nhà đầu tư cùng khai thác, từ đó huy động, kích thích các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, kiến tạo “thành phố thông minh - smart city”. Điều này tương tự cách làm của Trường ĐH Bách khoa với mô hình “ĐH thông minh - smart campus” (hợp tác với ĐH Nice Sophia Antipolics, Cộng hòa Pháp) đưa công nghệ mạng LoRa, công nghệ xanh, sạch, tiết kiệm năng lượng vào ứng dụng ngay trong các tòa nhà của trường.

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Đình Lâm, Chủ tịch Hội đồng trường, đề xuất thành phố có thể hình thành trung tâm đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp quốc gia tại Đà Nẵng với thành phần nòng cốt là các trường ĐH để kết nối, quy tụ mạng lưới chuyên gia cùng nhau nghiên cứu, thử nghiệm các ứng dụng, giải pháp 4.0. Việc chú trọng đào tạo STEM, ngoại ngữ cho học sinh từ phổ thông, tạo cơ chế khuyến khích nhà đầu tư, doanh nghiệp chia sẻ trách nhiệm xã hội với trường đào tạo nhân lực sẽ đáp ứng chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trở thành “chìa khóa” giúp khôi phục sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế để vượt qua thách thức do đại dịch        

          HẢI ĐĂNG

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích