Giáo dục
Cần chính sách hỗ trợ trường mầm non ngoài công lập
Ảnh hưởng Covid-19 kéo dài, cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập gặp nhiều khó khăn, một số không trụ được đành giải thể. Trước thực trạng này, các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập mong muốn có chính sách hỗ trợ phù hợp.
Các trường mầm non ngoài công lập cố gắng hỗ trợ một phần đời sống nhân viên nhưng dịch kéo dài, họ không còn khả năng chi trả. TRONG ẢNH: Trường Mầm non Nốt nhạc xanh hỗ trợ nhu yếu phẩm cho giáo viên bằng phiên chợ 0 đồng. Ảnh: NGỌC HÀ |
Ảnh hưởng nặng nề
Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), đến thời điểm hiện tại, toàn thành phố có 125 trường mầm non ngoài công lập và 820 nhóm trẻ độc lập tư thục. Do ảnh hưởng Covid-19 kéo dài, các cơ sở và nhóm trẻ này đều gặp khó khăn. Trong đó, 3 trường mầm non và 17 nhóm trẻ độc lập tư thục đã giải thể.
Chị Phan Thị Ngọc Mai, chủ nhóm trẻ Hoa Mặt Trời (quận Liên Chiểu) chia sẻ, tốt nghiệp ngành sư phạm mầm non, sau nhiều năm trong nghề dạy trẻ, chị quyết định dùng vốn liếng dành dụm thuê mặt bằng thành lập nhóm trẻ độc lập tư thục. Tuy nhiên, do Covid-19 kéo dài, cũng như nhiều bậc học khác, trẻ mầm non tạm dừng đến trường nên cơ sở của chị đóng cửa.
“Tôi cứ nghĩ tạm dừng thời gian ngắn, không ngờ phải đóng cửa tổng cộng 8 tháng ròng rã trong các đợt dịch kéo dài hai năm 2020 và 2021. Mỗi tháng tiền thuê mặt bằng 6 triệu, tiền lương cho nhân viên, điện, nước… Chịu không nổi chi phí, tôi đành thanh lý tất cả cơ sở vật chất để thu hồi được đồng nào hay đồng ấy và trả lại mặt bằng. Hiện tôi đi làm công nhân tại khu công nghiệp”, chị Mai nói.
Đối với những cơ sở mầm non ngoài công lập còn trụ lại trong cơn lốc Covid-19, khó khăn chồng chất. Cô Nguyễn Thị Ngọc Khánh, chủ cơ sở kiêm Hiệu trưởng Trường Mầm non Khánh An (quận Cẩm Lệ) cho hay, cơ sở hoạt động năm 2017, mọi thứ đang đi vào nền nếp ổn định với 12 lớp học và hơn 40 lao động.
Covid-19 bất ngờ ập đến, trường học đóng cửa đồng nghĩa với doanh thu, lợi nhuận về con số 0, trong khi chi phí vận hành hệ thống, tiền lương nhân viên không hề nhỏ. Hai đợt dịch đầu của năm 2020, nhà trường còn hỗ trợ được lương cho giáo viên nhưng đến đợt dịch kéo dài hơn nửa năm 2021, trường không thể gánh gồng thêm được khoản nào nữa; chỉ còn hỗ trợ BHXH và BHYT đối với một số trường hợp. Hiện nhà trường duy trì 4-5 nhân viên, người lao động quản lý, chăm sóc cơ sở.
Tương tự, cô Đỗ Thị An Khuê, Hiệu trưởng Trường Mầm non Ngôi sao xanh (quận Hải Châu) chia sẻ, phía đơn vị đầu tư của nhà trường đang “xoay” để chồng tiền thuê mặt bằng đợt 2 với khoảng 600 triệu đồng. Trong suốt 6 tháng nghỉ dịch, từ tháng 5-2021 đến nay, nhà trường không có nguồn thu nào để “gánh” cho khoản tiền thuê mướn này, đó là chưa kể khấu hao tài sản.
Nhà trường buộc phải sử dụng biện pháp chấm dứt hợp đồng lao động tạm thời để cắt bớt khoản chi phí đóng bảo hiểm cho người lao động. “Thời gian tới, khi trở lại hoạt động, nhà trường lại tốn khoản kinh phí không nhỏ để sơn sửa, duy tu cơ sở vật chất. Điều chúng tôi lo ngại không kém là số giáo viên đã tìm ngả rẽ sang nghề nghiệp khác có quay trở lại hay không? Nguồn nhân lực cho mầm non có bị hổng?”, cô Khuê nói.
Cần chính sách hỗ trợ dài hơi
Theo Sở GD&ĐT thành phố, thời gian qua, trên cơ sở các văn bản của Chính phủ ban hành, Đà Nẵng có Kế hoạch 135/KH-UBND ngày 19-7 của UBND thành phố, Thông báo số 121/HĐND-VHXH ngày 11-11, Công văn số 3611/VP-KGVX ngày 15-11 của Văn phòng UBND thành phố, Công văn số 3398/SLĐTBXH-CSTL về hỗ trợ người dân, người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19 năm 2021; trong đó có đối tượng giáo viên và nhân viên trường mầm non tư thục. Ngoài ra, Công đoàn ngành giáo dục cũng triển khai một số chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19 của Tổng Liên đoàn Lao động và Liên đoàn Lao động thành phố.
Tuy nhiên, các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập mong muốn Nhà nước có chính sách hỗ trợ dài hơi. Trong đó, có chính sách hỗ trợ lương cơ bản cho giáo viên ở một mức độ phù hợp; khoanh nợ, tạo điều kiện cho các chủ trường dừng trả nợ gốc để bớt đi áp lực trả nợ hằng tháng.
Giám đốc Sở GD&ĐT Lê Thị Bích Thuận cho biết, đối với giải pháp hỗ trợ khó khăn cho khối mầm non ngoài công lập, sở sẽ đề xuất, kiến nghị thành phố sớm giải quyết chi phí hỗ trợ đối với gói hỗ trợ 1.800.000 đồng đến 3.700.000 đồng cho các đối tượng có đóng BHXH tại Kế hoạch 135/KH-UBND; mở rộng đến các đối tượng chủ nhóm lớp cũng được nhận gói hỗ trợ theo chính sách của thành phố; giáo viên, nhân viên làm việc tại các cơ sở giáo dục mầm non nhưng không có sổ tạm trú trên địa bàn thành phố được nhận gói hỗ trợ 1.500.000 đồng. Đồng thời, hỗ trợ tiền Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngoài công lập.
Bên cạnh đó, thành phố cần có văn bản chỉ đạo giảm lãi suất, giãn thời gian trả nợ gốc, lãi cho các khoản đã vay; tạo điều kiện cho các công ty có vốn đầu tư nước ngoài tiếp cận các gói vay của ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng, không lãi suất hoặc lãi suất ưu đãi có thời hạn đối với loại hình giáo dục ngoài công lập và trường có vốn đầu tư nước ngoài; giảm hoặc không thu các loại thuế doanh nghiệp sau khi nhà trường được hoạt động trở lại. Song song, có chính sách hỗ trợ chi phí sinh hoạt cho cán bộ, giáo viên, nhân viên ngoại tỉnh đang làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập để trang trải chi phí sinh hoạt cơ bản.
NGỌC HÀ
Số người lao động đủ điều kiện nhưng chưa được hỗ trợ theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg và Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg: Trường ngoài công lập có 1.453 người, cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục có 957 người.
Số người lao động chưa tiếp cận được chính sách hỗ trợ của Chính phủ theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg và Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg (không đủ điều kiện): Trường ngoài công lập có 435 người, cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục có 741 người.
Số cơ sở phải ngừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền (từ tháng 5-2021 đến nay) với thời gian ngừng hoạt động từ 3-6 tháng: 86 trường công lập, 125 trường ngoài công lập, 820 cơ sở độc lập.
Nguồn: Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Đà Nẵng
|