Giáo dục
Chương trình Giáo dục phổ thông 2018: Học sinh có được lựa chọn môn học?
Năm học 2022-2023, chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 lần đầu tiên triển khai ở bậc THPT với lớp 10. Các trường THPT trên địa bàn thành phố đang gấp rút chuẩn bị kế hoạch trên cơ sở căn cứ thực tế đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất và thiết bị của nhà trường.
Học sinh lớp 10 năm học 2022-2023 sẽ bắt đầu chương trình học mới. TRONG ẢNH: Giờ học của học sinh lớp 10 Trường THPT Phan Châu Trinh. Ảnh: NGỌC HÀ |
Từ năm học 2022-2023, học sinh lớp 10 học 7 môn và hoạt động giáo dục bắt buộc, gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng - an ninh, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương. Đồng thời, học sinh chọn 5 môn khác từ 3 nhóm môn (mỗi nhóm chọn ít nhất một môn): Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật - Âm nhạc và Mỹ thuật). Ngoài ra, một số môn học có các chuyên đề học tập.
Chẳng hạn môn Công nghệ có chuyên đề công nghiệp và nông nghiệp. Môn Mỹ thuật có nhiều chuyên đề khác nhau như: thiết kế công nghiệp, thiết kế mỹ thuật đa phương tiện, điêu khắc, hội họa, kiến trúc... Dựa trên quy tắc này, có hơn 100 cách chọn tổ hợp môn học. Tuy nhiên, theo các trường THPT trên địa bàn thành phố, việc xây dựng tổ hợp môn học phụ thuộc thực tế đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất và thiết bị của nhà trường, chứ không hẳn học sinh hoàn toàn tự lựa chọn môn học hay nội dung học.
Thầy Phạm Tấn Ngọc Thụy, Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Hoa Thám cho biết, trên cơ sở các hướng dẫn và nội dung chương trình, nhà trường căn cứ thực tế đội ngũ giáo viên các bộ môn, cơ sở vật chất kỹ thuật và thông tin tham khảo học sinh đăng ký các tổ hợp môn thi tốt nghiệp THPT trong 5 năm gần nhất để xây dựng phương án phân lớp khối 10. Đồng thời, xem xét bố trí giáo viên giảng dạy các môn của khối 11, 12 bảo đảm quy định. Trên cơ sở số lượng giáo viên các môn và dự kiến phân công từ các tổ chuyên môn, sẽ xây dựng phương án lựa chọn tổ hợp môn phù hợp để học sinh lựa chọn.
“Như vậy, tùy theo số lượng giáo viên, sẽ chọn tổ hợp tự nhiên hay xã hội nhiều hơn, cụm chuyên đề phù hợp với nhóm tổ hợp tự nhiên hoặc xã hội và phù hợp tương đối với các khối thi đại học truyền thống như: A, A1, C, D. Dự kiến như thế nhưng thực tế nhiều khó khăn, nhất là hai môn Âm nhạc và Mỹ thuật chưa xây dựng trong phương án chọn lớp vì chưa có giáo viên. Học sinh được xếp theo nguyện vọng 1, 2 và không đáp ứng hết nhu cầu nguyện vọng của học sinh”, thầy Thụy chia sẻ.
Đồng quan điểm, thầy Võ Văn Khánh, Hiệu trưởng Trường THPT Thanh Khê cho rằng, hiện các trường THPT vừa thực hiện chương trình cũ đối với lớp 11, 12 vừa thực hiện song song chương trình mới đối với lớp 10 nên việc xây dựng nhiều tổ hợp đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của học sinh khó khả thi. “Nhà trường dự kiến xây dựng 10 tổ hợp môn, song song đó, định hướng, tư vấn cho học sinh lựa chọn tổ hợp môn phù hợp sở thích theo thứ tự ưu tiên. Nói thì dễ nhưng tôi biết khi triển khai bất cập như: tỷ lệ học sinh chọn tổ hợp này quá nhiều, tổ hợp kia ít dẫn đến thiếu giáo viên cục bộ. Nên tùy vào thực tế, chúng tôi lọc lại các tổ hợp môn cho phù hợp. Tôi nghĩ phải 3 năm nữa, khi các trường đồng bộ chương trình GDPT mới ở 3 khối lớp, khi đó học sinh được lựa chọn môn học, nội dung học như đúng tinh thần đổi mới”, thầy Khánh nói.
Tương tự, Trường THPT Sơn Trà căn cứ điều kiện đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất dự kiến đưa ra 6 tổ hợp môn cho học sinh lựa chọn, nhưng cơ bản tập trung những môn có sẵn giáo viên. “Theo khảo sát, đa số học sinh nhà trường học tốt các môn khoa học xã hội nên ưu tiên nhóm sử, địa, giáo dục kinh tế; nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật, ưu tiên môn Công nghệ và Tin học; riêng Âm nhạc và Mỹ thuật không đưa vào do không có giáo viên. Chúng tôi đã họp ban giám hiệu nghiên cứu, định hướng các phương án kỹ vì quá mới mẻ. Đến đầu năm học, nhà trường tổ chức họp phụ huynh và học sinh trúng tuyển lớp 10 để tư vấn, đăng ký mẫu”, thầy Bùi Minh Quảng, Hiệu trưởng Trường THPT Sơn Trà thông tin.
Bà Lê Thị Bích Thuận, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thành phố cho biết, chuẩn bị cho chương trình GDPT 2018, sở tổ chức tập huấn cán bộ và giáo viên các bậc học. Đối với cấp THPT, 71/75 cán bộ quản lý, 1.598/1.613 giáo viên tham gia và hoàn thành các mô đun 1, 2, 3. Sở tiếp tục phối hợp Học viện Quản lý giáo dục, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) bồi dưỡng đại trà các mô đun 4, 5, 9 cho cán bộ quản lý và giáo viên.
Đồng thời, sở kiến nghị Bộ GD&ĐT có hướng dẫn đối với phương án tổ chức thực hiện chương trình THPT, trong đó có vấn đề thực hiện môn học lựa chọn của học sinh gắn với chuẩn bị đội ngũ và bố trí, phân công thực hiện nội dung này của các nhà trường; hướng dẫn định mức, cơ cấu giáo viên các môn học theo chương trình giáo dục phổ thông mới, đặc biệt đối với các môn ghép để các địa phương có cơ sở thực hiện.
NGỌC HÀ