Giáo dục

Khôi phục hoạt động ngoại khóa cho học sinh

13:57, 07/05/2022 (GMT+7)

Ngay khi Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) có thông báo các trường được phép triển khai hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp từ giữa tháng 4, nhiều trường học trên địa bàn thành phố tổ chức hoạt động ngoại khóa cho học sinh, ưu tiên khối lớp có chương trình học liên quan nội dung giáo dục địa phương.

Giờ học ngoại khóa của học sinh Trường THCS Lê Hồng Phong (quận Hải Châu) tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm. Ảnh: NGỌC HÀ
Giờ học ngoại khóa của học sinh Trường THCS Lê Hồng Phong (quận Hải Châu) tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm. Ảnh: NGỌC HÀ

Sôi động hoạt động ngoại khóa

Từ giữa tháng 4, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng đón một số đoàn học sinh THCS trên địa bàn thành phố đến tham gia chương trình Giờ học tại bảo tàng, như THCS Lê Hồng Phong, THCS Tây Sơn, THCS Trưng Vương... Thầy Đặng Ngọc Lam, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Hồng Phong (quận Hải Châu) cho biết, nhà trường tận dụng tối đa tiết sinh hoạt dưới cờ vào đầu tuần để phổ biến lại cho học sinh nội dung về kỹ năng sống như bảo đảm an toàn trên không gian mạng, an toàn giao thông…

Riêng học sinh khối lớp 6 tham gia chương trình giờ học tại bảo tàng. Đây là nội dung của hoạt động trải nghiệm và giáo dục địa phương. “Theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, năm nay, lớp 6 học nội dung giáo dục địa phương liên quan đến các chủ đề: tên gọi Đà Nẵng qua các thời kỳ, di sản văn hóa vật thể ở thành phố…

Tuy nhiên, tình hình Covid-19 kéo dài nên các em chưa được trải nghiệm thực tế. Tranh thủ hoạt động giáo dục ngoài giờ tái khởi động, nhà trường tổ chức cho các em tham quan, học tập tại bảo tàng để củng cố kiến thức đã học”, thầy Lam chia sẻ.

Tương tự, Trường THCS Lương Thế Vinh (quận Liên Chiểu) triển khai môn học Hoạt động trải nghiệm cho học sinh khối lớp 6. Theo đó, tổ chức nhóm từ 3-5 lớp để học sinh khối lớp 6 có hoạt động trải nghiệm tại làng nghề nước mắm Nam Ô và di tích căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước. Trong khi đó, Trường THCS Nguyễn Văn Linh (xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang) phối hợp Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng tổ chức triển lãm tranh “Ký họa chiến trường Khu V”. Cô Nguyễn Thị Thanh Nga, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, đây cũng là hoạt động ngoài giờ thú vị, giới thiệu cho học sinh lịch sử Khu V anh hùng qua từng bức tranh. Hoạt động không chỉ giúp các em thư giãn tinh thần sau thời gian dài học trực tuyến mà qua đó, giáo dục tình yêu quê hương đất nước, niềm yêu thích với nghệ thuật hội họa trong học sinh.

Bảo tàng khởi động đón học sinh

Hiện các bảo tàng trên địa bàn thành phố tái khởi động nhiều chương trình phục vụ học sinh. Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng Nguyễn Thị Trinh cho biết, tháng 4 vừa qua, lần đầu tiên, bảo tàng phối hợp một đơn vị trường học tổ chức triển lãm tranh lưu động. Thời gian tới, bảo tàng đẩy mạnh hình thức này nhằm tạo điều kiện cho học sinh các trường vùng ven thành phố tiếp cận với hội họa.

Tương tự, anh Lý Hòa Bình, chuyên viên Phòng Giáo dục và Thuyết minh, Bảo tàng Điêu khắc Chăm cho biết, bảo tàng đang nỗ lực triển khai các chương trình và học liệu trực tuyến. Trên cơ sở này, các trường có thể linh động sắp xếp chương trình, cho học sinh tìm hiểu ở lớp hay ở nhà trước khi các em đến tham quan. Điều này giảm tải bớt áp lực cho học sinh khi đến tham quan trực tiếp, các em không phải ghi chép nhiều, đến bảo tàng chỉ để thưởng lãm và trao đổi là chính.

Trong khi đó, Bảo tàng Đà Nẵng tiếp tục triển khai Giờ học ngoại khóa tại bảo tàng. Các chuyên đề giáo dục của chương trình được xây dựng dựa trên nội dung trưng bày của Bảo tàng Đà Nẵng. Trên cơ sở này, các trường học lựa chọn chủ đề phù hợp với học sinh để đăng ký. Bên cạnh đó, chương trình “Ngược dòng ký ức” được tổ chức dưới hình thức “team building”, mỗi đội tham gia trả lời câu hỏi kiến thức liên quan đến nội dung trưng bày tại bảo tàng và một số trò chơi vận động.

Đối với chương trình “Kết nối di sản”, từ năm học 2021-2022, bảo tàng bắt đầu triển khai tổ chức hoạt động ngoại khóa cho học sinh tham gia học tập, trải nghiệm thực tế tại các địa chỉ đỏ, di tích trên địa bàn thành phố. Trong năm học này, địa điểm được chọn để thực hiện chương trình là di tích Nhà thờ Tiền hiền làng An Hải và Thoại Ngọc Hầu với chủ đề “Theo dấu chân tiền nhân”. “Thời gian qua, do ảnh hưởng Covid-19 nên các chương trình tạm gián đoạn. Chúng tôi tranh thủ củng cố, làm mới chương trình để phục vụ đối tượng học sinh tốt hơn. Từ tháng 4, học sinh bắt đầu tham gia các hoạt động tại bảo tàng trở lại”, Trưởng phòng Giáo dục - Truyền thông, Bảo tàng Đà Nẵng Trần Chuẩn cho biết.

NGỌC HÀ

.