Giáo dục
Các trường đại học rục rịch tăng học phí
Các trường đại học công lập trên địa bàn thành phố dự kiến tăng mức học phí cho khóa tuyển sinh năm 2022-2023 theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP ngày 27-8-2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.
Các trường đại học công lập trên địa bàn thành phố dự kiến tăng mức học phí cho khóa tuyển sinh năm 2022-2023 theo cơ chế quản lý thu, quản lý học phí của hệ thống giáo dục quốc dân. Ảnh: NGỌC HÀ |
Theo đó, mức trần học phí đối với các chương trình đào tạo đại trà trình độ đại học tại các cơ sở giáo dục công lập chưa tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư (chưa tự chủ) được áp dụng theo khối ngành, chuyên ngành đào tạo. Cụ thể, học phí khối ngành khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên là 12,5 triệu đồng/năm (tăng 2,7 triệu đồng); khối ngành nghệ thuật là 12 triệu đồng/năm (tăng 0,3 triệu đồng); khối ngành kinh doanh và quản lý, pháp luật là 12,5 triệu đồng/năm (tăng 2,7 triệu đồng); khối ngành khoa học sự sống, khoa học tự nhiên 13,5 triệu đồng/năm (tăng 0,8 triệu đồng); khối ngành toán và thống kê, máy tính và công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật 14,5 triệu đồng/năm (tăng 2,8 triệu đồng); khối ngành y dược 24,5 triệu đồng/năm (tăng 10,2 triệu đồng); các khối ngành sức khỏe khác 18,5 triệu đồng/năm (tăng 4,2 triệu đồng); khối ngành nhân văn, khoa học xã hội và hành vi, báo chí và thông tin, dịch vụ xã hội 12 triệu đồng/năm (tăng 2,2 triệu đồng).
Theo cách tính mới này, mức học phí của các cơ sở giáo dục đại học chưa tự chủ của 7 khối ngành tăng từ 3 - 10,2 triệu đồng/năm, tùy từng khối ngành. Với cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên (tự chủ), mức học phí được xác định tối đa bằng 2 lần mức trần học phí với các cơ sở chưa tự chủ. Với cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (tự chủ hoàn toàn), mức học phí được xác định tối đa bằng 2,5 lần mức trần học phí với trường chưa tự chủ.
Thực hiện Nghị định 81/2021/NĐ-CP, các trường đại học công lập trên địa bàn thành phố xây dựng lộ trình học phí từ năm học 2022-2023. Năm học 2021-2022, học phí tại Trường Đại học (ĐH) Kinh tế, ĐH Đà Nẵng có ba mức 12,5 triệu đồng/năm, 16,5 triệu đồng/năm và 19,5 triệu đồng/năm tùy theo 3 nhóm ngành học.
Mức thu học phí từ năm 2022-2023 trở về sau có thể tăng theo lộ trình; trong năm 2022-2023, đối với chương trình đào tạo đại trà, nhà trường đưa ra phương án cho 2 nhóm với mức thu lần lượt 21 triệu đồng/năm đối với nhóm chương trình đào tạo đại học đã kiểm định chất lượng, đào tạo trọng điểm và 18 triệu đồng/năm đối với nhóm các chương trình đào tạo khác. Đối với những năm học tiếp theo, nếu có sự thay đổi học phí, nhà trường bảo đảm mức tăng không quá 10% so với năm học trước liền kề, bảo đảm sự yên tâm cho phụ huynh và sinh viên khi tham gia học tại trường.
Mức học phí 2021-2022 của Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng đối với chương trình đào tạo đại học đại trà khoảng 11,7 triệu đồng/năm; chương trình tiên tiến với khóa tuyển sinh 2018, 2019, 2020 và 2021 khoảng 34 triệu đồng/năm; chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao Việt - Pháp (PFIEV) khóa 2020-2021 19 triệu đồng/năm.
Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Hải, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa, năm học 2022-2023 nhà trường sẽ không còn chương trình đại trà hay chất lượng cao; đồng thời là năm đầu tiên nhà trường chuyển sang tự chủ chi thường xuyên nên mức học phí có sự điều chỉnh. Theo đó, một số ngành có mức học phí tăng hơn so với năm ngoái, ngược lại một số ngành có mức giảm; mức tăng/giảm không nhiều.
Trong khi đó, các trường thành viên khác của ĐH Đà Nẵng cũng dự kiến tăng học phí nhưng mức tăng không đáng kể. PGS.TS Phan Cao Thọ, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng cho biết, Nghị định 81/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ năm học 2021-2022, tuy nhiên các trường công lập vẫn chưa tăng học phí do ảnh hưởng Covid-19. Học phí năm 2021-2022 của trường ở mức khoảng 11,7 triệu đồng/năm. Hiện trường đang xây dựng mức học phí cho năm học 2022-2023 trình hội đồng nhà trường, cơ bản học phí sẽ tăng, nhưng dưới mức 10%.
Đối với cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, Nghị định 81/2021/NĐ-CP cũng quy định cơ sở giáo dục dân lập, tư thục được quyền chủ động xây dựng mức thu học phí và giá các dịch vụ khác trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo (trừ dịch vụ do Nhà nước định giá) bảo đảm bù đắp chi phí và có tích lũy hợp lý, có trách nhiệm công khai, giải trình với người học và xã hội về mức thu học phí, giá các dịch vụ do mình quyết định. Đồng thời, có trách nhiệm thuyết minh chi phí giáo dục, mức thu học phí hằng năm, toàn khóa học đối với cơ sở giáo dục đại học; thuyết minh lộ trình và tỷ lệ tăng học phí các năm tiếp theo (tỷ lệ tăng hằng năm không quá 15% đối với đào tạo đại học).
Theo ghi nhận, năm học 2021-2022, mức học phí tại Trường Đại học Duy Tân đối với chương trình trong nước dao động 9,44 triệu - 11,52 triệu đồng/1 học kỳ; chương trình tài năng 11,52 triệu đồng/học kỳ; chương trình tiên tiến và quốc tế 12,8 triệu đồng - 13,120 triệu đồng/học kỳ; Dược sĩ đại học 16,48 triệu đồng/học kỳ, Y đa khoa, Răng - hàm - mặt 32 triệu đồng/học kỳ... Trường Đại học Đông Á xây dựng mức học phí theo tín chỉ, mỗi tín chỉ có đơn giá học phí là 550.000 đồng tương đương với 8,8 triệu đồng/kỳ và ổn định cho toàn khóa học.
Đến thời điểm này, các cơ sở giáo dục đại học dân lập vẫn chưa công bố mức học phí năm học 2022-2023. Tuy nhiên, Thạc sĩ Đỗ Anh Tuấn, Trưởng phòng Tuyển sinh, Trường Đại học Đông Á cho biết, chủ trương chung của nhà trường là không tăng học phí, nếu có thì khoảng 5-7% so với mức học phí năm 2021. Song song đó, nhà trường vẫn có các chính sách học bổng hỗ trợ sinh viên nhằm chia sẻ những khó khăn về tài chính. Lãnh đạo các trường đại học trên địa bàn thành phố cũng cho hay, sẽ công khai chi phí đào tạo, mức thu học phí và khoản thu dịch vụ khác khi có thông tin cụ thể.
NGỌC HÀ