Ngày 4-8, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức hội nghị về tự chủ đại học với sự tham dự của hơn 900 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; đại diện các hiệp hội, các tổ chức quốc tế; lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học trên cả nước.
Hội nghị có các nội dung gồm: báo cáo của Bộ GD&ĐT về kết quả thực hiện tự chủ đại học; 3 phiên thảo luận với hơn 20 tham luận thuộc 3 chủ đề: Chiến lược phát triển và hội nhập quốc tế; Đổi mới quản trị đại học và quản lý Nhà nước và nguồn lực cho phát triển giáo dục đại học; trao đổi, giải đáp các vấn đề còn vướng mắc, khó khăn trong thực hiện tự chủ đại học…
Qua đó, đánh giá kết quả đã đạt được trong triển khai tự chủ đại học, thẳng thắn nhìn nhận khó khăn, vướng mắc, xác định những nguyên nhân trọng yếu, từ đó định hướng lộ trình cùng những việc cần làm trong thời gian tới.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, trong quá trình triển khai tự chủ đại học, thời gian qua vẫn có những vướng mắc, bộc lộ những hạn chế, khó khăn là điều khó tránh khỏi. Những khó khăn này do nhiều nguyên nhân khác nhau, từ hệ thống văn bản pháp luật chưa đồng bộ đến thói quen cũ, tư duy cũ. Theo đó, thay đổi mạnh mẽ trong nhận thức, tư duy và hành động tự chủ đại học được kỳ vọng sẽ là dẫn dắt hành trình bứt phá của giáo dục đại học. Trong 5 năm tới, giai đoạn 2022-2026, định hướng trọng tâm là đẩy mạnh nhận thức, quan điểm về tự chủ đại học theo đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn, đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn.
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, hiện đã có 142/232 trường đại học đủ điều kiện tự chủ. Trong đó, 32,76% trường đại học tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (nhóm 1); 13,79% trường tự bảo đảm chi thường xuyên (nhóm 2).
NGỌC HÀ