Giáo dục

Hỗ trợ giáo dục mầm non cho con công nhân ở địa bàn khu công nghiệp

10:45, 28/09/2022 (GMT+7)

Đà Nẵng là 1 trong 39 địa phương ban hành nghị quyết triển khai thực hiện và có mức chi cao hơn so với Nghị định số 105/2020/NĐ-CP ngày 8-9-2020 của Chính phủ về chính sách phát triển giáo dục mầm non. Trong đó, Công đoàn thành phố vào cuộc tích cực để đưa chính sách đến đúng đối tượng. Đây là đánh giá của lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tại buổi làm việc mới đây với LĐLĐ thành phố về kết quả 2 năm thực hiện Nghị định số 105/2020/NĐ-CP trên địa bàn thành phố.

Đoàn công tác Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khảo sát tình hình thực hiện Nghị định số 105 tại thành phố Đà Nẵng trong tháng 9-2022. Ảnh: P.HÀ
Đoàn công tác Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khảo sát tình hình thực hiện Nghị định số 105 tại thành phố Đà Nẵng trong tháng 9-2022. Ảnh: P.HÀ

Chính sách nhân văn

Sau khi Nghị định số 105/2020/NĐ-CP có hiệu lực, Ban Thường vụ LĐLĐ thành phố chỉ đạo tuyên truyền trên website Công đoàn thành phố, các trang fanpage, các nhóm trao đổi thông tin của hệ thống Công đoàn. Đồng thời phối hợp các sở, ngành có liên quan tham mưu lãnh đạo thành phố cụ thể hóa nội dung nghị định. HĐND thành phố khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 ban hành Nghị quyết số 38/2021/NQ-HĐND ngày 12-8-2021 “Quy định chính sách đối với trẻ em mầm non, giáo viên mầm non tại các cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục liên quan đến khu công nghiệp (KCN)  trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”.

Theo đó, mức hỗ trợ của thành phố dành cho trẻ em đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục có cha hoặc mẹ hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng là công nhân đang làm việc tại các KCN là 200.000 đồng/trẻ/tháng (quy định của Nghị định số 105/2020/NĐ-CP là 160.000 đồng/trẻ/tháng). Mức hỗ trợ đối với giáo viên đang làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục ở địa bàn có KCN là 800.000 đồng/người/tháng (bằng mức quy định của Nghị định số 105/2020/NĐ-CP).

Tính đến tháng 3-2022, có 6.896 trẻ em được hỗ trợ với tổng kinh phí dự kiến hơn 1,852 tỷ đồng; có 388 giáo viên được đề xuất hỗ trợ với tổng kinh phí dự kiến 540,4 triệu đồng. Hiện nay, phòng giáo dục và đào tạo các quận, huyện đã và đang thực hiện hỗ trợ cho các đối tượng được thụ hưởng chính sách. Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Liên Chiểu cho biết, đơn vị tổng hợp danh sách hỗ trợ từ tháng 3-2022 và có 243 giáo viên, 5.671 trẻ em được thụ hưởng chính sách.

Trong khi đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Sơn Trà đã rà soát 7 trường mầm non ngoài công lập và các nhóm lớp độc lập tư thục tại 5 phường để bảo đảm hồ sơ theo yêu cầu, không bỏ sót đối tượng. Kết quả có 6 giáo viên và 266 trẻ được đề xuất hưởng chính sách với kinh phí hơn 177 triệu đồng. 

Cô Trần Thị Lan, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Việt Anh (quận Liên Chiểu) cho biết: “Trường đóng chân tại địa bàn có KCN . Hai  năm dịch bệnh khiến nhà trường và giáo viên gặp rất nhiều khó khăn. Nghị định số 105/2020/NĐ-CP và sát sườn nhất là Nghị quyết số 38/2021/NQ-HĐND của HĐND thành phố là sự động viên rất lớn đối với giáo viên. Đặc biệt, với gần 50% học sinh trong trường là con công nhân lao động, các phụ huynh thực sự rất phấn khởi khi được nhà trường tổng hợp báo cáo danh sách cho cấp có thẩm quyền để xét hỗ trợ cho các cháu”.

Tiếp tục hỗ trợ công nhân, người lao động

Tại buổi khảo sát của Tổng LĐLĐ Việt Nam về việc đánh giá tình hình Công đoàn tham mưu thực hiện Nghị định số 105/2020/NĐ-CP, bà Thái Thu Xương, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam ghi nhận: Đà Nẵng là 1 trong 39 tỉnh, thành phố đã ban hành nghị quyết triển khai thực hiện, có mức chi cao hơn so với nghị định và Công đoàn thành phố đã có sự vào cuộc để đưa chính sách đến đúng với đối tượng. Đây là thuận lợi và là niềm phấn khởi lớn đối với người lao động.

Tuy nhiên, Công đoàn thành phố nhìn nhận việc thực hiện nghị định vẫn còn nhiều khó khăn. Ban đầu, đó là việc chính sách chưa được tuyên truyền đến đúng đối tượng thụ hưởng do ảnh hưởng của dịch bệnh. Một số địa phương không có khu công nghiệp chủ quan không có đối tượng hưởng chính sách nên chưa được quan tâm đúng mức. Đặc biệt, trong thủ tục, hồ sơ để người lao động nhận được hỗ trợ cần có sự xác nhận của doanh nghiệp. Trong khi đó, thời gian qua, lao động vướng vào tín dụng đen nhiều khiến chủ doanh nghiệp bị ảnh hưởng, dẫn đến tình trạng chủ doanh nghiệp e ngại khi ký xác nhận.

Ngoài ra, Công đoàn không trực tiếp triển khai thực hiện chính sách nên bị động ở khâu tổng hợp, báo cáo. Theo Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Đinh Thị Thanh Hà, Nghị định số 105/2020/NĐ-CP là chính sách nhân văn. Vì vậy, LĐLĐ thành phố sẽ tiếp tục triển khai chính sách đến đoàn viên, người lao động đúng đối tượng được thụ hưởng và xây dựng chuyên đề giám sát việc triển khai thực hiện nội dung này.

P.HÀ

.