Giáo dục

Học sinh lớp 10 trải nghiệm Chương trình giáo dục phổ thông 2018

08:13, 22/09/2022 (GMT+7)

Theo lộ trình, năm học 2022-2023, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 lần đầu triển khai đối với lớp 10. Có thể thấy, mặc dù kiến thức trong chương trình mới tương đối nặng, nhưng học sinh hào hứng hơn và đòi hỏi cả giáo viên và học sinh thích nghi, đổi mới để bảo đảm chất lượng dạy và học.

Học sinh lớp 10 hào hứng với chương trình mới trong năm học 2022-2023.  Ảnh: NGỌC HÀ
Học sinh lớp 10 hào hứng với chương trình mới trong năm học 2022-2023. Ảnh: NGỌC HÀ

Hào hứng với chương trình mới

Sau hai tuần học chương trình mới, em Liên Lê Anh Thư (học sinh lớp 10 Trường THPT Phan Châu Trinh) tỏ ra khá hào hứng. Anh Thư chia sẻ, Chương trình GDPT 2018 lớp 10 khá mới và nặng nhưng thú vị. Điều mới mẻ mà em cảm nhận được là những kiến thức được chọn lọc kỹ và mục tiêu hướng đến là định hướng nghề nghiệp trong từng môn học.

“Em ấn tượng nhất là môn Văn. Đầu tiên là sách được thiết kế rất đẹp, cấu trúc bài học cũng khác lạ so với trước đây. Chúng em học theo chủ đề và tập trung vào kỹ năng đọc, viết, phương pháp làm bài, qua đó có thể linh hoạt áp dụng trong tất cả tác phẩm; đồng thời kích thích học sinh thể hiện quan điểm và khắc phục việc học thuộc lòng theo văn mẫu”, Thư bày tỏ.

Với em Nguyễn Đỗ Bảo Trâm (học sinh lớp 10 Trường THPT Hoàng Hoa Thám), chương trình mới kích thích sự tìm tòi, học hỏi, giúp học sinh chủ động học tập nhiều hơn, giảm sự thụ động nghe giảng một chiều từ thầy cô.

Điều này đòi hỏi học sinh phải tự tìm hiểu kiến thức trong sách giáo khoa trước mỗi buổi học, giờ học trên lớp thầy cô chủ yếu dành thời gian giảng giải những thắc mắc và thảo luận. Hơn nữa, trong mỗi bài học ở các môn, thầy cô luôn đặt ra những câu hỏi gắn liền thực tiễn, giúp học sinh hình dung ra kiến thức đó áp dụng vào cuộc sống như thế nào, từng bước khơi gợi định hướng nghề nghiệp.

Điểm mới nổi bật trong Chương trình GDPT 2018 đối với học sinh lớp 10 năm học 2022-2023 là học sinh được học môn lựa chọn Âm nhạc và Mỹ thuật. Là một trong hai trường THPT của thành phố triển khai 2 môn học này, Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến đã mang lại cảm giác mới lạ cho học sinh nhà trường.

Cô Trần Thị Kim Vân, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, với môn lựa chọn, học sinh có thể chọn một trong số hai môn này. Ví dụ như trường có nhóm lớp gồm môn lựa chọn là Lý - Hóa - Sinh - Mỹ thuật hoặc Lý - Hóa - Sinh - Âm nhạc, Lý - Hóa - Tin - Mỹ thuật. “Điều thú vị là trừ một số ít học sinh chọn học Mỹ thuật hoặc Âm nhạc theo định hướng nghề nghiệp sau này như thi vào các ngành đồ họa, kiến trúc, thiết kế hoặc theo sư phạm âm nhạc, sư phạm mầm non, thì gần như các em chọn môn học này để giảm bớt áp lực học hành”, cô Kim Vân nhận xét.

Một tiết học của học sinh lớp 10, Trường THPT Hoàng Hoa Thám. Ảnh: NGỌC HÀ
Một tiết học của học sinh lớp 10, Trường THPT Hoàng Hoa Thám. Ảnh: NGỌC HÀ

Từng bước thích nghi

Khi bắt tay triển khai Chương trình GDPT 2018, các trường phải dựa trên điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để đưa ra các nhóm tổ hợp cho học sinh lựa chọn. Tùy nhu cầu của học sinh, mỗi trường sẽ có các nhóm định hướng khoa học tự nhiên (KHTN), khoa học xã hội (KHXH).

Thầy Nguyễn Bá Hảo, Hiệu trưởng Trường THPT Phạm Phú Thứ (huyện Hòa Vang) cho biết, nhà trường có 2 lớp chọn nhóm định hướng khoa học tự nhiên (KHTN) 1, 2 lớp chọn nhóm định hướng KHTN 2 và 2 lớp chọn nhóm định hướng KHTN 3.

Trong đó, nhóm định hướng KHTN 3 có các môn học lựa chọn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật ít học sinh đăng ký, nhà trường sẽ xếp cùng với nhóm định hướng KHTN 1, 2 học nâng cao Toán, Vật lý, Hóa học. Nhóm định hướng (KHXH) 1 gồm 2 lớp, nhóm định hướng KHXH 2 gồm 2 lớp và nhóm định hướng KHXH 3 với các môn học lựa chọn Địa lý, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật , Sinh học và Công nghệ chỉ có 1 lớp.

“Với chương trình mới, học sinh không bắt buộc học tất cả các môn mà có quyền lựa chọn một số môn theo sở trường và định hướng nghề nghiệp. Việc số môn học giảm đi, số tiết học mỗi môn tăng lên sẽ giúp học sinh tiếp thu kiến thức sâu hơn, đầy đủ hơn. Nhà trường đã chuẩn bị kế hoạch đầy đủ về cơ sở vật chất, con người cho Chương trình GDPT mới nên đến thời điểm hiện tại cơ bản ổn và tùy vào tình hình thực tế sẽ có những điều chỉnh phù hợp”, thầy Hảo cho hay.

Đội ngũ giáo viên, thầy cô cũng đổi mới để bảo đảm chất lượng dạy học. Thầy Đặng Văn Mười (Trường THPT Sơn Trà, quận Sơn Trà ) chia sẻ, chương trình Vật lý lớp 10 kể từ năm học 2022-2023 có nhiều điểm mới hơn so với các năm trước như: việc tiếp cận kiến thức vật lý của học sinh chú trọng vào bản chất, ý nghĩa thực tiễn, giúp học sinh phát triển tư duy khoa học dưới góc độ vật lý.

Đồng thời, giúp học sinh phát triển năng lực của bản thân như tìm tòi, khám phá, thông qua các nội dung thí nghiệm, thực hành, trải nghiệm; từ đó, học sinh định hướng nghề nghiệp gắn liền với bộ môn Vật lý. Với sự đổi mới này, giáo viên cần phát huy tính tích cực chủ động sáng tạo trong học sinh. Vận dụng một cách linh hoạt các phương pháp, tổ chức hoạt động dạy học tùy vào từng đối tượng học sinh trong lớp, trong trường học.

“Với phần ứng dụng thực tế ở một số môn học tăng, thì ngoài đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất là một trong những thành tố cơ bản trong quá trình dạy học, giúp giáo viên nâng cao chất lượng tiết học”, thầy Mười chia sẻ.

NGỌC HÀ

.