Nhiều trường tiểu học ở quận Hải Châu cho học sinh nghỉ chiều thứ Sáu vì thiếu giáo viên

.

Tuần đầu tiên của năm học 2022-2023, quận Hải Châu chỉ có 4/18 trường tiểu học duy trì được dạy học 10 buổi/tuần cho học sinh tiểu học. Nếu không có giải pháp hợp lý, thì mục tiêu 100% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày có nguy cơ bị phá vỡ.

Học sinh Trường Tiểu học Phù Đổng (quận Hải Châu) trong giờ học. Ảnh: NGỌC HÀ
Học sinh Trường Tiểu học Phù Đổng (quận Hải Châu) trong giờ học. Ảnh: NGỌC HÀ

Nhiều trường tiểu học thuộc quận Hải Châu đã thông báo với phụ huynh về sự thay đổi trong kế hoạch dạy học. Theo đó, học sinh tiểu học thay vì học 10 buổi/tuần thì chỉ còn 9 buổi/tuần, nghĩa là học sinh tiểu học phải nghỉ một buổi chiều thứ Sáu hằng tuần. Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Núi Thành cho biết, số giáo viên của trường chỉ có thể tổ chức được 32 tiết/ tuần.

Theo tính toán, nhà trường cần bổ sung 9 biên chế giáo viên, nhưng đầu năm học này, nhà trường chỉ tiếp nhận được 6 người. Kinh phí được cấp trên tổng số giáo viên và học sinh nên nhà trường không thể hợp đồng thêm để bảo đảm tổ chức dạy học 10 buổi/tuần.

Tương tự, học sinh Trường Tiểu học Lê Lai cũng chỉ học 9 buổi/tuần và nghỉ học vào chiều thứ Sáu do thiếu giáo viên. Cô Trần Thị Tường Vi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Lai cho biết, với tổng số 20 lớp, để tổ chức dạy học 10 buổi/tuần, nhà trường cần 1,59/ giáo viên/lớp. Tuy nhiên, theo tỷ lệ giáo viên/học sinh mà Phòng Nội vụ quận phê duyệt cho nhà trường thì chỉ có 1,5 giáo viên/lớp. Nhưng trên thực tế, số giáo viên dạy văn hóa của nhà trường chỉ đạt 1,45 giáo viên/lớp.

Hiện nay, dù đã tổ chức dạy học 9 buổi/tuần nhưng nhà trường vẫn phải bố trí giáo viên dạy tăng thay cho các chức danh kiêm nhiệm như: Chủ tịch Công đoàn, giáo viên chủ nhiệm. Trong xây dựng lại thời khóa biểu của nhà trường đã không còn các tiết học tăng cường nữa.

“Chúng tôi cũng không thể chủ động hợp đồng thêm giáo viên, bởi hợp đồng là phải trong chỉ tiêu giao, nếu như ngoài chỉ tiêu giao thì phải đúng định biên. Thực tế với định biên được giao 1,5 giáo viên/lớp (kể cả phụ trách đội) nhà trường không đủ người dạy 10 buổi. Nhà trường nếu có hợp đồng thêm giáo viên cũng không thể vượt định biên 1,5 giáo viên/lớp, vì không thể trả lương. Do đó, chúng tôi đang chờ văn bản hướng dẫn cho quản lý học sinh ngoài giờ, tổ chức cho các em học kỹ năng, ôn tập kiến thức... có thu phí cho buổi học chiều thứ Sáu. Phải tìm cách “xoay” thôi”, cô Vi nói.

Tại Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, cô Ngô Thị Lệ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, sau khi thông báo học sinh phải nghỉ học chiều thứ Sáu, nhà trường phải tìm cách lý giải cho phụ huynh học sinh. Theo cô Lệ, nhà trường rơi vào tình trạng không đủ giáo viên để phân bổ các tiết dạy. Hiện nay, chương trình dạy 9 buổi/ tuần đã dư so với chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT).

Cụ thể, lớp 1, 2 chỉ có 25 tiết/tuần (hiện đang dạy 32 tiết/tuần), lớp 3 có 28 tiết/tuần (hiện đang 32 tiết/tuần); lớp 4 và 5 có 30 tiết/tuần (hiện đang 32 tiết/tuần). Cô Lệ cho biết: Mấy năm trước, cũng chừng đó giáo viên được giao, chúng tôi vẫn bảo đảm 10 buổi/tuần là nhờ đưa môn tiếng Anh vào các buổi học chính khóa bằng hình thức xã hội hóa. Tuy nhiên năm nay, theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT, môn tiếng Anh ở khối lớp 1-2 không còn xã hội hóa, điều này khiến các số tiết bị trụt lại, nên nhà trường phải cho học sinh nghỉ vào chiều thứ Sáu.

Giải pháp hiện nay là phải bổ sung giáo viên môn tiếng Anh cho nhà trường, nhưng chắc chắn sẽ khó vì còn thi tuyển. Có thể chậm nhất là 1 học kỳ hoặc cả năm học sinh mới học đủ 10 buổi/tuần; muốn sớm hơn cần phải tính toán phương án xã hội hóa trên cơ sở xây dựng giá dịch vụ, thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh.

Theo ghi nhận, các trường tiểu học trên địa bàn quận Hải Châu đang thiếu giáo viên để tổ chức 10 buổi/tuần xuất phát từ hai nguyên nhân chính. Đó là cách tính của Phòng Nội vụ quận, khi xem vị trí việc làm tổng phụ trách Đội là một biên chế giáo viên.

Trong khi đó, trên thực tế, ngoài công việc liên quan đến hoạt động Đội thì tổng phụ trách chỉ đảm nhận thêm 2 tiết dạy/tuần để đủ số giờ đứng lớp. Điều này dẫn đến tình trạng thay vì bảo đảm hệ số 1,5 giáo viên/lớp, trường nào cao nhất mới chỉ đạt được 1,46, còn lại là 1,4 hoặc 1,42. Đồng thời, năm học 2022-2023, theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT, môn tiếng Anh ở khối lớp 1-2 sẽ là môn học tự chọn, ngân sách Nhà nước sẽ đảm bảo toàn bộ. Trong khi đó, những năm học trước đây, cùng với môn học kỹ năng sống thì đây là môn học được các trường tổ chức theo hình thức xã hội hóa.

Ông Đỗ Bá Hy, Phó trưởng phòng GD&ĐT quận Hải Châu xác nhận, tuần đầu tiên của năm học 2022-2023, đa số các trường tiểu học trên địa bàn quận nghỉ học chiều thứ Sáu (chỉ có 4 trường có học cả chiều thứ Sáu). Hiện đã có công văn của sở cho phép các trường sử dụng kinh phí 25% để hợp đồng giáo viên; do đó, có thể tổ chức đủ 10 buổi/tuần trong thời gian tới. Phòng GD&ĐT quận sẽ nắm thêm thông tin và có phản hồi cụ thể.

NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.