Giáo dục

Dư địa thu hút đầu tư vào lĩnh vực giáo dục - đào tạo

13:20, 08/10/2022 (GMT+7)

Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” xác định mục tiêu xây dựng thành phố trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á, trong đó có vai trò là trung tâm về giáo dục - đào tạo.

Nhiều doanh nghiệp trong nước đầu tư thành công trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, tiêu biểu là Tập đoàn FPT với hệ thống đào tạo liên cấp phổ thông lẫn đại học. Trong ảnh: Hạ tầng cơ sở giáo dục - đào tạo của Tập đoàn FPT tại phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn. Ảnh: TRIỆU TÙNG
Nhiều doanh nghiệp trong nước đầu tư thành công trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, tiêu biểu là Tập đoàn FPT với hệ thống đào tạo liên cấp phổ thông lẫn đại học. TRONG ẢNH: Hạ tầng cơ sở giáo dục - đào tạo của Tập đoàn FPT tại phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Kiến tạo hệ sinh thái học thuật

Với mong muốn kiến tạo hệ sinh thái học thuật tri thức tại Đà Nẵng và khu vực miền Trung - Tây Nguyên, thành phố đã ban hành nhiều chính sách tập trung phát triển cơ sở hạ tầng giáo dục và có chủ trương chuẩn bị sẵn các quỹ đất kêu gọi đầu tư các dự án giáo dục chất lượng cao, tiêu chuẩn quốc tế trên địa bàn thành phố. Trong định hướng kế hoạch của thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thành phố đặt mục tiêu trở thành trung tâm phát triển nguồn lao động chất lượng cao.

Theo đó, chú trọng đào tạo các ngành nghề trọng điểm mũi nhọn như kỹ sư (điện tử - viễn thông, tự động hóa, công nghệ sinh học, cơ khí...); công nghệ thông tin và truyền thông; y - dược; du lịch và tài chính - ngân hàng. Nhu cầu theo học các chương trình chất lượng cao, tiêu chuẩn quốc tế ngày càng tăng không chỉ riêng của phụ huynh thành phố Đà Nẵng, học sinh ở các tỉnh lân cận mà còn của cộng đồng người nước ngoài, doanh nhân đến Đà Nẵng làm việc và định cư lâu dài, mở ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực giáo dục - đào tạo.

Dư địa để thành phố thu hút nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực giáo dục - đào tạo xuất phát từ tiềm năng phát triển. Ngoài hệ thống giáo dục công lập phát triển mạnh, để đáp ứng nhu cầu học tập và đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế, thành phố hiện nay có trên 9 trường quốc tế đào tạo các cấp học từ mầm non đến đại học, giảng dạy các chương trình chất lượng cao, hội nhập song ngữ, song bằng quốc tế... Một số trường quốc tế đang hoạt động tại Đà Nẵng bao gồm: Trường quốc tế Hoa Kỳ APU, Trường quốc tế Singapore SIS, Đại học Greenwich, Viện Nghiên cứu và đào tạo Việt - Anh VNUK, Trường mầm non quốc tế Fuji Infinity…

Kế thừa mạng lưới cơ sở vật chất đào tạo hiện có, Đà Nẵng được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển giáo dục và đào tạo cho không chỉ nội bộ thành phố mà còn cho các tỉnh lân cận. Hiện nay, dân số thành phố khoảng 1.195.490 người với tốc độ tăng trưởng hằng năm là 2,22%, trong đó dân số dưới 24 tuổi đạt gần 500.000 người, chiếm 40% dân số toàn thành phố.

Dự báo đến năm 2030, dân số Đà Nẵng đạt hơn 1,5 triệu người với tốc độ tăng trưởng dân số đạt 2,95%. Số lượng học sinh đang theo học các cấp từ mầm non đến THPT đạt hơn 270.000 học sinh, trong đó học sinh khối tiểu học chiếm đa số với gần 110.000 học sinh (đạt 40%). Ngoài ra, những năm gần đây, số lượng người nước ngoài đến thành phố sinh sống và làm việc có chiều hướng gia tăng, đạt 4.800 người vào năm 2021 nên nhu cầu học tập của con em người nước ngoài tại Đà Nẵng cũng nhiều.

Lợi thế đầu tư giáo dục quốc tế tại Đà Nẵng

Thời gian qua, UBND thành phố đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư và điều kiện sống tối ưu cho người dân. Giám đốc Trung tâm Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư Huỳnh Liên Phương cho biết, chính quyền thành phố cam kết cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và cơ chế chính sách theo hướng năng động, hiệu quả. Mặt khác, thành phố triển khai thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp và nhà đầu tư trong quá trình thành lập và mở rộng dự án tại thành phố; thường xuyên cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình trong việc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp ...

Hiện Đà Nẵng không chỉ là điểm đến đầu tư tiềm năng của doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước nói chung mà còn là điểm đến đầy tiềm năng cho đầu tư giáo dục chất lượng cao nói riêng với nhiều cơ hội và lợi thế. Tại thành phố Đà Nẵng, hiện nay, nhu cầu và khả năng chi trả cho nền giáo dục chất lượng cao ngày một gia tăng cũng như xu hướng lựa chọn trường học cho con đang có một sự dịch chuyển đáng kể.

Cụ thể, trong những năm gần đây, nhu cầu theo học trường tư thục của người dân thành phố gia tăng mạnh mẽ khi số học sinh nhập học trường tư thục năm 2020 đạt 8.445 học sinh, gấp đôi số học sinh học trường tư thục năm 2016 là 4.000, gấp 3 lần số học sinh nhập học trường tư thục năm 2012. Hơn nữa, phụ huynh đang có xu hướng lựa chọn trường quốc tế tại địa phương với chất lượng và bằng cấp tương đương thay vì đi du học nước ngoài bởi chi phí để theo học trường quốc tế tại địa phương chỉ bằng 40% so với học phí khi đi du học tại nước ngoài. Việc xây dựng trường giáo dục chất lượng cao không chỉ đáp ứng nhu cầu của học sinh nội thành Đà Nẵng mà còn cho các tỉnh lân cận cũng như cộng đồng người nước ngoài đến làm việc và định cư tại thành phố.

TRIỆU TÙNG

.