Sáp nhập các điểm trường: Tạo môi trường học tập tốt hơn

.

Một số trường mầm non, tiểu học có nhiều điểm trường cơ sở, gây khó khăn cho công tác quản lý. Trong đề án phát triển mạng lưới trường lớp giai đoạn 2021-2025, nhiều địa phương đề nghị sáp nhập các điểm trường nhằm tạo thuận lợi trong việc quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Một cơ sở Trường Mầm non Rạng Đông nằm trong khu dân cư chật hẹp ở quận Sơn Trà. Ảnh: NGỌC HÀ
Một cơ sở Trường Mầm non Rạng Đông nằm trong khu dân cư chật hẹp ở quận Sơn Trà. Ảnh: NGỌC HÀ

Tại phường Thọ Quang (quận Sơn Trà), Trường Mầm non Rạng Đông hiện có 5 cơ sở nằm rải rác ở nhiều tuyến đường khác nhau như: Nguyễn Gia Trí, Trần Thuyết, Phan Bá Phiến, Nguyễn Phan Vinh. Năm học 2022-2023, nhà trường chỉ đưa vào sử dụng 4 cơ sở với hơn 560 cháu, phân bổ cho 19 lớp. 1 cơ sở tạm thời ngưng hoạt động do không huy động được trẻ ra lớp.

Bà Nguyễn Thị Minh Tâm, Hiệu trưởng Trường Mầm non Rạng Đông, chia sẻ: “5 cơ sở nằm rải rác ở nhiều nơi khiến chúng tôi gặp nhiều bất tiện trong công tác quản lý, tổ chức bán trú cho trẻ, nhất là trong mùa mưa bão.

Hơn nữa, tâm lý phụ huynh cũng mong muốn cho con học tại cơ sở chính khang trang, rộng rãi nên các cơ sở còn lại rất khó tuyển sinh. Năm học này, các ngành chức năng, đoàn thể vận động phụ huynh mới bảo đảm trẻ tại các cơ sở này”.

Qua rà soát, đến năm 2025, tổng số học sinh toàn Trường Mầm non Rạng Đông dự kiến tăng lên 800 học sinh/27 lớp. Để đáp ứng nhu cầu dạy và học, trường cần mở rộng diện tích lên khoảng 8.000m2, bình quân 10m2/1 học sinh (theo chuẩn chung mới của Bộ GD&ĐT). UBND quận Sơn Trà đã đề xuất mở rộng cơ sở chính Trường Mầm non Rạng Đông (sau khi Trường Tiểu học Nguyễn Phan Vinh cơ sở 2 ngay bên cạnh trường gộp vào cơ sở số 1).

Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quận Sơn Trà Võ Trung Minh, việc tồn tại nhiều điểm trường có thể xuất phát từ mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ ở một địa bàn khu dân cư. Tuy nhiên, đến nay, đường sá đi lại thuận tiện; trẻ mầm non đến trường không chỉ được chăm sóc, dạy dỗ mà còn cần cơ sở vật chất, không gian rộng rãi để phát triển toàn diện. Việc gộp chung các cơ sở mầm non về “một mối” là điều cần thiết.

Tương tự, trên địa bàn quận Thanh Khê, Trường Mầm non Phong Lan (phường Tam Thuận) hiện có 4 cơ sở, đều nằm trong các kiệt, hẻm đường Trần Cao Vân. Thực hiện đề án xây dựng nâng cấp mở rộng trường học giai đoạn 2021-2025, UBND quận Thanh Khê đề xuất dành quỹ đất tại địa chỉ 83 Trần Cao Vân để xây dựng trường, gộp 4 cơ sở nhỏ, lẻ hiện nay thành mộ. “Quận Thanh Khê có diện tích nhỏ, mật độ dân số đông.

Do đó, UBND quận chủ trương sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non nhỏ lẻ, rà soát quỹ đất, chọn các khu đất còn trống, đất giải tỏa, hoán đổi đất cho các hộ dân để mở rộng, nâng cấp các trường mầm non, tiểu học và THCS.

Việc đề xuất dành quỹ đất tại địa chỉ 83 Trần Cao Vân được phê duyệt là phù hợp với nhu cầu thực tiễn của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao chất lượng giáo dục, tạo sự hưởng thụ giáo dục cho con em của người dân tại khu vực này”, bà Lê Thị Hoàng Chinh, Trưởng phòng GD&ĐT quận Thanh Khê, nói.

Là địa bàn có nhiều điểm trường, từ năm 2018, UBND huyện Hòa Vang ban hành kế hoạch thực hiện dồn ghép điểm trường của các trường tiểu học và mầm non công lập thuộc huyện. Tính đến năm học 2021-2022, huyện đã thực hiện giảm 21 điểm trường, dồn ghép 5 điểm trường ở bậc mầm non và tiểu học. Thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện dồn, ghép các điểm trường phù hợp với thực tiễn.

Ông Lê Văn Hoàng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hòa Vang, cho biết các điểm trường lớn đã được đầu tư hoàn thiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, công trình vệ sinh, công trình nước sạch, đồ dùng, đồ chơi sạch, đẹp. Khi dồn ghép các điểm trường nhỏ, lẻ về điểm trường lớn đã đáp ứng nhu cầu vui chơi, học tập của các em học sinh.

“Việc dồn ghép điểm trường giúp nhà trường chủ động trong việc sắp xếp đội ngũ giáo viên đứng lớp đáp ứng được yêu cầu dạy và học theo quy định của Bộ GD&ĐT. Các điểm trường sau khi dồn ghép cũng được các xã đề xuất sử dụng làm khu vui chơi cho trẻ em, nhà văn hóa thôn, nhà sinh hoạt cộng đồng, tạo sự hưởng thụ cho người dân”, ông Hoàng nhìn nhận.

NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.