Giáo dục
Các trường đại học công lập tăng học phí theo lộ trình
Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo lưu ý cả hệ thống giáo dục đại học công lập về việc không tăng học phí, giữ nguyên mức thu của năm 2021 theo chủ trương của Chính phủ, do khó khăn sau hai năm Covid-19. Tuy nhiên, thực hiện Nghị định 81/2021/NĐ-CP, nhiều trường đã thông báo mức thu học phí năm học 2022-2023 tăng so với năm trước.
Nhiều trường đã thông báo mức thu học phí năm học 2022-2023 tăng so với năm trước. TRONG ẢNH: Sinh viên Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt Hàn trong một giờ học thực hành. Ảnh: NGỌC HÀ |
Nghị định 81/2021/NĐ-CP ngày 27-8-2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo; các trường ĐH công lập được xây dựng lộ trình học phí trong mức cho phép tùy thuộc vào loại hình cơ sở giáo dục công lập chưa tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư (chưa tự chủ), cơ sở giáo dục ĐH công lập tự bảo đảm chi thường xuyên (tự chủ), cơ sở giáo dục ĐH công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (tự chủ hoàn toàn).
Trên địa bàn thành phố, hiện nay Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) là trường ĐH tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư (tự chủ hoàn toàn). Năm học 2022-2023, đối với chương trình đào tạo đại trà, nhà trường đưa ra phương án học phí cho 2 nhóm với mức thu lần lượt là 21 triệu đồng đối với nhóm chương trình đào tạo ĐH đã kiểm định chất lượng, đào tạo trọng điểm và 18 triệu đồng đối với nhóm các chương trình đào tạo khác.
Từ giữa tháng 10, nhà trường đã thông báo về mức thu học phí tới sinh viên toàn trường. Theo thông báo này, học phí tăng so với năm học trước, tùy thuộc vào ngành học và khóa học. Sinh viên từ khóa 47 (khóa tuyển sinh năm học 2021-2022 trở về trước) đóng học phí ở 3 mức theo 3 nhóm ngành; sinh viên khóa 48 (khóa tuyển sinh năm học 2022-2023) đóng học phí ở 2 mức theo 2 nhóm ngành.
Ví dụ, chuyên ngành Kinh tế phát triển (thuộc nhóm 1), khóa 47 trở về trước, có mức học phí 400.720 đồng/tín chỉ; khóa 48 có mức học phí 515.940 đồng/tín chỉ (năm học 2021-2022 học phí của ngành này là 359.854 đồng/tín chỉ); với chuyên ngành Quản trị chuỗi cung ứng và logistics (nhóm 2); khóa 47 trở về trước có mức học phí 516.660 đồng/tín chỉ; khóa 48 có mức học phí 602.890 đồng/tín chỉ (năm học 2021-2022 ngành này có mức học phí 476.642 đồng/tín chỉ)…
Lãnh đạo nhà trường cho biết, theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP, đối với trường ĐH tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư như Trường ĐH Kinh tế, nhà trường được thu học phí ở mức cao gấp 2,5 lần so với mức trần học phí của đơn vị chưa tự chủ, tương ứng với mức thu hơn 30 triệu đồng/năm học. Tuy nhiên, theo quan điểm của lãnh đạo nhà trường, mức thu học phí cần được xây dựng có căn cứ, bảo đảm tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của nhà trường với xã hội và người học.
Trên cơ sở đó, để có được căn cứ xây dựng phương án học phí cho năm học 2022-2023, nhà trường đã tiến hành xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật, làm cơ sở xác định chi phí đào tạo và mức thu học phí cho các chương trình đào tạo của nhà trường. Đối với những năm học tiếp theo, nếu có sự thay đổi học phí, nhà trường bảo đảm mức tăng không quá 10% so với năm học trước liền kề.
Trong khi đó, từ giữa tháng 9, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) đã thông báo các khoản thu đầu năm học đối với sinh viên tuyển sinh năm 2022. Với chương trình truyền thống, nhà trường tạm thu học phí học kỳ 1 năm học 2022-2023 cho nhóm ngành 1 là 10.909.195 đồng, nhóm ngành 2 là 13.109.195 đồng (năm học 2021-2022, chương trình truyền thống chỉ có mức học phí chung 5.849.195 đồng); chương trình PFIEV có mức 10.909.195 đồng (năm học 2021-2022, chương trình PFIEV có mức thu 9.499.195 đồng); chương trình tiên tiến có mức 17.009.195 đồng (năm học 2021-2022, chương trình tiên tiến có mức 16.999.195 đồng). So với mức học phí tạm thu học kỳ 1 năm học 2021-2022 thì có mức tăng đáng kể ở chương trình truyền thống và tăng nhẹ ở các chương trình khác.
Sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) làm thủ tục nhập học. Ảnh: NGỌC HÀ |
Theo Trường ĐH Bách khoa, năm học 2022-2023 nhà trường không còn chương trình đại trà hay chất lượng cao; đồng thời là năm đầu tiên chuyển sang tự chủ chi thường xuyên nên mức học phí có sự điều chỉnh. Theo đó, một số ngành có mức học phí tăng hơn so với năm ngoái, ngược lại một số ngành có mức giảm; mức tăng/giảm không nhiều. Học phí các chương trình đã được nhà trường công bố trong đề án tuyển sinh ĐH chính quy năm 2022.
Các trường thành viên khác của ĐH Đà Nẵng (chưa tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư - chưa tự chủ) có mức tăng dưới 10%, mức độ tăng tùy thuộc vào chuyên ngành đào tạo. Trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn (VKU) cho biết, đơn giá tín chỉ năm học 2022-2023 có tăng so với năm học 2021-2022.
Mức tăng được quy định cụ thể cho từng khối ngành, trong đó, ngành Máy tính và Công nghệ thông tin, Kinh doanh và Quản lý tăng đáng kể lần lượt từ 1.170.000 đồng/tháng lên 1.450.000 đồng/tháng, từ 980.000 đồng/tháng lên 1.250.000 đồng/tháng; các khối ngành khác tăng không đáng kể. “Nhà trường xác định mức thu học phí năm học 2022-2023 căn cứ Nghị định 81/2021/NĐ-CP. Mức thu học phí và các khoản thu khác đều được thông qua Hội đồng trường, được ĐH Đà Nẵng thẩm định và phê duyệt trước khi thông báo thực hiện”, lãnh đạo nhà trường thông tin.
Hoàn thiện dự thảo nghị quyết về học phí Theo thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp về học phí và sách giáo khoa vào giữa tháng 10, Bộ GD&ĐT cần tiếp thu ý kiến của các đại biểu dự họp và phối hợp với các cơ quan liên quan để hoàn thiện dự thảo nghị quyết về học phí đối với cơ sở giáo dục và đào tạo công lập năm học 2022-2023. Bộ GD&ĐT cho biết bộ đang trình Chính phủ ban hành nghị quyết về học phí và lưu ý cả hệ thống giáo dục ĐH công lập khả năng rất cao, về cơ bản không tăng học phí, giữ nguyên mức của năm 2021. Về thông tin này, các trường ĐH công lập trên địa bàn thành phố cho rằng, nhà trường đã xác định mức thu học phí năm học 2022-2023 và thông báo mức học phí đến sinh viên trước khi có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, khi nào có quyết định của Chính phủ và Bộ GD&ĐT về việc điều chỉnh học phí của năm học này, các trường sẽ thực hiện theo, phần chênh lệch sinh viên đã nộp sẽ bù vào học phí kỳ sau. Cũng theo các trường, việc tạm dừng tăng học phí sẽ khiến các cơ sở giáo dục đại học công lập, nhất là các trường tự chủ gặp khó khăn. |
NGỌC HÀ