Giáo dục
Đẩy mạnh dạy học gắn giáo dục STEM
Hoạt động giáo dục STEM (giáo dục tích hợp khoa học - công nghệ - kỹ thuật - toán) trong trường học góp phần trang bị cho học sinh kiến thức, kỹ năng để phát triển trong thế giới công nghệ, tạo hứng thú học tập, tiếp cận kiến thức khoa học. Tuy nhiên, giáo dục STEM vẫn chưa được triển khai đồng bộ, chưa đi vào chiều sâu.
Giáo viên các trường THCS, THPT tham quan không gian sáng chế của Viện Nghiên cứu Việt - Anh, Đại học Đà Nẵng trong khuôn khổ buổi tập huấn STEM. Ảnh: NGỌC HÀ |
Từ năm 2016 đến nay, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) triển khai giáo dục STEM đến các trường THCS, THPT trên địa bàn thành phố thông qua tổ chức dạy học các môn học liên quan như: Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Công nghệ theo tinh thần dạy học liên môn; xây dựng và dạy học các chủ đề giáo dục STEM. Đồng thời, trong thực hiện nhiệm vụ giáo dục hằng năm, các trường trung học mỗi học kỳ thực hiện ít nhất 2 chủ đề, sinh hoạt chuyên môn thông qua nghiên cứu bài học, trong đó có các chủ đề bài học STEM.
Thầy Phan Tiến Dậu, giáo viên Trường THPT Trần Phú triển khai chủ đề “Các cây cầu trên sông Hàn” và xây dựng các nhiệm vụ định hướng STEM. Với chủ đề này, thầy Dậu phân chia học sinh đóng các vai trò trong các ngành nghề khác nhau như: kỹ sư xây dựng, kỹ sư điện, kỹ sư hóa học, hướng dẫn viên du lịch để thực hiện nhiệm vụ dưới dạng các dự án học tập.
Chẳng hạn, với dự án học tập “Em là kỹ sư điện thông minh”, nhóm học sinh thiết kế, chế tạo mô hình thiết bị sản xuất điện năng chiếu sáng hệ thống đèn trên cầu tận dụng các nguồn năng lượng tái tạo. Muốn làm được điều này, học sinh phải vận dụng được các kiến thức liên quan đến hiện tượng cảm ứng điện từ, suất điện động cảm ứng, nguyên tắc hoạt động của máy phát điện, cấu tạo và hoạt động đèn Led…
Từ các buổi học STEM, CLB Sáng tạo khoa học - kỹ thuật Trường THPT Nguyễn Trãi đã sử dụng vật liệu dễ tìm kiếm, vận dụng các kiến thức liên môn để có những sản phẩm có tính ứng dụng cao như: xà phòng thủ công chiết xuất từ các loại tinh dầu lá tía tô, tinh dầu tràm, tinh dầu sả; vận dụng kiến thức tổng hợp từ các môn học, học sinh còn thiết kế mô hình hệ thống cảm biến sóng âm, cảm biến ánh sáng, mô hình hệ mặt trời, trở thành đồ dùng dạy học đầy thú vị.
Trong các buổi học, học sinh bắt đầu tiếp cận phương pháp nghiên cứu, tư duy đề tài mang tính thực tiễn. Trong cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp thành phố vừa qua, học sinh các trường THCS, THPT thực hiện nhiều đề tài mới mẻ, sáng tạo, đặc biệt là tính ứng dụng cao, xác thực với đặc điểm, điều kiện của địa phương như: nghiên cứu mô hình thay đổi đặc tính dòng chảy và ứng dụng phát điện tại các khu vực suối tại thành phố Đà Nẵng; phát triển giá trị văn hóa Chăm pa thông qua trò chơi thẻ bài; hệ thống bảo tàng thông minh; nhân vi sinh bản địa IMO và ứng dụng vào sản xuất rau sạch tại huyện Hòa Vang; ứng dụng công nghệ nhận dạng để giám sát, hỗ trợ phát hiện bệnh trong việc trồng bắp... Các em còn tập trung nghiên cứu những vấn đề gần gũi, thiết thực như: máy pha chế thức uống tự động, cá nhân hóa sở thích người dùng dành cho công sở, văn phòng; hệ thống nước uống tự động an toàn trong trường học; máy cho động vật ăn theo giờ.
Ông Mai Tấn Linh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, sở chỉ đạo các trường chú trọng đưa nội dung giáo dục hướng nghiệp tích hợp trong chương trình các môn học và hoạt động giáo dục theo định hướng giáo dục tích hợp khoa học - công nghệ - kỹ thuật - toán (giáo dục STEM) trong chương trình phù hợp với xu hướng phát triển ngành nghề của quốc gia, đáp ứng thị trường lao động.
Hầu hết các trường phổ thông đều triển khai các hoạt động giáo dục STEM với những mức độ đậm, nhạt khác nhau. Việc triển khai và nhân rộng giáo dục STEM ở các trường học còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức, kinh nghiệm của cán bộ quản lý, giáo viên về giáo dục STEM còn hạn chế, dẫn đến lúng túng trong tiếp cận, thiết kế và tổ chức hoạt động giáo dục theo định hướng giáo dục STEM. Đồng thời, trong giáo dục STEM, có nhiều mảng nội dung cần phải có sự đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện đại, như: robotic, khoa học máy tính… nhưng thiết bị, cơ sở vật chất hiện nay chưa tương xứng với yêu cầu của hoạt động giáo dục này.
“Giải pháp trước mắt của ngành giáo dục là tăng cường tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên về xây dựng và thực hiện dạy học các chủ đề giáo dục STEM ở trường trung học trong chương trình hiện hành và tiến tới thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; tổ chức các cuộc thi về giáo dục STEM dành cho giáo viên và học sinh ở các cấp học trên địa bàn thành phố; phát triển cơ sở vật chất phục vụ chương trình giáo dục phổ thông mới. Về lâu dài, tiếp tục tham mưu các đề án mua sắm thiết bị, đề án giáo dục STEM…”, ông Mai Tấn Linh chia sẻ.
NGỌC HÀ