Chỉ còn vài tháng nữa, hội đồng thẩm định cấp cơ sở và thành phố tiếp tục lựa chọn sách giáo khoa cho lớp 4, 8 và 11 cho Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Theo nhiều ý kiến, việc thẩm định cần được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ; trong đó, chú trọng đến vai trò của các nhà xuất bản về phân bổ sách giáo khoa mẫu đến giáo viên, phản hồi các ý kiến đóng góp...
Học sinh tham khảo sách giáo khoa tại nhà sách. Ảnh: N.H |
Trong quá trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trên cơ sở tham mưu của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), UBND thành phố đã kịp thời ban hành các văn bản về lựa chọn sách giáo khoa từng khối lớp theo lộ trình như: bộ tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa, thành lập hội đồng lựa chọn sách, phê duyệt danh mục sách giáo khoa.
Đồng thời, chỉ đạo Sở GD&ĐT chú trọng công tác tuyên truyền qua nhiều kênh: truyền hình, báo chí, internet, hội nghị, hội thảo, tập huấn... đến toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, cha mẹ học sinh và nhân dân về sách giáo khoa mới.
Nhận định của các giáo viên tham gia lựa chọn sách giáo khoa đối với lớp 3, 7 và 10 trong năm học vừa qua cũng cho thấy việc chọn sách giáo khoa, nhà trường thực hiện đúng quy trình khi tham khảo ý kiến đánh giá từ các tổ chuyên môn, gửi lên hội đồng trường phê duyệt. Sau đó, nhà trường mới gửi lên Sở GD&ĐT, trình UBND thành phố phê duyệt.
Tuy nhiên, do thời gian tiếp cận sách ngắn, nên chỉ đến khi đi vào thực tế giảng dạy, giáo viên mới phát hiện sách giáo khoa còn nhiều lỗi gây khó khăn cho giáo viên lẫn học sinh trong quá trình dạy và học.
Cô Đỗ Thị Bích Thủy, Tổ trưởng chuyên môn Tổ Vật lý Trường THPT Thái Phiên, dẫn chứng, thứ tự sắp xếp một số nội dung bài dạy chưa hợp lý. Cụ thể, với môn Vật lý lớp 10, bài 12 có nội dung chuyển động ném ngang, ném xiên nhưng học sinh chưa học phân tích lực (rơi vào bài số 13) và 3 định luật Newton (rơi vào bài số 14, 15). Vì vậy, để các em hiểu bài, giáo viên phải kéo các bài sau lên giảng dạy rồi mới quay lại bài trước.
“Rất nhiều lỗi trong sách giáo khoa, sách giáo viên ở môn Vật lý lớp 10 khiến giáo viên lúng túng nhưng khi thẩm định không thể phát hiện ra. Đối với bậc THPT, các kiến thức đi vào chuyên sâu, hàm lượng thông tin khoa học nhiều; do đó, giáo viên cần có thêm thời gian đọc, ghi chú lại, thậm chí tham khảo thêm nhiều tài liệu khoa học khác để góp ý và có sự lựa chọn hợp lý”, cô Thủy nói.
Cô Đoàn Thị Kiều Hạnh (giáo viên chủ nhiệm lớp 3/8, Trường Tiểu học Núi Thành, quận Hải Châu) từng nằm trong hội đồng thẩm định lựa chọn sách giáo khoa lớp 3 cho biết, sách giáo khoa được gửi về rất trễ, các giáo viên thẩm định sách ở cấp trường chỉ có khoảng 2 tuần trong khi mỗi bộ chỉ có 1 bản.
Giáo viên phải đổi chéo nhau để đọc, so sánh giữa các bộ sách và đối chiếu với cả sách giáo khoa hiện hành để tìm ra ưu điểm của từng bộ. Từ thực tế của lần tham gia chọn sách giáo khoa, cô Kiều Hạnh mong muốn các nhà xuất bản gửi sách về cho các trường đầy đủ và sớm hơn đối với lựa chọn sách giáo khoa đối với lớp 4.
Những giáo viên tham gia góp ý từ sách giáo khoa bản mẫu cũng đề xuất các nhà xuất bản gửi bản tổng hợp phản hồi góp ý để giáo viên biết rằng những góp ý của mình có hiểu đúng ý đồ của nhóm tác giả hay không; đồng thời nếu sai thì chỉnh sửa lại cho chính xác trước khi phát hành đại trà.
“So sánh giữa sách giáo khoa lớp 6 qua hai năm học thì gần như những thay đổi, điều chỉnh là không đáng kể so với lượng ý kiến góp ý mà giáo viên từ các cơ sở gửi về nhà xuất bản”, thầy Nguyễn Văn Tuấn, Tổ trưởng tổ chuyên môn Sử - Địa, Trường THCS Nguyễn Huệ (quận Hải Châu), bày tỏ.
Theo lộ trình thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 của Bộ GD&ĐT, từ năm học 2023-2024, học sinh các khối lớp 4, 8 và 11 sẽ học theo chương trình, sách giáo khoa mới. Đến thời điểm này, Bộ GD&ĐT đã ban hành các đầu sách giáo khoa mới của ba khối lớp này. Danh mục sách giáo khoa lớp 4 bao gồm 44 đầu sách giáo khoa, lớp 8 có 42 đầu sách giáo khoa, lớp 11 có 50 đầu sách giáo khoa. Sở GD&ĐT cho biết, tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, trường học xây dựng kế hoạch tổ chức đề xuất lựa chọn sách giáo khoa lớp 4, 8 và 11; đồng thời tổ chức cho giáo viên tham dự các đợt giới thiệu sách giáo khoa, các buổi hội thảo, tập huấn các môn học theo kế hoạch. |
NGỌC HÀ