Giáo dục
Phòng ngừa rối nhiễu tâm trí cho học sinh
ĐNO - Xã hội phát triển nên dễ gây ra những áp lực, căng thẳng đối với học sinh trong thời đại hiện nay. Do vậy, việc chăm sóc sức khỏe tinh thần, phòng ngừa rối nhiễu tâm trí cho các em học sinh là điều cần được quan tâm.
Nhiều hoạt động chăm sóc sức khoẻ tinh thần cho học sinh được tổ chức trên địa bàn thành phố. |
Sức khỏe tâm thần biểu hiện ở các khía cạnh cơ bản như khả năng tận hưởng cuộc sống, khả năng tạo dựng niềm tin vào giá trị bản thân và người khác, khả năng phát triển cá nhân và duy trì các mối quan hệ, khả năng thích ứng, linh hoạt và khả năng cân bằng, tự phục hồi.
Năm qua, Tổng đài 111 khu vực Nam miền Trung - Tây Nguyên do Trung tâm Công tác xã hội thành phố quản lý đã tiếp nhận được 9.477 cuộc, tăng hơn so với năm trước, gồm: 9.137 cuộc tư vấn và 340 ca kết nối can thiệp hỗ trợ.
Trong đó, nhiều nhất là cuộc gọi tư vấn, kết nối can thiệp hỗ trợ các vấn đề liên quan đến trẻ em. Nội dung cuộc gọi đa phần là những mâu thuẫn với bạn bè, thầy cô, cha mẹ, áp lực học tập, thi cử hay bắt nạt ở trường học, những băn khoăn, lo lắng liên quan đến sự thay đổi cơ thể ở tuổi dậy thì….
Đối với các cuộc gọi của phụ huynh/người chăm sóc trẻ chủ yếu quan tâm đến sức khỏe của trẻ, thay đổi tâm sinh lý của trẻ khi gặp các vấn đề rối loạn về ngôn ngữ, hành vi, cảm xúc và một số vấn đề có liên quan đến bảo vệ trẻ em qua môi trường mạng.
Nhiều trẻ em và phụ huynh quan tâm và tìm hiểu về quyền trẻ em, Luật trẻ em, Nghị định số 56/2017/NĐ-CP, các quy định pháp luật liên quan đến trẻ em… Ngoài các cuộc gọi liên quan đến trẻ em, thực hiện Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 09/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030; tiếp nhận thông tin, thông báo tố giác về hoạt động mua bán người.
Nhiều nguyên nhân dẫn đến các rối loạn tâm thần tuổi học đường. Đó có thể là áp lực học tập do cha mẹ đặt quá nhiều kỳ vọng ở con cái; sự thay đổi các mối quan hệ bạn bè; những thói quen sống không lành mạnh như không hoặc ít tập luyện thể dục; thức quá khuya, ngủ dậy muộn, nghiện game, hút thuốc… Những điều này ảnh hưởng đến kết quả học tập cũng như sức khỏe của các em dẫn đến kết quả học tập sút kém lại tạo ra áp lực ngược dẫn đến vòng tròn bệnh lý của các rối loạn tâm thần.
Phụ huynh cần theo dõi giấc ngủ của con em vì các rối loạn tâm thần thường gây ra mất ngủ. Ngoài ra cần tìm hiểu nguyên nhân gây ra chứng mất ngủ ở trẻ và tìm hướng giải quyết. Khuyến khích học sinh nói ra vấn đề của mình, cùng trẻ tìm ra giải pháp để giải quyết vấn đề. Đồng thời tránh đặt kỳ vọng quá cao ở các em, gây ra áp lực lớn trong học tập đối với các em. Nhà trường và gia đình cần tạo môi trường học tập thân thiện, thoải mái, lành mạnh để các em có thể phát triển toàn diện.
Đồng thời, các em cần lên kế hoạch để có chế độ ăn uống, giấc ngủ, sinh hoạt điều độ, cách thiết lập niềm tin mới tích cực, các phương pháp thư giãn giúp ích trong việc giải tỏa căng thẳng, buồn phiền, sắp xếp lịch học tập và thi cử hợp lý, khoa học.
V. TOÀN - B.L