Khi nào học sinh Liên Chiểu học 2 buổi/ngày?

.

Đó là vấn đề các thành viên Ban Văn hóa - xã hội HĐND thành phố đặt ra tại buổi giám sát tiến độ về xây dựng, nâng cấp, mở rộng trường học, bảo đảm tổ chức dạy học 2 buổi/ngày cho học sinh tiểu học theo quy định của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trên địa bàn quận Liên Chiểu vào chiều 6-3.

Nhiều trường tiểu học trên địa bàn quận Liên Chiểu không bảo đảm học sinh học 2 buổi/ngày. Trong ảnh: Học sinh Trường Tiểu học Duy Tân trong một giờ học. Ảnh: NGỌC HÀ
Nhiều trường tiểu học trên địa bàn quận Liên Chiểu không bảo đảm học sinh học 2 buổi/ngày. TRONG ẢNH: Học sinh Trường Tiểu học Duy Tân trong một giờ học. Ảnh: NGỌC HÀ

Căng thẳng trường, lớp

Theo báo cáo của UBND quận Liên Chiểu, trong đề án Xây dựng, nâng cấp, mở rộng trường học giai đoạn 2021-2025 được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 2435/QĐ-UBND ngày 10-7-2020, quận Liên Chiểu có 41 dự án công trình xây dựng, nâng cấp, mở rộng trường học (trong đó 15 công trình của bậc học mầm non, 20 công trình của bậc tiểu học, 6 công trình của bậc học THCS).

Sau 2 năm triển khai đề án, có 8 công trình đã hoàn thành, 2 công trình đang triển khai và 3 công trình chuẩn bị đầu tư. Nhiều dự án xây mới, nâng cấp, mở rộng trường học đã được phê duyệt chủ trương đầu tư và có kế hoạch bố trí vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nhưng vướng về giải tỏa đền bù, pháp lý, mật độ xây dựng... nên việc triển khai gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Thanh Lịch, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quận Liên Chiểu cho hay, để bảo đảm số lượng phòng học bậc tiểu học được học 2 buổi/ngày 100% theo lộ trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, năm học 2023-2024, toàn quận cần 440 phòng học (gồm 356 phòng dành cho khối 1, khối 2, khối 3, khối 4 học 2 buổi/ngày; 84 phòng học dành cho khối lớp 5). Năm học 2024-2025 cần 452 phòng học (bảo đảm cho 452 lớp học được học 2 buổi/ngày).

Với bậc THCS, dự kiến năm học 2023-2024, quận Liên Chiểu cần 172 phòng học (gồm 133 phòng dành cho khối 6, khối 7, khối 8 và khối 9 học 1 buổi /ngày và 39 phòng học bộ môn), thiếu 14 phòng học; năm học 2024-2025, tiếp tục cần 176 phòng học, thiếu 18 phòng học.

“Với bậc tiểu học, nếu bảo đảm sỉ số học sinh/lớp là dưới 35 em/lớp thì chúng tôi cần 515 phòng học, còn thiếu 129 phòng học. Trường hợp bậc giáo dục tiểu học vẫn giữ nguyên sỉ số 41 học sinh/lớp, để bảo đảm tiến độ triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 4, 5 trong 2 năm tiếp theo thì cấp tiểu học cần thêm 90 phòng học.

Trước mắt, năm học 2023-2024 sắp tới, nếu không xây mới một trường tiểu học hoặc THCS thì tiếp tục tận dụng các phòng chức năng, hội trường... để học sinh học tập nhưng toàn quận vẫn thiếu 18 phòng học, buộc phải thuê các cơ sở cho học sinh học tạm”, ông Nguyễn Thanh Lịch cho hay.

Cần nhanh chóng gỡ vướng mắc

Theo các ngành chức năng quận Liên Chiểu, việc đầu tư cải tạo mở rộng các cơ sở hiện trạng gặp nhiều khó khăn do các công trình không bảo đảm mật độ xây dựng theo quy định; một số hạng mục công trình hiện trạng không còn phù hợp nhưng không bảo đảm điều kiện phá dỡ để đầu tư nâng tầng tăng số lượng phòng học; công trình trường tiểu học thì quy định không quá 3 tầng…

Ngoài ra, một số vị trí đất quy hoạch xây dựng trường học trên địa bàn quận đang vướng các khâu giải phóng mặt bằng, thu hồi đất (như vị trí xây dựng Trường Tiểu học Trung Nghĩa; Trường liên cấp I và II phường Hòa Khánh Bắc); một số khu đất quy hoạch đất giáo dục chủ đầu tư trên địa bàn quận chậm triển khai đầu tư các cơ sở giáo dục để đưa vào khai thác và sử dụng như dự án Khu đô thị Phước Lý, Khu đô thị thương mại cao tầng Phương Trang; Khu đô thị Lakeside;  quỹ đất công trên địa bàn quận rất hạn chế, việc chọn địa điểm để đề xuất đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục gặp rất nhiều khó khăn...

Theo các ý kiến, giải bài toán căng thẳng trường, lớp tại quận Liên Chiểu cần nhiều giải pháp, trong đó, giải pháp căn cơ là xây mới trường học. Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu Nguyễn Nhường cho biết: “Việc xây mới các trường học trên địa bàn quận hiện rất khó triển khai, cần cơ chế đặc thù cho Liên Chiểu và thành phố ưu tiên giải quyết các vướng mắc đối với công tác đầu tư cải tạo nâng cấp và mở rộng cơ sở hiện trạng trường học, xem xét chủ trương cho quận chọn địa điểm mới để quy hoạch đầu tư, thu hồi các cơ sở sử dụng đất công kém hiệu quả để quy hoạch đầu tư cơ sở giáo dục...”.

Các thành viên đoàn giám sát của HĐND thành phố cũng yêu cầu quận Liên Chiểu cần quyết liệt hơn trong bảo đảm trường, lớp cho học sinh. Theo ông Lê Văn Nghĩa, Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, việc thiếu trường lớp tại quận Liên Chiểu đã lâu vẫn chưa giải quyết được. “Việc tận dụng các phòng chức năng không bảo đảm hoạt động dạy và học của các trường. Quận Liên Chiểu cần phải đưa ra đề xuất, kiến nghị, giải pháp làm rõ từng công trình, dự án... ”, ông Nghĩa nói.

Tương tự, ông Lê Văn Dũng, Phó Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố cho rằng: “Trước mắt, quận phải tập trung vào các dự án, công trình không bị vướng để triển khai ngay, rồi từng bước gỡ những dự án còn nút thắt”.

Kết luận buổi làm việc, ông Nguyễn Đình Khánh Vân, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố yêu cầu quận Liên Chiểu rà soát lại, báo cáo vướng mắc cụ thể từng dự án xây mới, mở rộng, cải tạo trường, lớp trên địa bàn quận giai đoạn 2023-2025; đề xuất cụ thể giải pháp, kinh phí cho từng dự án...

Đồng thời, lên phương án cụ thể về trường, lớp cho năm học 2023-2024, dự trù cả tình huống không thuê được phòng học thì học sinh học như thế nào? Trên cơ sở đó, Ban Văn hóa - Xã hội sẽ báo cáo HĐND thành phố để có ý kiến chỉ đạo phù hợp, nhanh chóng gỡ vướng mắc về trường, lớp trên địa bàn quận Liên Chiểu mà cử tri ý kiến liên tục thời gian qua.

NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.