Giáo dục
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023: Học sinh học gì, ôn gì?
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), lịch thi tốt nghiệp THPT 2023 sẽ sớm hơn so với năm 2022, dự kiến vào tuần cuối tháng 6 thay vì tháng 7. Do đó, học sinh cần có kế hoạch học tập, ôn tập khoa học để chuẩn bị tốt cho kỳ thi sắp đến.
Học sinh lớp 12 Trường THPT Hoàng Hoa Thám trong một giờ học. Ảnh: NGỌC HÀ |
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 được tổ chức theo định hướng giữ ổn định như các năm 2021, 2022. Nội dung nằm trong chương trình quy định, trong đó chủ yếu tập trung kiến thức lớp 12. Trên cơ sở này, các trường THPT có kế hoạch ôn tập cho học sinh một cách khoa học, bài bản. Dựa trên kinh nghiệm giảng dạy nhiều năm cũng như quan sát, phân tích các đề thi của Bộ GD&ĐT, giáo viên các trường đã định hướng nội dung, kỹ năng cần thiết cho học sinh.
Theo thầy Phạm Văn Ngọc, Tổ trưởng bộ môn Giáo dục công dân, Trường THPT Thái Phiên, với môn Giáo dục công dân, học sinh phải xác định được kiến thức pháp luật trong chương trình lớp 12 (trừ các bài và nội dung giảm tải); hệ thống lại một số nội dung ở chương trình lớp 10 và lớp 11. Ngoài việc nắm vững các khái niệm, nội dung trong sách giáo khoa, học sinh cần biết vận dụng các kiến thức, bài học vào giải quyết vấn đề thực tiễn đời sống; chú ý đến những nội dung tích hợp của các lĩnh vực như: an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, phòng chống tham nhũng.
Việc ôn tập cho học sinh lớp 12 cũng được Trường THPT Trần Phú chú trọng từ đầu năm. Thầy Nguyễn Đình Hòa, giáo viên môn Ngữ văn chia sẻ, tổ Ngữ văn đã biên soạn đề cương ôn tập, bám sát vào đề minh họa của Bộ GD&ĐT trong những năm gần đây gồm các phần đọc hiểu, nghị luận xã hội và nghị luận văn học và sau đó đưa lên website nhà trường để học sinh tham khảo. Đồng thời, giáo viên định hướng ôn tập cho học sinh. Đối với phần nghị luận xã hội, yêu cầu học sinh cần quan sát, nắm bắt một số vấn đề được dư luận xã hội quan tâm; đối với phần nghị luận văn học, xem các đề minh họa, đáp án của Bộ GD&ĐT để biết cách hành văn, kỹ thuật làm bài. Theo thầy Hòa, trong những năm gần đây, dù Bộ GD&ĐT vẫn ra các tác phẩm được chọn dạy trong sách giáo khoa, tuy nhiên câu lệnh (yêu cầu của đề) liên tục đổi mới. Vì thế, học sinh không nên học theo văn mẫu mà cần đọc kỹ tác phẩm, nắm rõ những ý chính thì gặp bất cứ đề nào cũng không bị lúng túng.
Qua theo dõi những kỳ thi tốt nghiệp THPT, cô Trương Thị Thu Trang, giáo viên môn Lịch sử, Trường THPT Sơn Trà cho rằng, học sinh muốn đạt điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT cần có cách ôn luyện khoa học. Riêng với môn Lịch sử, hàm lượng kiến thức rất rộng và dễ gây nhầm lẫn bởi các mốc sự kiện, tên nhân vật, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm. Vì thế, học sinh cần chú trọng hệ thống hóa toàn bộ kiến thức thông qua sơ đồ tư duy hoặc áp dụng công thức “5W - 1H” (What - sự kiện gì đã xảy ra, When - sự kiện lịch sử đã xảy ra vào thời điểm nào, Who - sự kiện gắn liền với ai - nhân vật, giai cấp, tầng lớp, tổ chức nào…, Where - gắn với địa điểm, không gian nào và How - diễn ra như thế nào).
Đồng thời, học sinh học theo từ khóa để ghi nhớ hiệu quả và dán lên ở những nơi dễ nhìn, dễ ghi nhớ nhất. Ví dụ, liên quan đến “Chiến lược chiến tranh đặc biệt” của Mỹ ở Việt Nam có những từ khóa như: quân đội tay sai (lực lượng chủ yếu), 18 tháng (kế hoạch bình định), Ấp chiến lược – xương sống (thủ đoạn chủ yếu), trận Ấp Bắc (mở đường để đánh bại chiến tranh đặc biệt)... Tránh học vẹt và thường xuyên làm bài tập để nhớ bài, tăng cường kỹ năng làm bài được các thầy cô đặc biệt lưu ý học sinh. “Các em tuyệt đối tránh “học vẹt - học tủ” bởi vì trong môn Lịch sử có nhiều kiến thức mặc dù khác nhau thời gian nhưng đọc qua lại dễ nhầm lẫn, ví dụ như sự kiện Điện Biên Phủ 1954 và Điện Biên Phủ trên không 1972; hay Hội nghị Ianta và Hội nghị Vecsxai – Wasington”, cô Trang chia sẻ.
Trong khi đó, thầy Phạm Văn Ngọc, Tổ trưởng bộ môn Giáo dục công dân, Trưởng THPT Thái Phiên nhấn mạnh: “Học sinh phải làm các bài tập trong sách giáo khoa sau mỗi bài học, tìm và giải càng nhiều càng tốt các bài kiểm tra học kỳ, đề thi thử của Sở GD&ĐT; các đề thi chính thức của Bộ GD&ĐT trong các năm qua nhằm giúp các em khắc sâu kiến thức và thành thạo kỹ năng làm bài”.
NGỌC HÀ