Giáo dục
Tuyển sinh 2023: Tận dụng thế mạnh các ngành đào tạo chủ lực
Mùa tuyển sinh 2023, một số trường cao đẳng, đại học (ĐH) trên địa bàn thành phố tiếp tục tận dụng thế mạnh trong đào tạo các ngành nghề mũi nhọn, có trọng tâm, trọng điểm để thu hút thí sinh.
Mỗi năm, Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng cung cấp lượng lớn nhân lực có tay nghề cho thị trường lao động. TRONG ẢNH: Học sinh, sinh viên Trường Cao đẳng nghề trong giờ học thực hành. Ảnh: N.H |
Ngoài các trường ĐH công lập trực thuộc ĐH Đà Nẵng, các trường ĐH tư thục hằng năm tuyển sinh lượng lớn thí sinh. Năm 2023, Trường ĐH Duy Tân giữ nguyên các phương thức xét tuyển và chỉ tiêu xét tuyển như năm 2022. Cụ thể, nhà trường tuyển sinh 6.200 chỉ tiêu và sử dụng 4 phương thức xét tuyển gồm xét tuyển kết quả kỳ thi THPT; xét tuyển kết quả học tập THPT(học bạ); xét tuyển kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và ĐH Quốc gia Hà Nội; xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ngoài ra, nhà trường cũng tổ chức thi môn vẽ mỹ thuật để xét tuyển khối ngành Kiến trúc & mỹ thuật (thí sinh có thể sử dụng kết quả thi vẽ mỹ thuật từ các trường khác để nộp xét tuyển).
Theo TS. Võ Thanh Hải, Phó Hiệu trưởng Thường trực Trường ĐH Duy Tân, hệ thống cơ sở vật chất của trường hiện nay được đầu tư tương thích với chuẩn chương trình đào tạo quốc tế gồm hệ thống phòng lap, thực hành, thí nghiệm, hội trường, thư viện đáp ứng nhu cầu đào tạo chất lượng cao; bảo đảm các yêu cầu kiểm định ngành theo chuẩn uy tín trên thế giới như ABET, TedQual, AACSB... và tương ứng với thứ hạng của trường trên các bảng xếp hạng thế giới và châu Á, vị thế là trường top 500 thế giới (THE) và 145 châu Á (QS).
“Bên cạnh nền tảng cơ sở vật chất, nhà trường còn đầu tư lớn đội ngũ giảng viên cho các ngành đào tạo. Trong đó, nhà trường tập trung vào các ngành có thế mạnh như: những ngành thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin; sức khỏe; du lịch; kinh doanh và quản lý; ngôn ngữ. Ngoài ra, chú trọng các chương trình có yếu tố quốc tế như: các chương trình du học tại chỗ với ĐH Troy, KueKa (Hoa Kỳ) hay các chương trình chuyển giao công nghệ với nước ngoài và trao đổi sinh viên”, TS. Võ Thanh Hải chia sẻ.
Trong khi đó, đề án Phát triển nguồn nhân lực cho khu vực tư tại một số ngành, lĩnh vực mũi nhọn của thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Quyết định 3096/QĐ-UBND ngày 30-11-2022 của UBND thành phố Đà Nẵng cũng định hướng phát triển mạng lưới đào tạo phù hợp với nhu cầu xã hội. Cụ thể, đến năm 2030, trên địa bàn thành phố có 36 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm 18 trường cao đẳng, 6 trường trung cấp và 12 trung tâm giáo dục nghề nghiệp.
Trong đó, có 5 cơ sở giáo dục nghề nghiệp đạt chất lượng cao, có 1 trường thực hiện chức năng trung tâm quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao và 4 cơ sở giáo dục nghề nghiệp có một số ngành nghề đạt trình độ khu vực và quốc tế; cơ cấu ngành nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu xã hội. Tầm nhìn đến năm 2045, mở rộng quy mô các trường trọng điểm, phấn đấu 20% trường, 30% nghề đào tạo đạt chuẩn khu vực và quốc tế.
Đón đầu xu thế này, các trường cao đẳng trên địa bàn thành phố tiếp tục khẳng định vị thế ở một số ngành nghề đào tạo và có kế hoạch đẩy mạnh tuyển sinh trong năm 2023.
Ông Nguyễn Văn Như, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và giới thiệu việc làm, Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng cho biết, với lợi thế là ngôi trường có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; đồng thời HĐND thành phố khóa X (nhiệm kỳ 2021-2026) đã thông qua nghị quyết điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng từ 285 tỷ đồng lên hơn 330 tỷ đồng, tạo điều kiện để nhà trường hướng đến trung tâm quốc gia đào tạo và thực hành nghề. Hiện tại, 75% chương trình học của học sinh, sinh viên là thực hành; nhà trường có nhiều xưởng đào tạo, phòng thí nghiệm để sinh viên thực hành, nâng cao kỹ năng. Mùa tuyển sinh năm 2023, nhà trường tuyển sinh khoảng 1.700 học sinh, sinh viên cho bậc trung cấp và cao đẳng, tập trung đào tạo các nghề trọng điểm của trường theo tiêu chuẩn quốc tế (nghề công nghệ ô-tô, cơ điện tử, điện công nghiệp), tiêu chuẩn châu Á (điện công nghiệp, lắp đặt điện và điều khiển trong công nghiệp, hàn), tiêu chuẩn quốc gia (hướng dẫn du lịch)…
Tương tự, Trường Cao đẳng Lương thực Thực phẩm (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đẩy mạnh tuyển sinh ở trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng với 23 ngành nghề, trong đó dành lượng lớn chỉ tiêu cho các ngành công nghệ thực phẩm, kỹ thuật chế biến món ăn, nghiệp vụ nhà hàng, sản xuất nông nghiệp sạch...
Ông Trần Hoàng Dũng, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và giới thiệu việc làm, Trường Cao đẳng Lương thực Thực phẩm cho biết, đây là những ngành nghề trọng điểm được nhà trường đẩy mạnh tuyển sinh, đào tạo dựa trên cơ sở đánh giá, phân tích thị trường lao động những năm gần đây. Học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ tìm kiếm những vị trí việc làm thích hợp trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn và lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao tại thị trường Đà Nẵng nói riêng và khu vực miền Trung - Tây nguyên nói chung.
NGỌC HÀ