Triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, nội dung giáo dục địa phương trở thành môn học bắt buộc. Tuy nhiên, đến nay, sách giáo khoa cho môn học này vẫn chưa được in ấn. Để bảo đảm kiến thức cho học sinh, nhà trường đã linh động thiết kế bài giảng, dạy bằng các file mềm.
Học sinh Trường THCS Nguyễn Huệ (quận Hải Châu) trong giờ học môn giáo dục địa phương. Ảnh: N.H |
Chủ động dạy học
Giờ học giáo dục địa phương của học sinh lớp 6, Trường THCS Nguyễn Huệ (quận Hải Châu) diễn ra khá sôi nổi khi các em trao đổi về chủ đề “Xây dựng trường học hạnh phúc”. Em Đinh Hoài Phúc Linh (lớp 6/1) chia sẻ: “Môn học này giúp em hiểu thêm về lịch sử vùng đất Hải Châu mình đang sinh sống, các làng nghề truyền thống của thành phố như: bánh tráng Túy Loan, bánh khô mè, chiếu Cẩm Nê…”.
Cô Đinh Thị Hiền (giáo viên môn Lịch sử, Trường THCS Nguyễn Huệ) cho biết, chương trình giáo dục địa phương lớp 6 có nhiều chủ đề tích hợp các phân môn: Địa lý, Lịch sử hay Môi trường, Sinh học… Để tạo sự hứng thú cho học sinh, giáo viên soạn bài, powerpoint thật sinh động, hấp dẫn; giáo án vẫn bám vào tài liệu giáo dục địa phương do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thành phố biên soạn.
Ngoài ra, giáo viên phải tìm hiểu, tham khảo từ nhiều nguồn khác nhau để đưa vào bài giảng. Đối với học sinh, do không có sách giáo khoa nên giáo viên sẽ hướng dẫn tìm tài liệu cho mỗi chủ đề học. Ví dụ với chủ đề địa lý, hành chính Đà Nẵng, giáo viên yêu cầu học sinh chuẩn bị một số nội dung như: có bao nhiêu quận, huyện; vị trí địa lý như thế nào; với chủ đề di sản phi vật thể, học sinh chuẩn bị trước về các di sản trên địa bàn thành phố…
Tương tự, để dạy chuyên đề “Đa dạng sinh học” ở thành phố Đà Nẵng trong chương trình giáo dục địa phương lớp 10, nhóm giáo viên môn Sinh học Trường THPT Trần Phú đã chia nhau tìm thêm tài liệu, hình ảnh minh họa cho bài học. Theo cô Lê Thị Kim Tùng, giáo viên nhà trường, với mong muốn mở rộng thêm nội dung truyền tải đến học sinh, giáo viên tìm hiểu, cập nhật thêm những thông tin có liên quan để bổ sung vào bài học. Những thông tin tìm được qua báo chí và một số website đều phải được đối chiếu để bảo đảm tính xác thực.
Nên trao quyền cho địa phương
Qua tìm hiểu, dù chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã triển khai nhiều năm nhưng hiện học sinh vẫn chưa có sách giáo dục địa phương; các em chỉ được học thông qua bài giảng của cô giáo và trên những tập tài liệu in màu hoặc trắng đen mà giáo viên gửi bản file mềm cho phụ huynh.
Theo bà Lê Thị Bích Thuận, Giám đốc Sở GD&ĐT, về việc xây dựng, biên soạn, thẩm định, in và phát hành tài liệu giáo dục của địa phương, UBND thành phố đã chỉ đạo và ban hành các văn bản yêu cầu sở phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức biên soạn, thẩm định tài liệu giáo dục địa phương lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10 đúng theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT tại Công văn số 1106/BGDĐT-GDTrH ngày 20-3-2019 và Công văn số 3536/BGDĐT-GDTH ngày 19-8-2019.
Sở GD&ĐT cũng tham mưu UBND thành phố trình Bộ GD&ĐT phê duyệt tài liệu và cung cấp bản điện tử cho các cơ sở giáo dục sử dụng.
Tiếp đó, UBND thành phố đã trình Bộ GD&ĐT phê duyệt. Đến nay, Bộ GD&ĐT mới phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông của thành phố Đà Nẵng.
Thời gian tới, Sở GD&ĐT sẽ tiến hành các thủ tục để triển khai việc in ấn tài liệu giáo dục địa phương bảo đảm theo quy định của pháp luật.
Qua công tác giám sát “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn thành phố Đà Nẵng” vừa qua, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng nhận thấy bất cập trong phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương dẫn đến sự chậm trễ trong in ấn, gây thiệt thòi cho học sinh.
Do đó, trong báo cáo kết quả giám sát vừa qua về môn học giáo dục địa phương, Đoàn đã đề nghị Bộ GD&ĐT xây dựng khung chương trình chuẩn và giao về cho các địa phương tự biên soạn nội dung phù hợp điều kiện địa lý, dân số, văn hóa và đặc thù của từng địa phương nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương tổ chức biên soạn, in ấn và tổ chức dạy học.
NGỌC HÀ