Phát động cuộc thi 'Học sinh với an toàn thông tin 2023'

.

Ngày 17-3, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) phối hợp với Vụ Giáo dục chính trị, Công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) và Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) đã tổ chức lễ phát động cuộc thi "Học sinh với an toàn thông tin 2023".

Lễ phát động cuộc thi
Lễ phát động cuộc thi "Học sinh với an toàn thông tin 2023".

Đây là lần thứ hai VNISA chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có liên quan tổ chức cuộc thi online “Học sinh với an toàn thông tin” dành cho học sinh trung học cơ sở trên toàn quốc.

Ông Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch Hội VNISA cho biết: Cùng với những lợi ích to lớn do internet mang lại, những mối nguy hại đối với lứa tuổi học sinh cũng luôn hiện hữu trên môi trường mạng với nhiều hình thức khác nhau. Bởi vậy, hỗ trợ trẻ em học tập, giao tiếp, vui chơi hiệu quả, an toàn trên môi trường mạng là trách nhiệm của toàn xã hội. Đó cũng là lý do để các đơn vị cùng tiếp tục chung tay tổ chức cuộc thi học sinh với an toàn thông tin năm nay. Đây cũng là cơ hội để nâng cao nhận thức của các bậc phụ huynh, các thầy cô giáo đối với trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Đây là họat động thiết thực triển khai “Chương trình bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025”, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quyết định số 830/QĐ-TTg, ngày 1-6-2021.

Các thí sinh dự thi trực tuyến qua website http://thihsattt.vn của Ban tổ chức. Mỗi thí sinh chỉ đăng ký một tài khoản để dự thi (theo mẫu đăng ký trên website). Thí sinh chỉ được thi một lần và có thể tham gia thi vào bất cứ thời điểm nào trong khoảng thời gian từ 15-3-2023 đến 5-4-2023 (3 tuần).

Đề thi gồm 24 câu hỏi trắc nghiệm do hệ thống thi cung cấp ngẫu nhiên từ ngân hàng đề thi. Thời gian làm bài của thí sinh là 30 phút.

Nội dung đề thi là kiến thức phổ thông liên quan tới ATTT và bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, từ vấn đề pháp lý, nhận diện các nguy cơ và các tình huống bảo đảm an toàn thông tin trên mạng.

Ngân hàng đề thi năm nay được xây dựng trên cơ sở chỉnh lý, bổ sung cơ sở dữ liệu đề thi năm 2022, với gần 300 câu hỏi mới. Ban tổ chức cuộc thi đã được sự hỗ trợ của nhiều chuyên gia thuộc các đơn vị phối hợp tổ chức và đã xây dụng được 1.018 câu hỏi trắc nghiệm trong cơ sở dữ liệu đề thi.

Bên cạnh đó, VNISA đã nâng cấp, hoàn thiện phần mềm thi trực tuyến của Cuộc thi. Các em học sinh sau khi đăng ký tài khoản, có thể tham gia thi thử để làm quen với dạng câu hỏi và cách làm bài thi. Cuộc thi sẽ có 111 giải thưởng tập thể và cá nhân.

Bà Mai Thị Thanh Oanh, Giám đốc Phát triển kinh doanh và Đối ngoại của Cốc Cốc, một trong các đơn vị đồng hành của cuộc thi cho biết: Với khoảng 29 triệu user, đơn vị cam kết đồng hành cùng cuộc thi, lan toả nhận thức, kỹ năng an toàn thông tin. Khi học sinh sử dụng trình duyệt này sẽ tham gia cuộc thi sẽ được hỗ trợ tìm hiểu và tích hợp sẵn tính năng giúp chủ động tránh tiếp cận các nội dung không phù hợp. Cam kết an toàn cho trẻ em, đơn vị có tính năng tìm kiếm an toàn, giải pháp giúp lọc bỏ các hình ảnh, video và trang web không phù hợp trên trang kết quả tìm kiếm với trẻ em.

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em cho biết: Để phòng tránh thông tin xấu độc trên môi trường mạng với trẻ em. Cục triển khai chương trình “vaccine số” nhằm nâng cao nhận thức cho trẻ em qua các kênh báo chí, mạng xã hội, truyền thông cộng đồng và các cuộc thi. Cuộc thi Học sinh với an toàn thông tin 2023 là một trong những giải pháp góp phần nâng cao nhận thức trẻ em trên môi trường mạng và đã được kết quả đáng khích lệ trong năm 2022 và kỳ vọng sẽ tiếp tục được phổ cập hơn nữa tới các em học sinh trong năm 2023.

Lần đầu tiên tổ chức vào năm 2022, cuộc thi đã thu hút 592.810 thí sinh của 5.783 Trường THCS thuộc 63 tỉnh, thành phố tham dự. Năm nay cuộc thi hy vọng sẽ thu hút được sự hưởng ứng nhiều hơn nữa của học sinh của các trường THCS trên cả nước và dự kiến thu hút từ 800.000 đến 1 triệu em tham dự.

Theo Báo Tin tức

;
;
.
.
.
.
.