Giáo dục
Tăng cường vai trò câu lạc bộ khởi nghiệp trong trường học
Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố hiện có 10 câu lạc bộ (CLB) khởi nghiệp, trong đó 8/10 CLB hình thành và hoạt động ở các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn. Tuy vậy, phần lớn các CLB hiện chưa phát huy được vai trò hỗ trợ, kết nối các sinh viên có đam mê khởi nghiệp.
Câu lạc bộ Khởi nghiệp Kinh tế (Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng) giúp các sinh viên phát huy tối đa kiến thức trên giảng đường và kết hợp áp dụng vào thực tiễn. Ảnh: M.Q |
Thành lập từ tháng 10-2006, CLB Khởi nghiệp Kinh tế thuộc Hội sinh viên Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) là CLB hiếm hoi vẫn duy trì hoạt động sôi nổi xuyên suốt gần 17 năm. Tiền thân của CLB Khởi nghiệp Kinh tế là CLB Doanh nhân tương lai, hiện có gần 90 thành viên với trang facebook chính thức có hơn 52.000 lượt theo dõi.
CLB hoạt động dựa trên nền tảng lấy kỹ năng và kinh nghiệm việc làm của sinh viên làm trung tâm, từ đó, tạo tiền đề giúp các sinh viên có thể phát huy tối đa kiến thức trên giảng đường và kết hợp áp dụng vào thực tiễn. Đến nay, CLB phối hợp tổ chức nhiều chương trình khởi nghiệp cho sinh viên như: Startup Runaway (7 năm), cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo - Nâng tầm diện mạo” (3 mùa), các hội thảo, đào tạo “khởi nghề hay khởi nghiệp” cùng nhiều hoạt động xã hội khác... Dự kiến trong tháng 5-2023, CLB sẽ tiếp tục phối hợp tổ chức hai cuộc thi khởi nghiệp với đối tượng là sinh viên trên địa bàn thành phố.
Theo chị Hồ Thị Diệu Hiền, Phó Chủ nhiệm CLB Khởi nghiệp Kinh tế, định hướng phát triển của CLB là phấn đấu trở thành tổ chức kết nối sinh viên và doanh nghiệp lớn mạnh tại Đà Nẵng; tăng cường các hoạt động giáo dục thông qua các buổi đào tạo, chương trình rèn luyện và chia sẻ kỹ năng về khởi nghiệp.
Ngoài ra, CLB tiếp tục vai trò phối hợp tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp. Chị Hiền cho rằng, để CLB có thể duy trì hoạt động và phát triển thì vấn đề nhân lực là rất quan trọng, chính vì vậy, một định hướng quan trọng khác của CLB là liên tục củng cố, duy trì bộ máy tổ chức và gắn kết các thành viên, tổ chức đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn bản thân; tăng cường công tác kết nối và duy trì quan hệ với các cá nhân, tổ chức.
Trong khi CLB Khởi nghiệp Kinh tế hoạt động khá tích cực, sôi nổi thì các CLB khác ở một số trường đại học, cao đẳng đang rơi vào trạng thái “ngủ đông” như: CLB Khởi nghiệp Bách khoa (Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng), CLB Khởi nghiệp Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng), CLB Khởi nghiệp SYB (Trường Cao đẳng Thương mại Đà Nẵng)...
Theo tìm hiểu, nguyên nhân chính là do các CLB thiếu nhân lực để duy trì hoạt động cũng như nhân tố có khả năng kết nối các sinh viên lại với nhau. Đơn cử, CLB Khởi nghiệp SYB thuộc Đoàn Trường Cao đẳng Thương mại chỉ còn khoảng 20 thành viên và vài năm gần đây chưa có hoạt động nổi bật. Anh Nguyễn Ngọc Thứ, Phó Bí thư Đoàn trường cho biết, CLB “chững” lại với nhiều nguyên do như thiếu khung quản lý, ban chủ nhiệm CLB là các sinh viên; giảng viên phụ trách theo dõi CLB kiêm nhiệm nhiều hoạt động khác…
Tương tự, Ths. Lê Vũ, giảng viên môn Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp, Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) chia sẻ, những năm trước, CLB hoạt động khá sôi nổi khi có những sinh viên nổi bật, có thành tích tại các cuộc thi khởi nghiệp quy mô thành phố và cả nước tham gia làm chủ nhiệm, thu hút các sinh viên khác tham gia CLB. Hiện nay, xu hướng sinh viên khởi nghiệp mang tính đơn lẻ nhiều hơn, hoặc kết nối thông qua giảng viên nên chưa phát huy được vai trò của CLB.
Tuy phần lớn các CLB khởi nghiệp trong trường học đang rơi vào trạng thái “ngủ đông”, nhưng tín hiệu tích cực gần đây là một số CLB đã bắt đầu sắp xếp nhân sự để hoạt động trở lại. Vừa qua, Trường Đại học Đông Á phát động cuộc thi “Sinh viên Đông Á với ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp năm 2023” để tìm ra những ý tưởng khởi nghiệp, cũng như cơ hội để CLB Khởi nghiệp Dynamic tìm kiếm thêm nhân lực và củng cố các hoạt động. Sau khi Trung tâm Đổi mới Sáng tạo BK Holdings Duy Tân được thành lập vào giữa tháng 5-2022, các nhân sự của CLB Khởi nghiệp sinh viên Trường Đại học Duy Tân (Start-up DTU) được đào tạo, hỗ trợ thêm về kỹ năng về khởi nghiệp. Dự kiến trong năm 2023, CLB Start-up DTU sẽ tổ chức nhiều hoạt động để thu hút sinh viên tham gia.
Để phát huy vai trò của CLB khởi nghiệp trong trường học, Ths. Lê Vũ cho rằng, cần sớm bổ sung những cán bộ hạt nhân nòng cốt, cụ thể là các giảng viên có nhiều tâm huyết về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để trở thành “người truyền lửa” cho sinh viên, bên cạnh đó là các cá nhân điển hình khởi nghiệp để tạo tính lan tỏa. Cốt lõi của khởi nghiệp là công nghệ và đổi mới sáng tạo, vì vậy, muốn hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp và xây dựng hệ sinh thái sinh viên khởi nghiệp có hiệu quả và bền vững, cần gắn kết với nền tảng kiến thức và kỹ năng.
MAI QUẾ