Đà Nẵng cuối tuần

Tiếp sức đổi mới

07:58, 09/04/2023 (GMT+7)

Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đã triển khai được 3 năm học theo hình thức cuốn chiếu. Tuy nhiên, sự không đồng bộ về điều kiện thực hiện, từ cơ sở vật chất, bồi dưỡng đội ngũ… khiến giáo viên quá tải khi tổ chức các hoạt động dạy học, gián tiếp ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.

Giờ học thực hành môn Khoa học tự nhiên của học sinh Trường THCS Lương Thế Vinh (quận Liên Chiểu). Ảnh: NGỌC HÀ
Giờ học thực hành môn Khoa học tự nhiên của học sinh Trường THCS Lương Thế Vinh (quận Liên Chiểu). Ảnh: NGỌC HÀ

100 học sinh lớp 10, Trường THPT Thanh Khê đã được trực tiếp thực nghiệm các công nghệ nuôi cấy tế bào tại phòng thực hành của Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng). Các công nghệ được giới thiệu bao gồm: công nghệ nuôi cấy mô thực vật; công nghệ nuôi cấy tảo; công nghệ nuôi cấy vi sinh. Các em học sinh tham gia chương trình đã rất hào hứng với các kiến thức sinh học, công nghệ nuôi cấy cũng như rất ấn tượng với hệ thống các phòng thí nghiệm hiện đại của Khoa Sinh - Môi trường.

Những bài thí nghiệm thực hành cũng mang lại sự lý thú đối với các em. Đặc biệt, được hướng dẫn tường tận các thao tác trong phòng thí nghiệm và tự tay thực hiện các bước nuôi cấy tế bào mô thực vật, tế bào tảo và nuôi cấy vi sinh vật, các bạn cho biết rất thích thú khi biết thêm những ứng dụng của môn Sinh học trong đời sống.

Theo ý kiến của nhiều giáo viên với Đoàn giám sát của Đoàn Đại biểu quốc hội thành phố Đà Nẵng về giám sát chuyên đề liên quan đến đổi mới chương trình - sách giáo khoa trên địa bàn, Chương trình Giáo dục phổ thông mới đã chuyển từ chủ yếu truyền thụ kiến thức sang hướng tiếp cận phát triển phẩm chất, năng lực người học; nội dung tinh giản, gắn với thực tiễn. Thế nhưng, những giáo viên đang dạy Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đều đang gặp phải khó khăn về thiết bị - đồ dùng dạy học, sĩ số học sinh/lớp quá đông nên rất khó tổ chức hoạt động nhóm cho học sinh. Chương trình này cũng bắt buộc thầy và trò tổ chức thực hành nhiều hơn trước. Từ đây, nảy sinh nhiều khó khăn, bất cập do chưa được trang bị kịp thời thiết bị, đồ dùng dạy học của chương trình mới. Nhiều giáo viên phải sử dụng thiết bị của Chương trình Giáo dục phổ thông 2006 cho học sinh làm quen nhưng kết quả thí nghiệm không phù hợp với sách giáo khoa mới nên có nhiều thí nghiệm buộc phải tiến hành thí nghiệm ảo.

Thời gian đầu triển khai dạy học Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, các trường học sử dụng phương án tổ chức dạy học các môn học mới gồm Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lý theo hướng chia ra cho giáo viên đảm nhận theo chuyên môn đào tạo. Tuy nhiên, để đúng với tinh thần đổi mới, các trường học đã có sự điều chỉnh, một giáo viên đảm nhận dạy toàn bộ các phân môn của môn học mới. Giáo viên vì vậy phải tự học, tự bồi dưỡng để đáp ứng yêu cầu mới.

Để chuẩn bị kế hoạch bài dạy cho một bài dạy môn tích hợp, một giáo viên phải mất khoảng 1,5 ngày. Một giáo viên Trường THCS Lý Thường Kiệt chia sẻ rằng: “Phải mất chừng đấy thời gian để chuẩn bị cho 1 bài dạy mới có thể đủ cho việc cập nhật sách mới, hiểu nội dung, hiểu bản chất, tìm cách diễn đạt cho học sinh dễ hiểu. Giáo viên còn phải lựa chọn phương pháp, kỹ thuật dạy học như mảnh ghép, công não, phòng tranh, khăn trải bàn... phù hợp để học sinh có thể lĩnh hội được kiến thức, hình thành kỹ năng ở mức tối ưu nhất. Rồi phải chọn lọc hệ thống câu trắc nghiệm cho việc củng cố, nội dung ghi bảng, trò chơi, mô hình…”. Những chuẩn bị kỹ càng như vậy, chỉ với một mục đích duy nhất là giúp giáo viên tự tin khi đứng trước học sinh của mình rằng, các bạn đang nhận được điều tốt nhất có thể tại phòng học này.

Hiện nay, giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên (gồm 3 phân môn Hóa học, Sinh học và Vật lý) lớp 6, 7 ở Đà Nẵng vẫn chưa được bồi dưỡng dạy học tích hợp, liên môn. Hiệu trưởng một trường THCS ở quận Hải Châu cho rằng, Sở Giáo dục và Đào tạo nên chủ trì tổ chức bồi dưỡng giáo viên. Các trường rất lúng túng khi nhận được công văn thông báo mở lớp bồi dưỡng của Trung tâm giáo dục thường xuyên thành phố vì không đủ căn cứ để hỗ trợ học phí cho giáo viên. Chưa kể việc bồi dưỡng phải được tiến hành trong hè chứ vào năm học là quá chậm trễ để hỗ trợ giáo viên bắt nhịp với chương trình mới.

Ông Trần Chí Cường, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố cho biết, các trường THCS ở quận Hải Châu và Hòa Vang đều cho rằng, giáo viên đơn môn gặp rất nhiều khó khăn khi chuyển sang dạy liên môn ở môn Khoa học tự nhiên. “Giáo viên vừa dạy học vừa tự bồi dưỡng nên nhiều người chia sẻ rằng họ rất áp lực khi giảng dạy. Thời gian để giáo viên tự cập nhật kiến thức là một việc nhưng áp lực nhất là sự tương tác với học sinh trong tình huống các em chủ động tìm hiểu trước các kiến thức và có những câu hỏi đòi hỏi thầy, cô giáo phải giải đáp chuyên sâu”, ông Cường thông tin.

Cô giáo Vũ Thị Hương, Tổ trưởng chuyên môn Địa lý, Trường THPT Thái Phiên bày tỏ, những đổi mới ở giai đoạn đầu có thể gây nên những xáo trộn trong cách tổ chức dạy - học của giáo viên hoặc các hoạt động thường ngày của nhà trường. “Nhưng chúng tôi tin tưởng rằng, cùng với sự điều chỉnh trong các chính sách dành cho giáo dục, nếu giáo viên có sự đầu tư trong chuyên môn, có sự so sánh giữa các bộ sách giáo khoa để lựa chọn được nội dung dạy học hay, phù hợp với điều kiện dạy học thực tế thì đây là một chương trình rất hay. Các hoạt động trải nghiệm trong môn học cũng giúp tăng sự hứng thú, kích thích học sinh khám phá, vận dụng bài học vào thực tế”.

Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đã mang lại những đổi mới tích cực cho giáo dục. Tuy nhiên, chương trình vẫn tồn tại một số hạn chế về chuẩn bị các điều kiện thực hiện, trong đó có điều kiện cơ sở vật chất, tài liệu giáo dục, nguồn nhân lực. Ngoài những khó khăn do vướng mắc về cơ chế, chính sách, chính bản thân ngành giáo dục cũng phải chủ động thực hiện những phần việc của mình, như bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đơn môn dạy học liên môn một cách có hệ thống chứ không để tự nhà trường tổ chức bồi dưỡng như hiện nay.

PHONG TRẦN

.