Giáo dục
Cần tiếp tục đổi mới tư duy, nhận thức về giáo dục đại học
Chiều 26-8, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2022 - 2023, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023 - 2024 khối Giáo dục đại học.
Đoàn chủ tọa điều hành hội nghị. |
Nhu cầu học đại học vẫn cao
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm nay, cả nước có trên 1 triệu thí sinh dự thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, giảm gần 9.500 so với năm ngoái; trong đó có 660.000 em đăng ký xét tuyển đại học (chiếm gần 66% số thí sinh dự thi), tăng 4,56%. Tổng số nguyện vọng được đăng ký là 3,4 triệu. Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá, từ số liệu này cho thấy sự quan tâm của người dân với giáo dục đại học có sự gia tăng.
Năm 2023, số thí sinh trúng tuyển trong đợt 1 tăng gần 8% so với năm 2022, cho thấy công tác lọc ảo và việc cải tiến quy trình đăng ký đã mang lại hiệu quả. Việc đăng ký xét tuyển theo ngành, không cần đăng ký phương thức và tổ hợp đa giúp thí sinh tránh được những sai sót như đăng ký nhầm phương thức hay tổ hợp xét tuyển. Số thí sinh trúng tuyển ở nguyện vọng 1 chiếm hơn 49% số thí sinh đăng ký xét tuyển; số trúng tuyển ở 3 nguyện vọng đầu chiếm gần 75%, ở 5 nguyện vọng đầu hơn 85%.
Từ phân tích dữ liệu tuyển sinh, bà Nguyễn Thu Thủy cho biết, số thí sinh đặt ngành trúng tuyển sớm ở nguyện vọng 1 (để xác nhận trúng tuyển chính thức) chỉ chiếm gần 33%, điều này cho thấy rất khó dự đoán số thí sinh ảo trong thực hiện xét tuyển sớm. Đây cũng là cảnh báo cho các trường để nghiên cứu điều chỉnh các phương thức tuyển sinh cho năm sau. Cùng với đó, số thí sinh trúng tuyển thẳng xác nhận nhập học ngay chỉ chiếm 30,48%.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thu Thủy đánh giá công tác tuyển sinh đại học đã có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, năm nay vẫn còn trường có quá nhiều phương thức, phương án xét tuyển phức tạp, nhiều nơi chưa đảm bảo công bằng, phân bổ chỉ tiêu chưa hợp lý, khó khăn cho thí sinh và hệ thống. Đây là những vấn đề đặt ra để các trường có nghiên cứu điều chỉnh công tác tuyển sinh năm sau, tránh làm cho các phương thức tuyển sinh trở nên phức tạp, rắc rối đối với thí sinh.
Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, năm 2023, quy mô đào tạo đại học có sự chênh lệch lớn giữa các khối ngành. Trong đó, khối ngành Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên sụt giảm. Nguyên nhân do việc thực hiện cơ chế đặt hàng đào tạo giáo viên của các địa phương với cơ sở giáo dục đại học còn nhiều hạn chế.
Nhiều đại biểu cũng đề cập đến tình trạng này. Trong khi nhiều địa phương thiếu số lượng lớn giáo viên do không đủ nguồn tuyển thì việc triển khai thực hiện cơ chế đặt hàng đào tạo giáo viên theo Nghị định 116 của Chính phủ (Quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm) gặp nhiều khó khăn. Khó khăn lớn nhất với các địa phương là trong việc bố trí ngân sách cho công tác này.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn chia sẻ, trước những khó khăn ghi nhận trong thực tế triển khai Nghị định 116 của Chính phủ, Bộ đang tiến hành các bước để sửa đổi Nghị định này theo hướng tạo thuận lợi hơn cho các bên liên quan. Tuy nhiên, việc sửa đổi Nghị định này không thể giải quyết khó khăn liên quan đến nguồn nhân sách địa phương. Vấn đề này Bộ sẽ cùng các địa phương đề xuất giải pháp tháo gỡ.
Xử phạt vi phạm về tuyển sinh, mở ngành tăng đột biến
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn phát biểu tại hội nghị. |
Theo ông Nguyễn Đức Cường, Chánh Thanh tra, Bộ Giáo dục và Đào tạo, qua công tác thanh tra, kiểm tra cho thấy, thời gian gần đây số lượng quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các cơ sở giáo dục đào tạo đại học tăng đột biến. Cụ thể, năm 2021 có 28 quyết định xử phạt vi hành chính đối với các cơ sở giáo dục đại học, nhưng từ năm 2022 đến tháng 9-2023 có đến 94 quyết định xử phạt được ban hành. Các hành vi vi phạm chủ yếu liên quan đến công tác tuyển sinh, mở ngành đào tạo, duy trì điều kiện đã được mở ngành.
Đáng chú ý, có cơ sở đào tạo chưa đủ điều kiện để thực hiện tự chủ nhưng vẫn thực hiện tự chủ mở ngành đào tạo; việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh, tổ chức tuyển sinh các trình độ chưa đúng quy định; chưa đảm bảo các điều kiện mở ngành, duy trì ngành đào tạo; chưa đảm bảo chuẩn chương trình đào tạo…
Trong 6 năm triển khai chủ trương tự chủ đã có 1.194 ngành được mở, trong đó có những trường trong 3 năm mở đến 27 ngành. Từ thực tế này đặt ra yêu cầu nâng cao công tác quản lý về vấn đề, nhất là về các điều kiện mở ngành của các trường.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn đánh giá, năm học vừa qua, giáo dục đại học đã có chuyển biến tích cực. Trong đó, việc thực hiện tự chủ giáo dục đại học đã có tác động tích cực, công tác tuyển sinh đại học có nhiều cải tiến; công tác bảo đảm chất lượng, kiểm định chất lượng được chú trọng, số lượng cơ sở giáo dục được kiểm định tăng cao, nhiều cơ sở giáo dục duy trì được vị trí trong các bảng xếp hạng có uy tín.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cũng nhìn nhận giáo dục đại học cũng còn những khó khăn, hạn chế nhất định. Trong đó, tư duy, nhận thức về giáo dục đại học nói chung và tự chủ đại học nói riêng còn chậm đổi mới. Việc thể chế chính sách chưa theo kịp sự phát triển của thực tiễn cũng bắt nguồn từ việc chậm đổi mới tư duy, nhận thức này. Nhiều cơ sở giáo dục còn chậm hoàn thiện Hội đồng trường và các chức danh lãnh đạo; còn có sự lúng túng trong phân định quyền và trách nhiệm của Hội đồng trường, Ban Giám đốc… Nguồn lực đầu tư cho giáo dục đại học còn hạn hẹp dẫn đến nhiều trường phải tăng số lượng tuyển sinh để cân đối thu chi, nhưng lại chưa quan tâm cân đối đầu tư cho chất lượng một cách tương xứng.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, các cấp lãnh đạo ngành, cơ sở giáo dục đại học phải tiếp tục đổi mới tư duy, nhận thức để có thể đáp ứng được những yêu cầu đặt ra trong việc đào tạo nhân lực chất lượng cao, trình độ cao cho phát triển kinh tế-xã hội. Trong đó, phải xây dựng văn hóa chất lượng trong giáo dục đại học, lấy chất lượng làm nền tảng và yêu cầu xuyên suốt trong triển khai thực hiện nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo… Cùng với đó, các trường tiếp tục hoàn thiện phương thức tuyển sinh trong năm tới, từng bước chuẩn bị phương thức tuyển sinh từ năm 2025 phù hợp với chương trình Giáo dục phổ thông mới. Trong đó, các trường cần phải phân tích, đánh giá về quá trình học tập của các đối tượng trúng tuyển theo các phương thức, nhất là phương thức xét tuyển sớm để làm căn cứ điều chỉnh, xây dựng phương thức tuyển sinh phù hợp.
Theo TTXVN