Giáo dục
Xây dựng thành phố trở thành trung tâm giáo dục và đào tạo
Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm giáo dục - đào tạo của cả nước. Thành phố đã dành nhiều nguồn lực đầu tư cho giáo dục và bước đầu đạt những kết quả tích cực.
Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) cơ sở 2 tại phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn) nằm trong dự án Làng Đại học Đà Nẵng. Ảnh: NGỌC HÀ |
Mở rộng mạng lưới trường, lớp
Hiện nay, mạng lưới trường, lớp được quy hoạch vừa phù hợp với hệ thống giáo dục quốc dân, vừa đáp ứng phát triển quy mô, yêu cầu phát triển đô thị và nhu cầu học tập của mọi người dân, mọi lứa tuổi. Cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị trường học được quan tâm đầu tư theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, tạo nên một hệ thống trường lớp khang trang, sạch đẹp.
Thành phố có 198 trường mầm non; cấp tiểu học có 99 trường, với 109.588 học sinh; cấp THCS có 60 trường, với 70.058 học sinh; cấp THPT có 34 trường, với 36.751 học sinh. Thành phố có 3 trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX), với 4.432 học viên; có 240 trung tâm tin học, ngoại ngữ; 56 trung tâm học tập cộng đồng.
Thành phố cũng triển khai đề án Xây dựng, nâng cấp, mở rộng trường học giai đoạn 2021-2025 với mức đầu tư dự kiến hơn 8.000 tỷ đồng. Với đề án này, thành phố dự kiến sẽ xây dựng mạng lưới trường học đến năm 2025-2026, với quy mô là 452 trường, bảo đảm cho gần 340.000 học sinh theo học. Trong đó, đối với cơ sở giáo dục mầm non là 238 trường, tiểu học 109 trường, THCS 64 trường, THPT 38 trường và 3 trung tâm giáo dục thường xuyên.
Bên cạnh đầu tư cơ sở vật chất, thành phố chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục; thực hiện có hiệu quả việc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục - đào tạo. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được quan tâm phát triển cả về số và chất lượng. Phương pháp, hình thức thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo đã có nhiều đổi mới và bảo đảm tính trung thực, khách quan. Trường học tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho học sinh như: tham quan bảo tàng, các di tích; duy trì có hiệu quả hoạt động của các câu lạc bộ môn học, câu lạc bộ theo năng khiếu, sở thích, hoạt động văn nghệ, thể dục - thể thao... để phát triển năng lực học sinh.
Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT của thành phố cơ bản duy trì ổn định, đa số trên 95%; 100% xã, phường, quận, huyện duy trì và giữ vững kết quả phổ cập giáo dục (phổ cập giáo dục) mầm non cho trẻ 5 tuổi; huy động 100% trẻ trong độ tuổi từ 6 đến 14 ra lớp; 100% xã, phường, quận, huyện duy trì và giữ vững kết quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục THCS và phổ cập giáo dục THPT.
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
Thành phố có 61 cơ sở giáo dục nghề nghiệp; có 16 trường đại học và cơ sở đào tạo đại học, số lượng tuyển sinh hằng năm trên 100.000 sinh viên; cung ứng nguồn nhân lực cho thị trường lao động thành phố, khu vực miền Trung - Tây nguyên và cả nước.
Nghị quyết số 43-NQ/TW cũng xác định phát triển công nghiệp công nghệ cao, xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tầm quốc gia, là khu đô thị sáng tạo - khoa học - công nghệ đạt đẳng cấp quốc tế, có sức cạnh tranh cao. Với bề dày truyền thống là “cái nôi” đào tạo, cung ứng cho xã hội hàng chục vạn cán bộ khoa học kỹ thuật - công nghệ trình độ cao, Đại học (ĐH) Đà Nẵng đã sớm đón đầu, đào tạo các ngành liên quan đến công nghệ.
Cụ thể, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng đã thành lập Khoa Điện tử viễn thông, Công nghệ thông tin và trong quá trình đầu tư phát triển cũng ưu tiên cho ngành này. Thời gian tới, các trường thành viên ĐH Đà Nẵng cũng mở chuyên ngành liên quan đến sản xuất vi mạch như: Trường ĐH Bách khoa mở ngành đào tạo Kỹ sư vi điện tử (bắt đầu tuyển sinh ngay từ năm 2024); Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật thành lập Khoa Công nghệ số, hợp tác với Tập đoàn Nam Long đầu tư triển khai Phòng thí nghiệm thực hành chuyển đổi số; Trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt-Hàn vừa công bố Chương trình đào tạo chuyên ngành Vi mạch bán dẫn; xây dựng Lab nghiên cứu, thiết kế vi mạch (dự kiến đầu tư khoảng 10 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ…
Nhằm đưa ĐH Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm đào tạo hàng đầu của cả nước, trong nội dung làm việc với Thủ tướng Chính phủ, thành phố đã đề xuất, kiến nghị xây dựng ĐH Đà Nẵng trở thành ĐH Quốc gia. Theo đó, tại Thông báo số 02/TB-VP ngày 4-1-2022 và Công văn số 416/VPCP-QHĐP ngày 18-1-2022 của Văn phòng Chính phủ thông báo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: “Đồng ý chủ trương phát triển Đại học Đà Nẵng thành Đại học Quốc gia Đà Nẵng; giao Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp các bộ, ngành, địa phương có liên quan hỗ trợ ĐH Đà Nẵng hoàn thiện các thủ tục liên quan phát triển ĐH Đà Nẵng thành ĐH Quốc gia Đà Nẵng.
Thành phố cũng triển khai thúc đẩy dự án xây dựng Khu đô thị ĐH Đà Nẵng tại Hòa Quý - Điện Ngọc. Đây là dự án của Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Về phía Đà Nẵng, thành phố đã hoàn thành quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 ĐH Đà Nẵng tại phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn. Đồng thời triển khai dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng 40ha khu vực phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn. Hiện nay, dự án đã hoàn thành công tác đo đạc chỉnh lý bản đồ địa chính, kiểm đếm, lập hồ sơ đền bù 724 hồ sơ, thủ tục áp giá, phê duyệt phương án đền bù chi tiết; tiến hành chi trả tiền đền bù, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất khoảng 36,3ha/40ha, đạt 90,75%, cơ bản đảm bảo mặt bằng thực hiện dự án ODA vay vốn WB.
UBND thành phố đã thống nhất dùng kinh phí của địa phương để xây dựng khu tái định cư và thu lại nguồn kinh phí đầu tư từ việc thu tiền sử dụng đất của các hộ dân nhận đất. Ngày 20-9-2021, Chủ tịch UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 3014/QĐ-UBND phê duyệt dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư phục vụ giải tỏa Làng đại học với quy mô 12,7ha, tổng mức đầu tư 227 tỷ đồng. Đồng thời đã bổ sung thêm quỹ đất từ 6 khu tái định cư đã hoàn thiện khác của thành phố để đáp ứng nhu cầu tái định cư cho dự án.
Hiện ĐH Đà Nẵng đang thực hiện các thủ tục phê duyệt sổ tay thực hiện dự án (POM), kế hoạch tổng thể thực hiện dự án, kế hoạch hoạt động và kế hoạch tài chính năm 2022; kế hoạch lựa chọn nhà thầu giai đoạn thiết kế sau thiết kế cơ sở; thủ tục vay lại với Bộ Tài chính; thủ tục để ký kết hợp đồng vay lại, hợp đồng bảo đảm tiền vay với Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
NGỌC HÀ