Giáo dục
Âm nhạc truyền thống "gõ cửa" trường học
Nhiều trường học trên địa bàn thành phố đưa âm nhạc truyền thống vào hoạt động giáo dục. Qua đó, nâng cao sự hiểu biết về nghệ thuật dân tộc, nuôi dưỡng tình yêu quê hương đất nước, khơi gợi sự hứng thú và sáng tạo trong học tập dành cho học sinh.
Dự án cộng đồng của Trường Đại học FPT Đà Nẵng về Trường THPT Sơn Trà. Ảnh: KHÁNH NGÂN |
Hướng học sinh về nguồn cội
Tháng 11-2023, Trường THPT Sơn Trà phối hợp Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh tổ chức các chương trình giao lưu, biểu diễn nhạc cụ dân tộc, nhằm chung tay phát triển văn hóa nghệ thuật tuồng trong điều kiện đổi mới phương thức giáo dục. Chương trình diễn ra trong 60 phút với không gian nghệ thuật hấp dẫn, đậm đà bản sắc dân tộc. Vở trích đoạn “Trưng Vương đề cờ” khiến cả thầy và trò vô cùng thích thú. Được nghe tiếng trống, những điệu hát và thưởng thức nghệ thuật biểu diễn là một trải nghiệm đặc biệt để học sinh hiểu và gợi sự thích thú với sân khấu dân gian.
Lê Phạm Quỳnh Anh (học sinh lớp 11/4, Trường THPT Sơn Trà) cho biết: “Với em, nghệ thuật tuồng còn khá xa lạ vì em chưa có cơ hội được tiếp cận. Em ấn tượng những điệu hát, cách biểu diễn gần gũi của các cô, chú diễn viên. Thông qua chương trình, em có thể phân biệt được sự khác nhau giữa các loại hình sân khấu truyền thống như: cải lương, chèo hay tuồng”.
Khác với Quỳnh Anh, Mai Cao Minh Phương (học sinh lớp 11/2) tâm sự: “Em rất thích buổi biểu diễn nhạc cụ truyền thống của các anh chị, thầy cô Trường Đại học FPT Đà Nẵng. Trước đó, em chưa có dịp tiếp xúc với đàn tranh, đàn nguyệt và đàn tỳ bà. Tại chương trình, em được chơi các loại nhạc cụ dưới sự hướng dẫn của các thầy cô và anh chị. Em ấn tượng với đàn tranh và nếu có cơ hội được học tập, em sẽ chọn loại nhạc cụ này để thử sức”.
Trên không gian mạng, bên cạnh trào lưu hình thành trong nước, những dòng chảy văn hóa từ nhiều quốc gia cũng dần xâm nhập và có ảnh hưởng mạnh mẽ, tác động trực tiếp đến đời sống tâm lý, tình cảm của người trẻ. Việc giáo dục âm nhạc truyền thống trong trường học là cần thiết, giúp hình thành một nền tảng âm nhạc vững chắc để học sinh tiếp cận và chọn lọc những giá trị gần gũi với văn hóa dân tộc.
Thầy Bùi Minh Quảng, Hiệu trưởng Trường THPT Sơn Trà, bày tỏ: “Khi đưa các chương trình âm nhạc truyền thống về trường, các em học sinh rất hào hứng, bởi các tiết mục có sự kết hợp với dòng nhạc trẻ, nhạc xu hướng. Sắp tới, Trường THPT Sơn Trà tiếp tục phối hợp tổ chức ngày hội dân gian, sân khấu hoá tác phẩm văn học…để hướng học sinh về nguồn cội, chung tay phát triển văn hóa nghệ thuật nước nhà”.
Phát huy giá trị truyền thống
Từ tháng 3-2022, dự án cộng đồng “Đưa nhạc cụ dân tộc đến trường THPT” của Trường Đại học FPT Đà Nẵng được triển khai nhằm đồng hành các trường THPT trong việc giữ gìn, phát huy văn hóa dân tộc thông qua âm nhạc truyền thống. Theo đó, dự án sẽ triển khai tới các điểm trường để biểu diễn 4 loại nhạc cụ dân tộc gồm: đàn tranh, đàn nguyệt, đàn tỳ bà và sáo trúc. Những tiết mục được tập luyện công phu, phối hợp nhuần nhuyễn giữa thầy và trò. Để chương trình thành công, gợi sự hứng khởi cho các em học sinh, các tiết mục không chỉ có những bản nhạc cổ điển, mà còn lồng ghép những bản nhạc xu hướng của giới trẻ. Qua đó, những giai điệu quen thuộc như được khoác lên mình một diện mạo mới, mang đậm dấu ấn của văn hóa Việt và nhạc cụ dân tộc trở nên gần gũi, thân thuộc với học sinh. Ngoài ra, học sinh được trải nghiệm trực tiếp các loại nhạc cụ dưới sự hướng dẫn của thầy trò Trường Đại học FPT Đà Nẵng.
Đến nay, dự án triển khai tại 10 trường học trên địa bàn thành phố và một vài điểm trường ở tỉnh Quảng Nam. Tại các trường THPT, dự án nhận được nhiều hưởng ứng từ ban giám hiệu, giáo viên và học sinh. Đây là tín hiệu tích cực tạo nguồn động lực to lớn cho hành trình “gieo mầm văn hóa” của thầy và trò Trường Đại học FPT. Nguyễn Hồng Phúc, sinh viên Trường Đại học FPT Đà Nẵng, tâm sự: “Khi được về các trường THPT để biểu diễn, em rất vui. Hoạt động này không chỉ mang lại giá trị cho cộng đồng, mà còn giúp nâng cao kỹ năng biểu diễn, tạo động lực để em cố gắng tập luyện, trau dồi các bộ môn nhạc cụ dân tộc”.
Năm 2014, Trường Đại học FPT đưa nhạc cụ dân tộc vào giảng dạy và là một bộ môn chính thức trong chương trình đào tạo. Ngoài tập luyện nhạc cụ dân tộc trong các tiết học, sinh viên trường còn được trải nghiệm qua nhiều hoạt động với các hình thức như: sân chơi nghệ thuật học đường, F-Sound: Thanh âm FPTU, triển lãm cung đàn đất nước… Đây là cơ hội để sinh viên thể hiện khả năng, kỹ thuật biểu diễn, từ đó niềm đam mê với âm nhạc truyền thống được chắp cánh, lan tỏa trong cộng đồng.
Bà Trương Hồng Công, Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường Đại học FPT Đà Nẵng cho biết, thời gian tới, dự án cộng đồng “Đưa nhạc cụ dân tộc đến trường THPT” sẽ tiếp tục biểu diễn tại các trường THPT trên địa bàn thành phố và mở rộng hơn nữa ở các điểm trường tỉnh Quảng Nam. Đồng thời, đội ngũ thực hiện dự án không ngừng luyện tập, nâng cao kỹ năng biểu diễn để tiếp tục góp phần vào hành trình giữ gìn và lưu truyền âm nhạc truyền thống dân tộc.
KHÁNH NGÂN