Giáo dục
Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo
Ngày 14-12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Theo báo cáo, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, giáo dục và đào tạo cả nước đã có những bước phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần to lớn trong việc nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.
Hệ thống giáo dục quốc dân cơ bản được hoàn thiện theo hướng mở, liên thông giữa các cấp học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo; quy mô giáo dục và mạng lưới cơ sở giáo dục phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập suốt đời của người dân. Chương trình giáo dục phổ thông mới, chuyển từ nặng về truyền thụ kiến thức sang phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực học sinh.
Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cơ bản được chuẩn hóa, từng bước bảo đảm số lượng. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được cải thiện, bước đầu đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đào tạo; tích cực thực hiện chuyển đổi số trong toàn ngành giáo dục; công tác xã hội hóa giáo dục đã đạt được những kết quả quan trọng.
Tại Đà Nẵng, qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể và các trường học tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả.
Thành phố quan tâm hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập. Công tác quản lý giáo dục, đào tạo có nhiều đổi mới và bảo đảm dân chủ, thống nhất.
Thành phố ban hành nhiều chương trình, chính sách, cơ chế nhân văn trên lĩnh vực giáo dục và đào tạo như: thực hiện chương trình không có học sinh bỏ học; Đề án sữa học đường, thí điểm giữ trẻ 6-18 tháng tuổi tại các trường mầm non công lập. Thành phố có chính sách hỗ trợ học phí đối với trẻ mầm non và học sinh phổ thông; từ năm học 2023-2024, hỗ trợ cả trường công lập và ngoài công lập với số tiền trên 400 tỷ đồng/năm…
Hội nghị xác định những nhiệm vụ, giải pháp cần tiếp tục thực hiện để nâng cao chất lượng, hiệu quả đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong giai đoạn tới.
Theo đó, Bộ GD&ĐT đề ra 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo hướng chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; thực hiện nhất quán một chương trình có nhiều sách giáo khoa và xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa; thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm.
Đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, trọng dụng nhân tài công tác trong ngành giáo dục; thực hiện chủ trương lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng...
NGỌC HÀ