Trước hiện trạng thanh thiếu niên, học sinh ngày càng dễ bị thu hút và sử dụng các chất kích thích, chất gây nghiện, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống tệ nạn ma túy trong học đường năm 2024.
Tuyên truyền về phòng, chống tệ nạn xã hội cho học sinh Trường THCS Nguyễn Viết Xuân (huyện Hòa Vang). Ảnh: NGỌC HÀ |
Triển khai kế hoạch phối hợp số 49/KHPH-SLĐTBXH-SGDĐT giữa Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng phòng, chống tệ nạn xã hội đã tổ chức tuyên truyền tại 10 trường THCS, THPT trên địa bàn thành phố. Theo ông Lương Vĩnh Thái, Trưởng Phòng phòng, chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội), tại các buổi tuyên truyền, các chuyên viên của đơn vị đã thông tin về tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn thành phố những năm gần đây.
Đồng thời, tập trung hướng dẫn học sinh cách nhận biết một số loại ma túy thường gặp, ma túy mới “núp bóng” thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử; nguyên nhân, dấu hiệu và nhận biết về người nghiện ma túy; các loại tiền chất ma túy. Bằng những hình ảnh thu thập được từ thực tế, các chuyên viên nêu rõ những tác hại khôn lường của từng loại ma túy đối với sức khỏe, tinh thần, nhân cách của con người; nhấn mạnh các thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma túy, các quy định của pháp luật phòng, chống ma túy; kỹ năng phòng ngừa, đấu tranh với tệ nạn ma túy thông qua các câu hỏi trắc nghiệm để học sinh dễ nắm bắt.
Cô Đặng Thị Thanh Vân, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Thị Hồng Gấm (quận Thanh Khê) cho biết, 500 học sinh và hơn 30 giáo viên, nhân viên nhà trường đã tham gia buổi tuyên truyền phòng, chống ma túy trong học đường. “Tôi nghĩ rằng, những thông tin được truyền đạt sẽ tạo ra thay đổi tích cực trong nhận thức của học sinh, giúp các em có kiến thức cơ bản nhất về phòng, chống ma túy trong học đường. Đây không chỉ đơn thuần là một sự kiện, một hoạt động mà còn là một thông điệp sâu sắc về tình yêu thương và trách nhiệm của mỗi người đối với xã hội”, cô Vân nói.
Phòng, chống tệ nạn ma túy trong trường học cũng là nhiệm vụ trọng tâm được các trường học triển khai hằng năm. Thầy Phạm Thanh Bửu, Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Thì Nhậm (quận Liên Chiểu) chia sẻ, nhà trường đã tích hợp nội dung giáo dục, tuyên truyền về phòng, chống tệ nạn ma túy và các chất gây nghiện trong một số môn học chính khóa, giáo dục tuyên truyền thông qua hoạt động ngoại khóa; kêu gọi sự vào cuộc của gia đình, trách nhiệm của mỗi cán bộ, giáo viên trong việc nắm bắt tâm lý, kịp thời phát hiện, hỗ trợ, ngăn chặn hành vi hút thuốc lá, thuốc lá điện tử và các chất gây nghiện của học sinh... Đồng thời, nhà trường tổ chức cho học sinh ký cam kết nghiêm túc chấp hành pháp luật về không buôn bán, tàng trữ, vận chuyển và sử dụng ma túy; tích cực tham gia các hoạt động, phong trào đấu tranh phòng, chống tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật.
Đồng thời chủ động phối hợp chính quyền địa phương thực hiện nghiêm quy định cấm bán thuốc lá phía ngoài cổng trường, khuyến khích học sinh tham gia các hoạt động ngoại khóa, hướng tới lối sống lành mạnh, giám sát chặt chẽ để tránh xa ma túy, thuốc lá điện tử. “Với sự hỗ trợ từ các ngành chức năng, công tác tuyên truyền được thực hiện một cách hiệu quả, khoa học với nhiều hình thức trực quan, thu hút đông đảo các em học sinh quan tâm; từ đó giúp các em nhận biết được tác hại của tệ nạn ma túy và hiểu rõ được bản thân cũng cần phải tham gia vào phong trào phòng, chống ma túy trong trường học.
Hiệu quả trong công tác phối hợp giữa nhà trường và các ngành chức năng trong công tác tuyên truyền còn thể hiện qua việc các chủ hàng rong quán nước ngoài cổng trường cam kết không bán thuốc lá, thuốc lá điện tử; đồng thời tích cực phối hợp với nhà trường công tác phát hiện tố giác các đối tượng xấu có hành vi dụ dỗ, ép buộc các em học sinh tham gia mua, bán thuốc lá, thuốc lá điện tử…”, thầy Bửu nói.
Ông Lương Vĩnh Thái cho biết, công tác phối hợp giữa Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố với Sở Giáo dục và Đào tạo về tuyên truyền phòng, chống tệ nạn ma túy trong trường học được triển khai đồng bộ và thường xuyên. Các đơn vị xây dựng nội dung và tổ chức tuyên truyền sổ tay về kỹ năng phòng, tránh ma túy trong học đường; cấp phát tờ rơi tuyên truyền về phòng, chống tệ nạn ma túy; lắp đặt pano tuyên truyền phòng, chống ma túy tại các trường trên địa bàn thành phố; phát động các cuộc thi “Sáng tác phim ngắn về nội dung phòng, chống tệ nạn ma túy trong học đường”, cuộc thi “Vẽ tranh tuyên truyền về phòng, chống tệ nạn ma túy trong trường học…
“Để công tác phòng, chống tệ nạn ma túy trong học đường, đối với cá nhân, gia đình phải đề cao cảnh giác với mọi hiện tượng, hành vi có liên quan đến ma túy, tránh các tệ nạn ma túy (bị dụ dỗ, lôi kéo...); đối với các cơ sở giáo dục cần tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy cho học sinh, sinh viên và quản lý, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống ma túy trong cơ sở. Đồng thời, cần sự vào cuộc của toàn xã hội để ngăn chặn ma túy”, ông Thái chia sẻ.
NGỌC HÀ