Nuôi dưỡng văn hóa đọc cho học sinh

.

Các mô hình đọc sách độc đáo đang được nhiều trường học áp dụng để khơi dậy sự yêu thích của trẻ em đối với việc đọc sách, nuôi dưỡng văn hóa đọc và dần hình thành thói quen đọc sách cho học sinh.

Trường Tiểu học Lương Thế Vinh (quận Sơn Trà) xây dựng mô hình đọc sách “Đằng sau thành công của con là bóng dáng của cha mẹ” bằng cách tạo một nhóm mở trên Facebook, quản trị viên là hiệu trưởng, hiệu phó và giáo viên tin học. Mô hình thu hút hàng trăm học sinh tích cực tham gia, đọc sách và chia sẻ trải nghiệm thông qua quay video. Học sinh tự lựa chọn và đọc một câu chuyện, một bài thơ... Trong thời gian đọc, phụ huynh hoặc các em sẽ tự quay video và đăng lên nhóm do nhà trường lập ra nhằm lan tỏa văn hóa đọc sách đến toàn trường. Nhà trường khuyến khích học sinh mỗi tuần đăng tải lên nhóm 2 video quay lại quá trình đọc một câu chuyện, bài thơ để mọi người trong nhóm cùng xem.

Tính đến nay, có em đã đăng tải hơn 1.700 bài đăng, vượt qua mục tiêu 2 bài/học sinh/tuần nhà trường đặt ra. Để khuyến khích học sinh và phụ huynh, ban quản trị nhóm Facebook sơ kết hằng tháng và tặng quà là những quyển sách cho học sinh tham gia tích cực. Mô hình đọc sách này không chỉ giúp học sinh, phụ huynh nhận thức được tầm quan trọng của văn hóa đọc, mà qua đó tạo điều kiện cho những học sinh đọc yếu, đọc chậm có cơ hội tìm tòi và phát triển các kỹ năng liên quan để phục vụ cho việc học như viết chính tả, đọc diễn cảm, kể chuyện và đặc biệt là kỹ năng đọc hiểu và cảm nhận văn học. Cô Võ Thị Mỹ Thu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lương Thế Vinh, chia sẻ: “Với mô hình đọc sách này, các em hạn chế sử dụng điện thoại, tivi. Thay vào đó, những lúc rảnh rỗi, các em tìm sách để đọc. Dấu hiệu đáng mừng là dần dần, các em hưởng ứng mô hình đọc sách bằng sự đam mê, ham đọc chứ không tham gia theo kiểu đối phó”.

Ngoài thư viện truyền thống với gần 13.000 đầu sách, Trường Tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu) xây dựng thêm mô hình “Thư viện điện tử” để học sinh dễ dàng tra cứu, đọc sách trực tuyến. Thư viện điện tử của trường thường xuyên cập nhật các đầu sách mới nhằm phục vụ cho nhu cầu của học sinh. Theo đó, học sinh được cung cấp mã số và mật khẩu để truy cập vào thư viện điện tử và có thể đọc sách qua điện thoại, máy tính bảng ở bất kỳ nơi đâu. “Mỗi tuần, em đọc 3 quyển sách vào giờ ra chơi ở thư viện của trường. Về nhà, mỗi lần gặp những dạng bài tập khó, em tìm sách ở thư viện điện tử để tham khảo cách làm”, Trần Lê Khanh, học sinh lớp 5/6, Trường Tiểu học Núi Thành chia sẻ.

Trường Tiểu học Lý Tự Trọng (quận Hải Châu) cũng xây dựng và phát triển mô hình “Thư viện xanh trong sân trường” để chủ động đưa sách đến gần hơn với học sinh, giúp các em đọc sách một cách thuận tiện, thoải mái nhất. Nhà trường đặt các tủ sách trong khuôn viên sân trường. Vào giờ ra chơi, học sinh chọn những cuốn sách, cuốn truyện yêu thích để đọc. Hằng tuần, cán bộ thư viện luân chuyển sách, truyện để cho học sinh có điều kiện được đọc nhiều hơn. Không chỉ đầu tư nguồn sách từ ngân sách Nhà nước, trường kêu gọi phụ huynh ủng hộ sách để tăng tính đa dạng, phong phú cho tủ sách nhằm phục vụ nhu cầu đọc của các em học sinh.

Cô Hồ Thị Thanh Tâm, Hiệu phó Trường Tiểu học Lý Tự Trọng cho biết, nhà trường và gia đình thường xuyên phối hợp để khuyến khích, tạo thói quen đọc sách cho học sinh ngay từ khi còn nhỏ. Theo đó, nhiều hoạt động được tổ chức thường xuyên để các em có cơ hội tiếp cận với sách bằng nhiều hình thức như thi kể chuyện, sáng tạo kết truyện bằng tranh vẽ... Qua đó, giúp các em phát huy tính sáng tạo và phát triển được nhiều kỹ năng khác nhau.

KIM KHÁNH

;
;
.
.
.
.
.