Tăng cường tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh

.

Thực hiện đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2019-2025 trên địa bàn thành phố”, các sở, ngành triển khai nhiều hoạt động tạo chuyển biến mạnh mẽ công tác phân luồng học sinh sau THCS và THPT, đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực thành phố và đất nước.

Học sinh tìm hiểu về cơ hội học nghề tại Ngày hội tư vấn, tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp cho học sinh, người lao động trên địa bàn thành phố năm 2024. Ảnh: L.P
Học sinh tìm hiểu về cơ hội học nghề tại Ngày hội tư vấn, tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp cho học sinh, người lao động trên địa bàn thành phố năm 2024. Ảnh: L.P

 Thay đổi tư tưởng về học nghề

Tại ngày hội tư vấn, tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp cho học sinh, người lao động trên địa bàn thành phố năm 2024 do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo và UBND quận Sơn Trà tổ chức mới đây, hơn 4.500 học sinh lớp 9, lớp 12 được tiếp cận trực tiếp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, mở ra thay đổi về tư tưởng chọn ngành, chọn nghề. Sau khi trải nghiệm làm bánh ngọt tại khu vực trưng bày của cơ sở Hướng nghiệp Á Âu chi nhánh Đà Nẵng, Phạm Mai Anh Thư (học sinh lớp 12, Trường THPT Nguyễn Trãi tỏ ra thích thú và quyết định học nghề đầu bếp sau khi tốt nghiệp THPT. “Qua tìm hiểu, em biết được trên địa bàn thành phố có nhiều trường, cơ sở dạy nghề có đào tạo nghề đầu bếp. Em sẽ nghiên cứu và chọn một trường uy tín, chất lượng để học nghề theo đúng sở thích, đam mê của mình”, Thư chia sẻ.

Tương tự, Phan Tấn Minh (học sinh lớp 12, Trường THPT Nguyễn Văn Thoại cũng dự định học nghề pha chế sau khi tốt nghiệp phổ thông. Minh cho biết, có anh trai và chị gái đều học nghề và hiện có công việc ổn định nên từ sớm em muốn học nghề. “Em đang tìm hiểu nghề điện tử công nghiệp tại một số cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn thành phố để đăng ký học sau khi tốt nghiệp trung học. Theo em biết, thời gian học nghề ngắn, thực hành nhiều và học phí vừa phải nên rất phù hợp với gia đình”, Minh tâm sự.

Trong khi đó, Đặng Minh Khôi, học sinh lớp 12, Trường THPT Ngô Quyền cho rằng, suy nghĩ học nghề sau khi tốt nghiệp phổ thông đang dần cởi mở hơn. Hiện nay hầu hết các ngành học đều được đào tạo ở các cơ sở dạy nghề, trường nghề. Thay vì chọn học ở các trường đại học, có thể chọn học ở các trường nghề, cơ sở dạy nghề với thời gian học ngắn hơn, chú trọng thực hành nhiều và tốt nghiệp đi làm sớm.

Nhiều lựa chọn

Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thế Tuân cho biết, thực hiện đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2019-2025 trên địa bàn thành phố” của UBND thành phố và kế hoạch của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội về truyền thông giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025, hằng năm, sở phối hợp các đơn vị, địa phương tổ chức ngày hội tư vấn, tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp cho học sinh, người lao động nhằm tạo cơ hội, môi trường để học sinh gặp gỡ, tiếp cận các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và có định hướng chọn trường, chọn nghề phù hợp.

Học sinh tìm hiểu mô hình điều khiển thiết bị tự động hóa của Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng. Ảnh: L.P
Học sinh tìm hiểu mô hình điều khiển thiết bị tự động hóa của Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng. Ảnh: L.P

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, tại ngày hội tư vấn, tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp cho học sinh, người lao động năm 2024, có 22 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp tham gia, gồm 15 trường cao đẳng, 2 trường trung cấp và 5 cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Tổng số ngành đào tạo của các cơ sở cần tuyển sinh là 213 lượt ngành, nghề với nhu cầu tuyển sinh 25.176 chỉ tiêu ở 3 cấp trình độ, trong đó trình độ cao đẳng 8.998 chỉ tiêu, trình độ trung cấp 8.018 chỉ tiêu, trình độ sơ cấp 8.160 chỉ tiêu. “Với chỉ tiêu tuyển sinh như trên, học sinh được tiếp cận, tư vấn tuyển sinh, định hướng giáo dục nghề nghiệp, có thông tin để chọn trường, chọn nghề phù hợp với năng lực, sở thích của bản thân và nhu cầu xã hội. Đồng thời, học sinh được thông tin về chính sách hỗ trợ, miễn, giảm học phí trong giáo dục nghề nghiệp cũng như cơ hội nghề nghiệp sau ra trường”, ông Tuân nói.

Là cơ sở giáo dục nghề nghiệp thường xuyên tham gia tư vấn tuyển sinh, năm 2024, Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng tuyển sinh ở 25 ngành nghề, trong đó có 7 nghề chất lượng cao theo chuẩn đào tạo quốc tế và ASEAN. Theo đại diện nhà trường, học sinh tốt nghiệp THPT hoặc chương trình lớp 12 được xét tuyển hệ cao đẳng; học sinh tốt nghiệp THCS được xét tuyển hệ trung cấp và miễn được 100% học phí, được liên thông lên cao đẳng. Trong khi đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho người học, cơ sở Hướng nghiệp Á Âu chi nhánh Đà Nẵng có 2 cơ sở nằm tại quận Cẩm Lệ và quận Thanh Khê, dạy các nghề: nấu ăn, làm bánh, pha chế, lễ tân, quản lý nhà hàng, âm nhạc… Với hầu hết thời gian học là thực hành, người học được trang bị đầy đủ kiến thức, thành thạo kỹ năng và phát triển tư duy quản lý. Kết thúc khóa học, người học được cấp chứng chỉ từ Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và được giới thiệu việc làm phù hợp.

Toàn thành phố hiện có 17 trường cao đẳng,  6 trường trung cấp, 12 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, 25 cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Tổng quy mô tuyển sinh hơn 47.000 học sinh, sinh viên. Trong đó, trình độ cao đẳng hơn 13.000 sinh viên, trình độ trung cấp hơn 8.000 học sinh, trình độ sơ cấp hơn 25.000 học viên. Tổng số ngành nghề đào tạo là 286 ngành, nghề thuộc các lĩnh vực: thương mại - dịch vụ, công nghiệp - xây dựng, nông nghiệp. Trung bình mỗi năm, hệ thống giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh hơn 38.000 học sinh, sinh viên ở các cấp trình độ, góp phần cung ứng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố và khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

LAM PHƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.