Giáo dục

Sức hút từ các kỳ thi đánh giá năng lực

07:44, 17/04/2024 (GMT+7)

Chỉ còn hơn hai tháng nữa mới diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024. Tuy nhiên, một số kỳ thi đánh giá năng lực đã khởi động. Đây được xem là cơ hội cho thí sinh dành trước “suất” đỗ vào các trường đại học.

Thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tại điểm thi Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng). Ảnh: NGỌC HÀ
Thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tại điểm thi Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng). Ảnh: NGỌC HÀ

Nhiều trường tổ chức thi đánh giá năng lực

Kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 năm 2024 do Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức vào ngày 7-4 tại 24 địa phương với 51 cụm thi và 90 điểm thi. Tổng số thí sinh đăng ký đợt 1 là 93.831 thí sinh; trong đó số thí sinh dự thi tại Đà Nẵng là 4.664 thí sinh. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục mở cổng đăng ký thi đợt 2 từ ngày 16-4 đến 7-5. Thí sinh có thể tham gia thi cả 2 đợt, kết quả đợt thi cao hơn sẽ được sử dụng để xét tuyển. Kết quả kỳ thi được hơn 100 trường đại học, cao đẳng sử dụng để tuyển sinh.

Năm 2024, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực với 6 đợt thi, kéo dài từ tháng 3 đến đầu tháng 6 tại 11 tỉnh, thành. Mỗi đợt thi dự kiến hơn 90.000 thí sinh. Hiện, 90 trường sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội để xét tuyển đầu vào; trong đó, 17 trường quân đội lần đầu sử dụng điểm kỳ thi này. Kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội năm nay cũng có 6 đợt thi, diễn ra ở Hà Nội, Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Phòng, Nam Định, Hưng Yên, Thái Nguyên và Đà Nẵng. Ngoài ra, một số trường cũng tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực như: Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội; Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh; Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh; Trường Đại học Việt Đức, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Trong đó, kỳ thi đánh giá năng lực của hai trường đại học sư phạm được một số trường sư phạm sử dụng kết quả để tuyển sinh như: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế), Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng), Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên), Trường Đại học Vinh, Trường Đại học Quy Nhơn, Trường Đại học Y Dược Thái Bình.

Tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh

Năm nay, các kỳ thi đánh giá năng lực thu hút nhiều thí sinh, đặc biệt là hai kỳ thi của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Quốc gia Hà Nội. Em Trần Thị Thanh Tuyền (học sinh lớp 12 Trường THPT Phan Châu Trinh) tham gia kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 năm 2024 do Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức với mong muốn tăng thêm cơ hội trúng tuyển vào đại học. Theo Tuyền, đề thi có kiến thức khá rộng, nên thí sinh không đoán trước được sẽ nằm ở phần nào, tránh được trường hợp học tủ, học vẹt; đề thi cũng hướng đến khả năng suy luận, tư duy của mỗi thí sinh và muốn đạt được điểm cao đòi hỏi kiến thức phải tích lũy nhiều năm, đọc nhiều, hiểu nhiều.

Với em Nguyễn Thảo Vi (học sinh lớp 12 Trường THPT Hòa Vang), kỳ thi đánh giá năng lực là phương thức mới trong vài năm gần đây, giúp cho cánh cửa vào đại học của mỗi thí sinh dễ dàng hơn. Kỳ thi đánh giá năng lực có kết quả sớm, trên cơ sở điểm số của mình, em sẽ so sánh với ngưỡng điểm đầu vào của một số trường năm ngoái và đăng ký phù hợp. Khi các trường công bố kết quả xét tuyển sớm, thí sinh nào trúng tuyển thì tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ với mục đích để xét tốt nghiệp, tâm lý thoải mái hơn rất nhiều.

Các trường thành viên Đại học Đà Nẵng cũng dành một số chỉ tiêu nhất định cho kỳ thi đánh giá năng lực năm 2024. PGS.TS Võ Ngọc Dương, Phó trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Bách khoa cho biết, mùa tuyển sinh 2024, phương thức xét tuyển theo kết quả thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chiếm khoảng 3-5% tổng chỉ tiêu của nhà trường; xét tuyển theo kết quả đánh giá tư duy do Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức khoảng 2-5% tổng chỉ tiêu. PGS.TS Võ Ngọc Dương cho rằng, việc tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy lấy kết quả xét tuyển vào đại học là cần thiết. Điều này làm đa dạng nguồn tuyển cho các trường đại học, tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh học giỏi và có thành tích cao. Kỳ thi trên hoàn toàn phù hợp với xu hướng các nước trên thế giới.

“Trong tuyển sinh, việc xác định đúng năng lực đầu vào rất quan trọng, giúp các trường phân loại, lựa chọn được thí sinh, phù hợp tiêu chí đào tạo, ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào của từng chương trình, lĩnh vực đào tạo và từ đó quyết định chất lượng đầu ra. Xét theo nguyên tắc trên, mỗi trường tổ chức một kỳ thi là phù hợp với đặc trưng, yêu cầu chất lượng đầu vào. Nhưng nếu trường nào cũng tổ chức sẽ tạo áp lực cho thí sinh, lãng phí cho xã hội; chưa kể, phương án này tiềm ẩn nhiều tiêu cực, có thể sinh ra việc dạy thêm, học thêm, luyện thi... Do đó, không nên tổ chức quá nhiều kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy. Bộ Giáo dục và Đào tạo nên tăng cường công tác quản lý, giám sát chất lượng các kỳ thi này. Làm sao để kỳ thi tổ chức phải thật sự khách quan, công bằng, bảo đảm chất lượng, giúp các trường phân loại, tuyển được thí sinh có chất lượng”, PGS.TS Võ Ngọc Dương chia sẻ.

NGỌC HÀ

.