Giáo dục
Đại học Đà Nẵng hội nhập, nâng tầm vị thế quốc tế
Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 13-5-2024 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có nội dung “Ưu tiên bố trí nguồn lực hoàn thiện Khu đô thị Đại học Đà Nẵng, xây dựng Đại học Đà Nẵng trở thành Đại học Quốc gia”. Để thực hiện nhiệm vụ chiến lược này, nâng tầm hợp tác quốc tế là một trong những giải pháp đột phá mà Đại học Đà Nẵng hướng tới.
Đại học Đà Nẵng là thành viên ngoài châu lục đầu tiên của Liên minh các Đại học Châu Âu ULYSSEUS. Ảnh: QUANG MINH |
GS.TSKH. Bùi Văn Ga, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, nguyên Giám đốc Đại học Đà Nẵng chia sẻ, trong hành trình 30 năm xây dựng và phát triển (1994-2024), hợp tác quốc tế là truyền thống và thế mạnh của Đại học Đà Nẵng. Khi mới thành lập, Đại học Đà Nẵng đã sớm vận dụng cơ chế tự chủ của đại học vùng (được ký kết các văn bản hợp tác quốc tế) để đón đầu cơ hội đất nước mở cửa. Có thể kể đến các chương trình tạo nền móng vững chắc để phát triển đào tạo quốc tế sau này như: chương trình kỹ sư chất lượng cao Việt-Pháp (PFIEV), các chương trình thạc sĩ quản trị kinh doanh, quản lý nguồn nước (hợp tác với ĐH Nice, Pháp), Logistics (hợp tác với ĐH Liege, Bỉ) hay đào tạo ngành dầu khí (hợp tác với Tổ chức ĐH Pháp ngữ-AUF).
Nhờ đó, các trường thành viên của Đại học Đà Nẵng vừa tiếp nhận, chuyển giao được chương trình tiên tiến, phương pháp dạy - học tích cực vừa nâng cao năng lực quản lý đào tạo. Nhiều cựu sinh viên tốt nghiệp từ đây đã trở thành những lãnh đạo chủ chốt của các tập đoàn, doanh nghiệp nhất là các ngành mũi nhọn (điện lực, dầu khí, ô-tô, tài chính- ngân hàng…).
Bằng việc không ngừng kết nối, bồi đắp các mối quan hệ hợp tác sâu rộng, bền vững, Đại học Đà Nẵng đã từng bước tạo dựng được uy tín quốc tế với những dấu mốc son như: thành lập Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh trên cơ sở thỏa thuận của hai Chính phủ Việt Nam-Vương quốc Anh (năm 2013); hợp tác với Đại học Nice Sophia Antipolis, Pháp và Tổ chức AUF thành lập Viện Công nghệ Quốc tế DNIIT (năm 2017); hợp tác với Đại học Quốc gia Yokohama, Nhật Bản thành lập Văn phòng đại diện và Trung tâm quản lý Rủi ro và Khoa học an toàn tại Đại học Đà Nẵng (năm 2018); hợp tác với Đại học bang Arizona, Hoa Kỳ thành lập Không gian Sáng chế (Maker Innovation Space UD, năm 2018) hay hợp tác với AUF thành lập Trung tâm Hướng nghiệp Pháp ngữ (CEF, năm 2023)…
PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho biết, cách đây hơn 15 năm, Đại hội Đảng bộ Đại học Đà Nẵng lần thứ III đã có tầm nhìn chiến lược, đề ra nghị quyết giảng viên phải được đào tạo sau đại học ở nước ngoài. Nhờ đó, Đại học Đà Nẵng nay đã có tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ trở lên gần 50% (Trường Đại học Bách khoa đạt gần 75%, thuộc top đầu cả nước). Hầu hết cán bộ, giảng viên được đào tạo bài bản ở các nước có nền giáo dục phát triển nên vừa giỏi chuyên môn và ngoại ngữ vừa có năng lực làm việc và hội nhập quốc tế tốt.
Hợp tác quốc tế còn góp phần huy động thêm nguồn lực, tăng cường cơ sở vật chất, đem lại diện mạo khởi sắc cho các trường, đơn vị (nhà đa năng, trung tâm học liệu, Viện Anh ngữ, các ký túc xá, nhà tập thể dục - thể thao…). Điểm nhấn nổi bật là Đại học Đà Nẵng là 1 trong 3 đại học hàng đầu của Việt Nam (cùng Đại học Quốc gia Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh) được Chính phủ tạo điều kiện tham gia Dự án hợp tác đổi mới giáo dục đại học (PHER) do Hoa Kỳ tài trợ. Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn được Chính phủ Hàn Quốc tài trợ Dự án ODA nhằm xây dựng trường đại học số để bắt kịp Cách mạng 4.0.
Mới đây, Đại học Đà Nẵng chính thức là thành viên ngoài châu lục đầu tiên của Liên minh các Đại học châu Âu (ULYSSEUS) và hiện là thành viên nòng cốt của nhiều tổ chức quốc tế uy tín (AUF, ASEA-UNINET, AUN, SEAMEO…). Với mạng lưới hơn 250 đối tác là các trường đại học, doanh nghiệp uy tín trên khắp thế giới, Đại học Đà Nẵng thực sự là “điểm đến” tin cậy của các nhà khoa học, chuyên gia, các vị đại sứ, đoàn khách ngoại giao, doanh nghiệp; đăng cai, tổ chức nhiều sự kiện, hội thảo quốc tế lớn. “Đại học Đà Nẵng tiếp tục hoàn thiện, thực thi các chủ trương, chính sách nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế; thu hút thêm nhiều nhà khoa học, chuyên gia, nhất là trí thức Việt Nam ở nước ngoài về giảng dạy, nghiên cứu; nâng cao mức độ quốc tế hóa theo hướng phát triển các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh, chuyển tiếp (2+2, 3+1) hay đồng cấp bằng; đẩy mạnh kiểm định quốc tế và tăng cường thu hút lưu học sinh, thực tập sinh. Đây sẽ là “chìa khóa” để Đại học Đà Nẵng hội nhập, nâng tầm vị thế quốc tế, hiện thực hoá khát vọng lớn trở thành Đại học Quốc gia”, PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ chia sẻ.
QUANG MINH